(HNMO) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa yêu cầu Tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc)… tiếp tục phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong vấn đề đảm bảm an toàn giao thông cao cho Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Thông tin trên được Thứ trưởng nêu ra trong cuộc họp sáng 30/11 với Tổng thầu EPC, Ban Quản lý Dự án đường sắt, Tư vấn giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án ở 12 nhà ga, khu Depot, công tác thiết kế, đào tạo, tiến độ giải ngân.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng thầu phải có báo cáo về cơ chế phối hợp giữa Tổng thầu với Ban Quản lý Dự án đường sắt, Tư vấn giám sát với các cơ quan, đơn vị liên quan để xém xét các vấn đề vướng mắc? Tổng thầu đánh giá năng lực các nhà thầu phụ và tình hình giải ngân đối với các nhà thầu; các giải pháp kỹ thuật lớn còn vướng mắc và cách xử lý.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu hoàn thành bộ tiến độ bằng bản vẽ từng hạng mục lớn của dự án; hoàn thiện dự toán và thiết kế cơ sở bổ sung; kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu phụ Việt Nam.
Mặt khác, Tư vấn giám sát xây dựng quy trình thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, thời gian thẩm tra không nên quá 5 ngày; Tư vấn giám sát cũng cần phải bổ sung thêm nhân lực cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Ngày 30/11 cũng là ngày Ban Quản lý Dự án đường sắt kết thúc việc trưng cầu ý kiến nhân dân, nhà khoa học, giới chuyên môn về thiết kế mẫu đoàn tàu Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông. Tuyến đường sắt này sẽ có 13 đoàn tàu (52 toa xe) với cấu thành 4 toa xe/1 đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu là 79 mét. Tốc độ tối đa của đoàn tàu đạt 80 km/h; tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/h. Số lượng hành khách của mỗi đoàn tàu là 960 người (tối đa có thể đạt 1.326 người). Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng. Chi phí mua tàu với phía Trung Quốc (Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh) là hơn 63,2 triệu USD đã được Bộ GTVT thẩm định. Đoàn tàu phục vụ vận chuyển hành khách trục Cát Linh - Hà Đông với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông. Dự kiến, đến 30/5/2016, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn thành xây lắp để khai thác thử. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Đây là dự án giao thông trọng điểm xây dựng cho Thủ đô Hà Nội một tuyến đường sắt đô thị hiện đại, thuận tiện, góp phần vào giảm ùn tắc và là điểm nhấn cho hình ảnh Thủ đô của hòa bình, thân thiện môi trường nhưng đầy năng động, cởi mở và hiện đại. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.