(HNMO) - Sáng 12/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đăng đàn tập trung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng như: giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài;
Mở đầu phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu 3 nội dung Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cần trả lời là: Những công việc tồn đọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (528 vụ việc), có phát sinh vụ việc mới hay không, nhất là với ngành tài nguyên, môi trường. Tiếp đó là đấu tranh phòng chống tiêu cực, thất thoát lãng phí, phòng chống tham nhũng, giải pháp. Nội dung thứ ba là xây dựng ngành thanh tra vững mạnh, hiểu biết chuyên sâu, xứng đáng là người cần câm nảy mực.
Tiếp đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu trong những năm qua ngành thanh tra đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nhà nước giao đạt kết quả tích cực góp phần phát triển KTXH đất nước. Lần này, Thanh tra Chinh phủ có 2 báo cáo tập trung vào những vấn đề QH quan tâm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
Ngành thanh tra có 3 chức năng chính, trước tiên là công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng. Vừa qua, ngành đã tập trung xử lý hành vi thanh nhũng dù kết quả chưa nhiều. Trong 2 năm chỉ phát hiện có 300 người, 44 vụ. Tới đây, tiếp tục giáo dục cán bộ am hiểu pháp luật, khách quan, công tâm hơn. Việc xử lý cán bộ trong ngành thanh tra trên toàn quốc từ 2011- 2013 có 85 cán bộ/28.000 người trong toàn ngành. Có 11 người có dấu hiệu tham nhũng, 1 cán bộ bị xử lý hình sự và 1 cán bộ bị cách chức. Thanh tra Chính phủ đã cố gắng khắc phục yếu kém. Việc vi phạm do cán bộ công chức chấp hành kỷ luật chưa tốt, có nể nang, né trách xử lý cán bộ. Tới đây sẽ ban hành các quy định để quản lý chặt chẽ trong ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu…
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đặt câu hỏi với Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát, Tòa án tối cáo: Vừa qua, chúng ta đã xử nhiều đại án tham nhũng như vụ án Nguyễn Đức Kiên – vụ án lớn trong ngành ngân hàng. Vụ án này còn ý kiến khác nhau. Đề nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các mức án đã tuyên đã nghiêm minh, đủ tính răn đe trong phòng chống tội phạm và tham nhũng chưa?
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ trả lời ngắn gọn vụ xử lý Nguyễn Đức Kiên thuộc thẩm quyền của cơ quan truy tố xét xử.
Trả lời đại biểu ở Phú Thọ về việc xử lý sau thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng trước đây kết quả xử lý thấp. Từ năm 2011 đã khắc phục vấn đề này, tập trung thu hồi tài sản của Nhà nước. Năm 2012 đến nay đã đôn đốc kết luận xử lý sau thanh tra thu hồi về tiền, về đất. Các địa phương đã có phòng xử lý sau thanh tra. Tổng thanh tra thừa nhận có những kết luận thanh tra không khả thi, không đúng là trách nhiệm của Tổng thanh tra và của ngành. Trong luật quy định, thanh tra chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý, không có quyền cưỡng chế, thi hành nên hạn chế việc thực hiện kết luận thanh tra. Đề nghị Chính phủ ban hành nghị định xử lý thanh tra, phong tỏa tài sản của các đơn vị kinh tế vi phạm.
Đại biểu Lê Thị Yến hỏi về công tác phòng chống tham nhũng và việc phối hợp với các cơ quan khác, Tổng Thanh tra đã nêu rõ việc thanh tra chú trọng vào việc tuyên truyền phòng chống tham nhũng, phòng ngừa, trách nhiệm người đứng đầu và xử lý tham nhũng. Ngành thanh tra đã phối hợp với các ngành chức năng để làm tốt vấn đề này.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Truyền cho rằng có nhiều vụ sau thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng ngành thanh tra không đưa ra, giải pháp khắc phục như thế nào? Vì sao tham nhũng không bị đẩy lùi mà ngày càng phát triển?
