(HNM) - Mối quan hệ vốn không mấy yên ả giữa Pakistan và Afghanistan vừa ghi nhận một bước tiến mới sau chuyến công du của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tới quốc gia láng giềng.
Sự hiện diện của ông A.Ghani tại Islamabad trong chuyến viếng thăm nước ngoài thứ ba kể từ khi nhậm chức hồi tháng 9 vừa qua là chỉ dấu quan trọng cho những thiện chí nhằm kết thúc mối bất đồng kéo dài hơn một thập kỷ qua giữa hai nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa đôi bên.
Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng tại Nam Á đã trải qua 13 năm căng thẳng khi cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai từng thường xuyên cáo buộc Pakistan bảo trợ phiến quân Taliban để lật đổ chế độ của ông. Trong khi đó, Islamabad cũng lên tiếng cáo buộc Kabul chưa hành động đủ cứng rắn nhằm đóng cửa các căn cứ Taliban trên lãnh thổ Afghanistan, mà từ đó phiến quân dùng để tấn công Pakistan. Đã có lúc quan hệ giữa hai quốc gia thân cận của Mỹ này "nổi sóng" khi xảy ra đụng độ ở khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên giới chức cả hai bên đều thừa nhận rằng, căng thẳng đã hạ nhiệt đáng kể từ khi Tổng thống A.Ghani lên nhậm chức. Trong bối cảnh đó, chuyến công du Pakistan của nhà lãnh đạo Afghanistan - với một đoàn cấp cao hơn 100 người gồm các thành viên nội các và lãnh đạo doanh nghiệp - được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.
Thành công nổi bật trong chuyến công du là việc hai nước ký thỏa thuận nhằm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD vào năm 2017 cũng như đơn giản hóa các thủ tục hải quan. Hai bên còn có kế hoạch hợp tác trong dự án xây dựng đường điện CASA-1000 và đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI) trị giá 7,6 tỷ USD, với hệ thống đường ống dài tới 1.800km nhằm nối các mỏ khí đốt ở Trung Á đến các thị trường khát năng lượng ở Pakistan và Ấn Độ.
Cùng với những thỏa thuận hợp tác về kinh tế được ký kết, cuộc hội đàm giữa Tổng thống A.Ghani với các nhà lãnh đạo Pakistan đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều quan trọng hơn, những nghi kỵ bấy lâu nay giữa hai nước đang từng bước được hóa giải thông qua cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng nước chủ nhà Nawaz Sharif ở thủ đô Islamabad. Khẳng định hai bên đã vượt qua những trở ngại của 13 năm qua chỉ trong 3 ngày, Tổng thống A.Ghani trong phát biểu với báo giới sau khi kết thúc hội đàm một lần nữa hoan nghênh những bước tiến lớn mà hai nước đạt được. Đáp lại những thiện chí của Afghanistan, Thủ tướng N.Sharif tuyên bố rằng Pakistan sẽ hoàn toàn ủng hộ tiến trình hòa bình và tái thiết ở Afghanistan. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhận thấy, hợp tác trong lĩnh vực kinh kế và năng lượng sẽ tạo ra nền tảng an ninh tốt hơn tại khu vực hiện vẫn đang gặp nhiều bất ổn an ninh, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng tác chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay sau cuộc chiến chống Taliban kéo dài hơn một thập kỷ qua.
Chuyến công du Pakistan của Tổng thống A.Ghani diễn ra vào thời điểm chuyển giao quyền lực lịch sử tại Afghanistan đã kết thúc bằng việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia láng giềng trong khu vực là một trong những chiến lược ngoại giao của Kabul. Được đánh giá là có tinh thần cởi mở hơn so với người tiền nhiệm H.Karzai, Tổng thống A.Ghani đã tỏ ra lạc quan khi hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến chống Taliban hiện nay. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của ông A.Ghani tại tổng hành dinh của quân đội Pakistan trong khuôn khổ chuyến thăm được xem là bước ngoặt trong lịch sử của mối quan hệ song phương vì bấy lâu nay hầu hết người dân Afghanistan vẫn đổ lỗi cho quân đội Pakistan về những vấn đề an ninh mà nước họ gặp phải.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, những diễn biến gần đây trên chính trường Afghanistan đã mang lại cơ hội lớn để hai nước láng giềng thúc đẩy quan hệ song phương sau thời gian dài căng thẳng. Từ lâu Pakistan được cho là đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định tại Afghanistan khi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu rút về nước. Vì thế, việc Tổng thống A.Ghani kiếm tìm sự hỗ trợ của Pakistan trong các cuộc đàm phán với phiến quân Taliban - nhằm tránh tình trạng bất ổn sau khi liên quân rút khỏi Afghanistan - là một lựa chọn tất yếu và thiết thực. Mối quan hệ êm ấm hơn giữa hai nước không chỉ mang lại lợi ích cho hai bên trong những mục tiêu lâu dài của mình mà còn giúp ổn định an ninh tại khu vực Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.