Khiếu nại tố cáo luôn là vấn đề nóng, bởi đó là xung đột lợi ích sát sườn của từng cá nhân.
Khiếu nại tố cáo luôn là vấn đề nóng, bởi đó là xung đột lợi ích sát sườn của từng cá nhân. Chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần nay tập hợp một số câu hỏi về khiếu nại và tố cáo mà người dân gửi tới chương trình chuyển đến Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
PV: Một số thống kê cho thấy, số đơn khiếu nại tố cáo về lượng đã giảm, nhưng các vụ việc tranh chấp nghiêm trọng có vẻ ngày càng tăng lên, thậm chí nhiều vụ đối đầu với các cơ quan pháp luật, xin Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân là do đâu?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá việc khiếu nại của người dân hết sức bức xúc, có những trường hợp rất gay gắt kéo dài, cho nên trong đánh giá nguyên nhân vừa qua chúng tôi đã tìm ra mấy nguyên nhân như sau: thứ nhất, do cơ chế chính sách. Mặc dù Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều lần, thay đổi điều chỉnh bổ sung, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Song song với việc khiếu nại về đất đai, chiếm tỉ trọng rất cao, thì nhiều trường hợp do lịch sử để lại cho nên cũng rất khó trong việc giải quyết khiếu nại dứt điểm đối với bà con.
Nguyên nhân thứ hai, trong thời gian vừa qua, các cấp các ngành, đặc biệt là chính quyền các địa phương đã hết sức tích cực trong giải quyết khiếu nại, nhưng vừa qua cũng vẫn còn một số nơi, một số trường hợp cũng chưa giải quyết triệt để, đến nơi đến chốn, biểu hiện một số trường hợp còn né tránh, đùn đẩy kéo dài, giải quyết chưa rõ ràng không khách quan làm cho người dân bức xúc.
Nguyên nhân thứ ba là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cũng như nhận thức của người dân trong việc khiếu nại còn mức độ. Song song đó có thể nói rằng trong khiếu nại đông người cũng có một phần, một tỉ lệ nhỏ là do kích động của kẻ xấu cho nên người dân ngộ nhận để liên kết, móc nối, đi khiếu nại để gây áp lực cho chính quyền.
PV: Như Tổng Thanh tra vừa cho biết việc tồn đọng đơn thư tố cáo, khiếu nại vốn nhức nhối nhiều năm nay. Một người dân gửi thư đến chương trình cho biết, tôi xin được trích nguyên văn: ”Là một người dân gửi 1 đơn thư đi, chúng tôi chờ đợi từng ngày từng giờ phản hồi từ cơ quan Nhà nước nhưng nhiều khi thất vọng, bặt vô âm tín”. Mời Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời câu hỏi này của người dân?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Chúng tôi cũng hiểu được những tâm tư, sự trông đợi của bà con là người khiếu nại, bởi vì có những vụ việc tồn đọng rất lâu, chúng tôi phân loại có những vụ việc kéo dài đến trên 30 năm. Cho nên trước tình hình đó, năm 2012 thanh tra chính phủ đã ban hành kế hoạch 1130 để giải quyết tồn đọng phức tạp kéo dài. Qua hơn 1 năm rà soát, phân loại, giải quyết những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, đến nay đã giải quyết được trên 90% vụ việc. Và sau khi giải quyết có thể nói rằng sự tập trung của các cấp, các ngành rất cao kể cả Trung ương và địa phương, đồng thời sự tin tưởng, hy vọng, đồng tình của người dân rất tốt. Từ thực tế đó, sau thực hiện kế hoạch 1130, thanh tra chính phủ xem xét thấy vẫn còn một số vụ việc vẫn còn tồn đọng. Cho nên đã ban hành một kế hoạch 2100 tiếp tục giải quyết những tồn đọng kéo dài trong nhiều năm vừa qua mà trong kế hoạch 1130 giải quyết chưa hết. Để thực hiện việc tiếp theo, chúng tôi đã giao cho chính quyền các cấp chủ động thực hiện việc này. Các cơ quan trung ương, trong đó có tranh tra chính phủ, Bộ Tài nguyên- Môi trường, các Bộ ngành có chức năng cùng tham gia với các địa phương, để tạo thành một sự thống nhất phối hợp tìm ra giải pháp chung, tiếng nói chung để giải quyết cho bà con, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tồn đọng kéo dài.