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời: Việc thanh tra, chuyển cơ quan điều tra đúng là chưa nhiều. Việc truy tố, xét xử chưa đầy đủ. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục đào tạo cán bộ làm việc công tâm khách quan.
Đại biểu tỉnh Đắc Nông đặt vấn đề với việc xử lý 528 vụ việc dây dưa, kéo dài; có vụ việc lên tới trên 30 năm ở phía Nam và 40 năm ở phía Bắc. Vừa qua đã thành lập 28 tổ công tác để giải quyết. Từ cuối 2012 đến nay đã giải quyết 492 vụ, hiện chỉ còn 38 vụ rất phức tạp. Thanh tra Chính phủ đang thống nhất giải quyết tiếp 12 vụ… Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ rút kinh nghiệm xử lý từ những vụ việc tồn đọng trên. Chủ trương của Nhà nước rất đúng đắn, người dân đồng tình. Ngành thanh tra đã đưa ra mục tiêu thực hiện quyết liệt, tạo sự đồng thuận chính trị. Việc khôi phục quyền lợi cho nhân dân về tiền, đất ở, nhà tái định… mang lại lợi ích cho người dân. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, tập trung giải quyết khiếu nại tồn đọng gắn với giải quyết khiếu nại thường xuyên.
Nguyên nhân tồn đọng khiếu nại vừa qua một phần do chính sách, gần đây là chính sách GPMB liên tục thay đổi. Qua tranh chấp đất đai, đất tôn giáo, đất nông nghiệp… phải xem xét nhiều. Chính quyền có giải quyết sai một số vụ việc, phải khôi phục lại quyền lợi của người dân. Cũng có trường hợp khiếu nại không đúng. Trách nhiệm trên trước hết của ngành thành tra và các cấp chính quyền thi hành pháp luật.
Đại biểu Trương Văn Vở nêu câu hỏi về việc nợ văn bản, vì sao công tác xử lý tham nhũng chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu? Nguyên do việc chậm tham mưu cho Chính phủ việc khen thưởng, người tố giác tội phạm?
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ cách đây 2 tháng đã có Nghị định của Chính phủ quy định trách nhiệm người đứng đầu. Hiện cũng có Thông tư dự thảo khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Tới đây sẽ tiếp tục ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Sau phần trả lời chất vấn trên của Tổng Thanh tra, đại biểu Vũ Chí Thực hỏi tiếp: có hay không việc xử lý không thống nhất giữa thanh tra Chính phủ và các địa phương. Việc hướng dẫn Luật Đất đai và các luật khác như thế nào, để giảm khiếu nại tố cáo?
Trả lời câu hỏi trên, Tổng Thanh tra cho biết trong 3 năm gần đây các vụ khiếu nại, tố cáo giảm nhưng có nhiều vụ phức tạp, manh động. Nguyên nhân do chính sách có nhiều bất cập, việc giải quyết của các cấp chính quyền chưa thấu đáo, kịp thời. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp dân. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa đầy đủ, có tâm lý khiếu nại càng cao càng tốt, gây vượt cấp, bức xúc.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn, ngoài vụ án điểm với nhiều "đại gia cá mập", việc tham nhũng có ở nhiều "ngõ ngách", chấn chỉnh việc này thế nào? Còn thực trạng người đứng đầu né trách việc tiếp dân, ngành thanh tra đã kiểm điểm được bao nhiêu người?
Tổng Thanh tra cho rằng vấn đề tham nhũng “vặt” đã diễn ra trên một số lĩnh vực quản lý của Nhà nước. Trước mắt sẽ thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Phát huy vai trò người đứng đầu, phát hiện xử lý tham nhũng; Xử lý các hành vi, giáo dục nâng cao trách nhiệm công chức. Với việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương ở cả nước trong 3 năm đã xử lý hành chính trên 2.000 cán bộ; xử lý hình sự trên 30 trường hợp. Sắp tới sẽ kiểm tra, đôn đốc việc tiếp công dân, hạn chế việc đùn đẩy.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy hỏi số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai tới 80%; đơn thư khiếu nại sai chiếm tới 60%. Đề nghị Tổng Thanh tra chính phủ và Bộ TN&MT có giải pháp khắc phục?
