(HNM) - Chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc (từ ngày 28 đến 30-8) của Tổng thống Mohamed Mursi kể từ khi nhậm chức cuối tháng 6 vừa qua cho thấy bước chuyển lớn trên chính trường xứ Kim tự tháp.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (bên phải) tiếp Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi.
Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia hơn 83 triệu dân này vừa trải qua không ít khó khăn do cơn biến động chính trị với đỉnh điểm là cuộc phế truất Tổng thống Hosni Mubarak, chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống M. Mursi không ngoài mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại cũng như đầu tư giữa hai nước sau 56 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quyết tâm này đã được cụ thể hóa trong cuộc hội đàm ngày 28-8 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Ai Cập M.Mursi. Người đứng đầu Ai Cập đã nhận được sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Trung Quốc với khẳng định luôn tôn trọng nguyện vọng của nhân dân Ai Cập, ủng hộ sự lựa chọn tự chủ, phù hợp với con đường phát triển cũng như nỗ lực bảo vệ độc lập chủ quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà Ai Cập đang thực hiện.
Là quốc gia đầu tiên trong thế giới Arập thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống M.Mursi với lựa chọn Trung Quốc mà không phải những quốc gia Hồi giáo khác là không quá khó hiểu. Đây là bước đi chiến lược của Tổng thống dân bầu đầu tiên trong 60 năm qua tại Ai Cập và cũng là Tổng thống đầu tiên thời hậu H.Mubarak trong nỗ lực theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng mà ông cam kết với cử tri, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân Ai Cập cũng như an ninh quốc gia.
Thực tế cho thấy, kể từ khi cựu Tổng thống H.Mubarak bị lật đổ tháng 2-2011, kinh tế Ai Cập phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ thâm hụt ngân sách, bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng, tham nhũng cho đến cơ sở hạ tầng năng lượng nghèo nàn… Thâm hụt ngân sách của Ai Cập dự kiến tăng thêm 12,5% trong tài khóa kết thúc vào tháng 7-2013 sẽ lên tới 22,5 tỷ USD. Với mức dự trữ ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương Ai Cập nắm giữ liên tục sụt giảm từ mức 36 tỷ USD tại thời điểm tháng 1-2011 xuống chỉ còn 14,4 tỷ USD đang đe dọa khả năng nhập khẩu các hàng hóa cơ bản của nước này, như lúa mỳ và các chế phẩm dầu mỏ. Bài toán khó với Tổng thống M.Mursi vào lúc này là làm thế nào để đưa nền kinh tế Ai Cập thoát khỏi tình trạng ảm đạm, khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư và trước mắt phải tạo ra 700.000 việc làm mới mỗi năm đồng thời hướng tới mức tăng trưởng 6%/năm trở lên.
Trong bối cảnh đó, chuyến công du Trung Quốc được Tổng thống M.Mursi kỳ vọng rất nhiều. Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, bất chấp những biến động chính trị ở Ai Cập, năm 2011 kim ngạch thương mại song phương Ai Cập - Trung Quốc vẫn đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 26% so với năm trước. Hơn lúc nào hết, các công ty của Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội giúp Ai Cập hiện thực hóa mục tiêu khôi phục kinh tế bằng hợp tác trong một loạt các lĩnh vực như: công nghiệp, du lịch, năng lượng và công nghệ… Đẩy mạnh đầu tư vào Ai Cập cũng là cơ hội vàng giúp Trung Quốc khẳng định vị thế và vai trò trong khu vực địa - chiến lược đang bị "Mùa xuân Ảrập" làm cho tiêu điều. Tăng cường thu hút đầu tư từ Trung Quốc được cho là sẽ không chỉ góp phần làm giảm thâm hụt cán cân thương mại giữa hai bên mà còn kích thích chuyển giao công nghệ và tạo thêm nhiều việc làm hơn cho thị trường lao động Ai Cập đang bị đình đốn.
Dù không công bố tổng giá trị đầu tư được hai bên ký kết, nhưng một loạt hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực được chính phủ hai nước ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cho thấy, Ai Cập đang là điểm đến quan trọng để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Châu Phi.
Với dư luận Ai Cập, sự chuyển hướng chiến lược ngoại giao của Tổng thống M.Mursi được kỳ vọng sẽ không chỉ tạo thế cân bằng chiến lược trong chính sách đối ngoại mà còn hứa hẹn đem lại làn gió mới cho sự ổn định đất nước sau thời gian dài chìm trong hỗn loạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.