Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tái đắc cử: Niềm tin và thách thức

Thùy Dương| 28/10/2014 06:21

(HNM) - Vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Brazil đã kết thúc ngày 27-10 (giờ Việt Nam) với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Dilma Rousseff.

Theo thống kê của Tòa án bầu cử tối cao Brazil (TSE), với 96,24% số phiếu được kiểm, bà D.Rousseff giành được 51,18% phiếu ủng hộ, trong khi Thượng nghị sĩ Aécio Neves, ứng viên của đảng Xã hội dân chủ (PSDB) theo xu hướng trung hữu, thu được 48,82%. Kết quả không thể đảo ngược đã xác nhận tính gay cấn của cuộc đua vào Dinh Planalto (Phủ Tổng thống) và bà D.Rousseff sẽ tái nhậm chức vào ngày 1-1-2015.

Thực tế, cuộc bầu cử vừa kết thúc tại xứ sở của vũ điệu Samba là "cuộc điều tra dư luận" về khuynh hướng chính trị đối lập của hai ứng cử viên và sự lựa chọn của cử tri đã rõ ràng.

Người dân Brazil ăn mừng đương kim Tổng thống Dilma Rousseff tái đắc cử.


Thượng nghị sĩ A.Neves được giới doanh nhân ủng hộ với những cam kết làm sống lại nền kinh tế trì trệ, chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại; đồng thời muốn chấm dứt vai trò điều tiết của nhà nước với hoạt động của các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh, thúc đẩy tư nhân hóa và cắt giảm mạnh chi tiêu… để khôi phục tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Lao động (PT), Tổng thống mãn nhiệm D.Rousseff tuyên bố tiếp tục mở rộng những thành tựu kinh tế song song với thực hiện công bằng xã hội mà PT đã đem lại cho đất nước trong 12 năm qua với các chương trình xã hội đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Sự kiện bà D.Rousseff đắc cử cho thấy, cử tri Brazil đã ủng hộ hệ thống một đảng vốn đang mang lại sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị để thực hiện các chương trình phúc lợi của đất nước.

Uy tín 12 năm cầm quyền của PT giúp Brazil phát triển thịnh vượng thời gian qua tiếp tục mang lại những ưu thế đặc biệt cho bà D.Rousseff trong cuộc đua vào Dinh Planalto. Vị nữ tổng thống vẫn nhận được sự ủng hộ của tầng lớp nghèo khó, đặc biệt tại các khu vực Đông bắc Brazil. Các chương trình xã hội được PT theo đuổi mang tính bước ngoặt đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, tiền lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 4,9%. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đánh giá cao bản lĩnh của bà D.Rousseff trước những rắc rối quanh vụ tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Petrobras và những bất ổn khi Brazil đăng cai World Cup 2014... Chuyên gia chính trị Brazil Paulo Baia nhận định: "Các cuộc điều tra đều cho thấy bà D.Rousseff có đủ cơ sở để chứng minh sự trong sạch với vấn đề tham nhũng". Ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống D.Rousseff cho biết, cải cách chính trị sẽ là ưu tiên hàng đầu và cam kết xóa bỏ vấn nạn tham nhũng sau vụ bê bối biển thủ hàng tỷ USD tại Tập đoàn Dầu khí nhà nước Petrobras mà hàng chục đồng minh của bà có liên can.

Tuy nhiên, con đường mà bà D.Rousseff đang đi không chỉ trải hoa hồng. Nữ Tổng thống Brazil sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ đầy khó khăn như phục hồi nền kinh tế trì trệ, thu hút đầu tư nước ngoài, giải quyết các yếu tố hạn chế tiềm năng năng lượng của quốc gia… Thực ra, từ khi Tổng thống D.Rousseff cầm quyền năm 2010, nền kinh tế Brazil đã không được hưởng môi trường bên ngoài thuận lợi và ưu đãi như dưới thời người tiền nhiệm Lula da Silva. Các đối tác kinh tế của Brazil ở Mỹ Latinh đã từng bước hạn chế nhập khẩu từ nước này. Trong 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Brazil sang Argentina giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả là, nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ chỉ tăng trưởng chưa đầy 2% trong những năm gần đây, trong khi lạm phát vẫn trên 6%. Về đối ngoại, tiếp tục thực hiện các chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Lula da Silva nhưng bà D.Rousseff tập trung vào việc mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển, đặc biệt các nước trong khối Mercosur và Châu Phi, trong khi duy trì mối quan hệ tương đối độc lập với Mỹ. Quan hệ Mỹ - Brazil còn trở nên căng thẳng sau khi Brazil cáo buộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ do thám hệ thống thông tin liên lạc của Tổng thống D.Rousseff.

Rõ ràng, sự kiện các cử tri lại dồn phiếu cho nữ tổng thống đầu tiên của Brazil đồng nghĩa với việc họ gửi gắm niềm tin vào nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, việc chèo lái đất nước của vũ điệu Samba vượt qua những khó khăn đang tồn tại trong đối nội và đối ngoại là những nhiệm vụ không dễ dàng cho nhiệm kỳ 4 năm tới của bà D.Rousseff.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tái đắc cử: Niềm tin và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.