Theo Tổng Thanh tra, qua 3 năm 2011 – 2013, có 70% khiếu nại đất đai, tố cao sai 30%, 32% có đúng có sai, chỉ có 20% khiếu là đúng. Khiếu nại vượt cấp nhiều. Sắp tới phải tuyên truyền pháp luật đến người dân về việc thực hiện khiếu nại tố cáo; Tổ chức tiếp dân, đối thoại; Tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hạn chế khiếu nại sai. Vừa qua, Bộ TN&MT cũng đã tập trung giải quyết khiếu nại về đất đai.
Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra nhấn mạnh quá trình thực hiện Luật Chống tham nhũng có 4 giải pháp phòng ngừa tích cực, 2 giải pháp trung bình, 3 giải pháp kém. Vừa qua, việc xây dựng thể chế chính sách được các cơ quan thực hiện chặt chẽ hơn. Chương trình dân hỏi, Bộ trưởng trả lời có hiệu quả tích cực. Kiểm soát thủ tục hành chính gắn với thi hành công. Trong thời gian tới, Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu tiếp sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm kê, kê khai tài sản; xiết chặt kỷ cương trong cơ quan Nhà nước; tăng công khai, minh bạch.
Với vấn đề của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, sau khi có thông tin của báo chí đã yêu cầu đồng chí báo cáo tài sản từ năm 2007 đến nay. Qua đó, thấy đồng chí kê khai đúng pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương quan tâm đến vấn đề nhiều vụ việc thanh tra đều do báo chí, nhân dân nêu lên còn cơ quan thanh tra vào cuộc, tự phát hiện ít. Mặt khác, đại biểu đề nghị các văn bản pháp lý sắp tới quy định rõ việc đền bù cho người tố cáo bị thiệt hại.
Trả lời câu hỏi này Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trong dự thảo thông tư khen thưởng, người phát hiện vụ việc có thể được khen thưởng lên tới 10 tỷ đồng (sẽ xin ý kiến thêm của các bộ, ngành). Ngành thanh tra có nhận thức được việc tự phát hiện của người dân, báo chí là nhiều; quá trình thanh tra chỉ phát hiện được một tỷ lệ nhất định, chưa tương xứng với thực trạng.
Bình luận về vấn đề trên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, cần hoan nghênh việc phát hiện các sai phạm từ người dân và báo chí; trong thời gian tới ngành thanh tra cần phát huy năng lực hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn tiếp tục hỏi lại về vụ án Nguyễn Đức Kiên đang được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội cần được các ngành chức năng trả lời đầy đủ hơn?
Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời: Vụ án Nguyễn Đức Kiên đã xét xử sơ thẩm, xét xử theo hình thức tranh tụng để xử lý đúng người, đúng tội. Việc xét xử, kết án với người phạm tội qua Hội đồng xét xử độc lập. Tòa án Hà Nội đã tuyên bị án Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù với 4 tội danh. Đây là trường hợp phạm nhiều tội và đã tuyên ở mức cao nhất. Hội đồng cũng xét xử cũng đã tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên phải nộp hơn 75 tỷ đồng tiền…; yêu cầu xem xét trách nhiệm cuả nhiều trường hợp khác. Tòa án nhân dân tối cao tôn trọng kết quả của Hội đồng xét xử, nếu bị cáo kháng án, Tòa án tối cao sẽ xem xét tiếp theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu ông Ngô Văn Khánh làm báo cáo giải trình việc kê khai tài sản. Bản giải trình đã được trình trước Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng như gửi tới các cơ quan chức năng. “Anh Ngô Văn Khánh là cán bộ thuộc Trung ương quản lý nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào cuộc nắm tình hình, từ đó có xem độ chính xác và sẽ kết luận sau”, Tổng Thanh tra nói thêm.
Trong phiên trả lời chất vấn đầu buổi chiều 12/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời câu hỏi của đại biểu ở Phú Yên về việc có giải quyết khiếu nại tố cáo dù mất lòng chính quyền sẽ vẫn làm để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bên cạnh đó với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Lâm về việc còn nhiều bất cập trong tiếp nhận đơn và giải quyết và giải pháp khắc phục. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: Trong thời gian qua Thanh tra Chính phủ ban hành 4 thông tư về thủ tục tiếp nhận, thống kê đơn thư. Hai trụ sở tiếp công dân của Trung ương có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho người dân; chuyển cho các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển đơn lòng vòng, chuyển về địa phương đơn của nhân dân sẽ hạn chế hơn. Giải quyết dứt điểm ở từng cấp sẽ hạn chế đơn chuyển lòng vòng.
Với câu hỏi của đại biểu TP Hồ Chí Minh về việc xử lý tham nhũng thấp, hiệu quả thấp, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận tỷ lệ thu hồi tài sản thấp chỉ khoảng 12- 15%. Việc này có nguyên nhân các quy định pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ trong thu hồi tài sản. Ý thức giao nộp tài sản chưa cao, chế tài chưa mạnh. Cần có giải pháp đồng bộ, có chế tài mạnh trên quy định của pháp luật, có nguyên tắc thu hồi tài sản. Cần phối hợp với các cơ quan chức năng, thu hồi tài sản trong tham nhũng và từ các tiêu cực khác. Tăng cường hiệu quả của lực lượng thi hành án.
Đại biểu Bùi Nguyên Súy hỏi căn cứ, thủ tục giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài? Lĩnh vực nào, địa phương nào còn nhiều nhất? Biện pháp giải quyết nâng cao trách nhiệm của chủ tịch quận, chủ tịch tỉnh… Tổng Thanh tra trả lời việc giải quyết 528 vụ việc kéo dài, qua nhiều cấp, nhiều ngành. Nhiều vụ việc hết thời hiệu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát giải quyết trên cơ sở thực tiễn. Tiêu chí tồn đọng kéo dài là những vụ việc Thủ tướng chỉ đạo, UBND tỉnh, TP giải quyết nhưng người dân không đồng tình. Bên cạnh đó là những vụ việc kéo dài, gây mất an ninh trật tự. Trên cơ sở rà soát trong vòng 6 tháng, tiến hành thống nhất các cấp, các ngành, từ TƯ đến địa phương để thống nhất giải quyết. Đối thoại với nhân dân, mời các đoàn thể, luật sư để làm rõ vấn đề. Khi giải quyết vụ việc rồi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về chất lượng giải quyết khiếu nại trong thời gian tới sẽ rà soát các vụ việc còn lại. Tăng cường công khai, đối thoại. Với những vụ việc có sai sẽ mạnh dạn sửa sai. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Phần chất vấn chiều nay tiếp tục với câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương- TP Hồ Chí Minh nêu 20% khiếu nại của người dân về đất đai là đúng vậy có phải 20% giải quyết của người có thẩm quyền sai, giải pháp xử lý?
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết qua quá trình giải quyết, năm 2013 đã xử lý hành chính 230 người đã làm sai. Trong thời gian tới cần quan tâm xây dựng chính sách, xem xét xử lý trách nhiệm nếu làm sai, nâng cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành.
Đại biểu Lê Đắc Lâm – Bình Thuận, đại biểu Võ Thị Dung – TP Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề: một số quan chức sau khi về hưu phát hiện có tài sản lớn, cần kiểm soát, kê khai tài sản thế nào? Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời quy định của pháp luật hiện không quy định cán bộ về hưu phải kê khai tài sản. Với vấn đề, sau khi về hưu phát hiện tài sản lớn, ngành thanh tra đang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu để đề xuất. Với trường hợp cụ thể đồng chí Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã về hưu ở Bến Tre. Ủy ban kiểm tra TƯ đang theo dõi, kiểm tra tài sản của đồng chí Truyền.
Đại biểu ở Hà Nội hỏi, vì sao vụ việc sau thanh tra chuyển cơ quan điều tra ít? Tổng Thanh tra thừa nhận kết quả chuyển cơ quan điều tra ít. Tới đây sẽ nâng cao chất lượng thanh tra kết hợp với giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chờ kết luận thanh tra, ngành thanh tra đã phối hợp chuyển cơ quan điều tra như vụ việc ở Ninh Bình truy tố và tạm giam một số đối tượng.
Kết thúc phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời chất vấn rộng, sâu, rất thẳng thắn về công tác cán bộ, tiền bạc, tài sản. Câu hỏi của đại biểu trọng tâm vào 3 nhóm vấn đề đã nêu ra. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc cấp bách, lâu dài, đã có giải pháp về thể chế, thực hiện chỉ đạo, có sự tham gia của toàn dân và phương tiện đại chúng. Các cơ quan tư pháp cũng đã vào cuộc, xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, kết quả so với tình hình tham nhũng, tiêu cực chưa đạt yêu cầu, đặt ra việc QH, nhân dân yêu cầu các lực lượng phòng chống tham nhũng phải tích cực hơn để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Việc xử lý khiếu nại của nhân dân tồn đọng đã được Thanh tra Chính phủ và các ngành, địa phương phối hợp giải quyết tích cực. Tuy nhiên vẫn còn 36 vụ/528 vụ tồn đọng lâu dài, cần giải quyết tiếp tục theo hướng đạt lý, thấu tình. Qua những biện pháp đề ra sẽ ngăn chặn được tối đa những vụ tồn đọng mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Chủ tịch QH cũng nhận định, công tác xây dựng ngành thanh tra đã có những bước chuyển biến tích cực, tập trung vào việc xây dựng, bảo vệ pháp luật, đấu tranh với các lĩnh vực tham nhũng. Ngành thanh tra đã có nhiều giải pháp tích cực. Tuy nhiên, trong chính ực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn những biểu hiện như tham nhũng, tiếp tay… Chủ tịch QH cho biết như Tổng bí thư đã nói: Muốn đấu tranh tham nhũng thành công phải chống tham nhũng từ chính lực lượng chống tham nhũng. Trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế, hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cần đưa ra các quy định phòng, chống tham nhũng, thực hiện các kết luận sau thanh tra. Đối với việc khiếu nại, tố cáo của công dân phải hoàn thiện Luật Tiếp công dân. Trong xây dựng ngành phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra. Việc xử lý sau thanh tra hiện chưa đủ thẩm quyền. Xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra.
Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phối hợp các lực lượng như kiểm toán, truy tố xét xử…; phối hợp với lực lượng của các cấp, phát huy tinh thần đấu tranh chống tham nhũng của nhân dân, báo chí, Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Tổng Thanh tra chính là người giúp Chính phủ trong công tác này. Các kết luận của thanh tra phải đảm bảo tính chính xác, có kiến nghị xử lý. Với những việc có dấu hiệu vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra, đây cũng là vấn đề các đại biểu QH quan tâm, lo lắng. Xử lý kết luận sau thanh tra, tiến hành phúc tra… cần làm đến cùng để thành công.
Trong việc xử lý tồn đọng, Chủ tịch QH nêu rõ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và xây dựng lực lượng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, có năng lực phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn này. Chủ tịch khẳng định đây cũng là mong muốn của đồng bào, cử tri cả nước và chính đồng chí Tổng Thanh tra trong công tác xây dựng ngành. Hàng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo QH và cả nước về vấn đề này và phải có sự chuyển biến rõ nét, tránh để xảy ra các vụ khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh, trật tự của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.