PV: Còn đây là câu hỏi của 1 vị khán giả khác: Thưa Tổng Thanh tra Chính phủ, chúng tôi được biết từ ngày 1/7 tới, Luật tiếp công dân sẽ có hiệu lực. Hơn 50 năm nay, tôi đã nhiều lần đến cửa của các cơ quan công quyền, gặp không ít nhiêu khê phiền toái. Xin hỏi, Tổng Thanh tra Chính phủ với luật mới này chúng tôi có được hỗ trợ tốt hơn không, những người dân như chúng tôi sẽ được lợi gì so với quy định cũ?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Thứ nhất, về mặt thủ tục hành chính, có thể giảm bớt nhiêu khê, phiền hà về mặt thời gian, cộng với luật lần này quy định cả hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải trực tiếp tiếp công dân, để vừa lắng nghe tâm tư nguyện vọng ý kiến của nhân dân, vừa giải quyết đến nơi đến chốn các yêu cầu bức xúc của nhân dân. Thứ hai là quy định về vai trò của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất, và đồng thời quy định trách nhiệm cán bộ tiếp công dân, quy định những điều cấm cán bộ tiếp công dân không được làm. Thứ ba là quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi người đi khiếu nại. Thứ tư là quy định về mô hình tổ chức bộ máy, vấn đề chính sách đào tạo cán bộ.
PV: Một người dân ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội có viết thư tới chương trình cho biết: Gia đình ông có một khu đất tranh chấp, Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm đã ra quyết định cưỡng chế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất với quyết định của Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm, nhưng đối tượng không thực hiện. Trường hợp này chưa phải là bức xúc nhất, có nhiều trường hợp gửi thư về chương trình nói là văn bản đã có hiệu lực nhiều năm, nhưng không ai thực hiện. Có rất nhiều đơn phản ánh tình trạng này, xin hỏi Tổng Thanh tra, ai là người chịu trách nhiệm giải quyết tới cùng cho họ?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trong trường hợp cụ thể mà người dân nêu, chúng tôi thấy rằng UBND huyện Từ Liêm hết sức tích cực và tạo được sự đồng thuận, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đồng tình. Như vậy chúng tôi nghĩ rằng sự thống nhất đó nếu được thực thi nghiêm túc thì quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ mang lại hiệu quả. Trong việc thực hiện quyết định này, trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ yêu cầu: thứ nhất là xây dựng một nghị định trình chính phủ, để quy định thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật, mang các chế tài cao hơn, thậm chí có những trường hợp không chấp hành thì phải cưỡng chế. Thứ hai, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đặc biệt là các cơ quan giải quyết khiếu nại phải quan tâm thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật để chúng ta đi đến dứt điểm vụ việc và làm ổn định tình hình. Thứ ba, chúng tôi cũng đề nghị là người khiếu nại và người bị khiếu nại cũng phải chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra. Cho nên vì vậy nếu được thực hiện đồng bộ và thống nhất như vậy tôi nghĩ rằng quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ có hiệu lực thực hiện và giúp bà con không còn phải trông đợi, mong mỏi nhất là những người khiếu nại sau khi có quyết định mà không được thực hiện.
PV: Vậy xin ông cho biết trên thực tế công dân thực hiện quyền khiếu nại như thế nào? Thực trạng và biện pháp xử lý đối với trường hợp khiếu nại sai?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trong năm 2012 - 2013, chúng tôi thống kê những vụ việc khiếu nại của bà con, nhân dân trong cả nước có nhiều trường hợp khiếu nại rất đúng nhưng tỉ lệ khiếu nại sai cũng không ít. Chúng tôi thống kê phân loại bước đầu thì năm 2013 là khoảng 60% khiếu nại sai, 50% tố cáo sai: thứ nhất là sai về mặt nội dung, tức là nội dung khiếu nại không đúng, người dân sau khi thực hiện việc đền bù, giải tỏa, người dân đã chấp nhận quyết định đền bù của cơ quan nhà nước và đã nhận tiền, nhưng sau một thời gian rất dài vì quyền lợi lại tiến hành tiếp tục khiếu nại.
Sai thứ hai về mặt nội dung là đòi lại đất cũ, có những lô đất bà con chỉ làm một vài năm, rồi do điều kiện, hoàn cảnh, chuyển gia chủ, sử dụng đất mới, đã sử dụng ổn định lâu dài, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hiện nay cũng tiến hành đi đòi lại đất cũ, thì không có cơ sở để giải quyết vì pháp luật đã quy định.
Trường hợp thứ ba là khiếu nại sai thẩm quyền, trường hợp khiếu nại này, bà con có tâm lý khiếu nại càng cao hy vọng càng nhiều, được giải quyết nhanh, nhưng theo quy định pháp luật thì không phải như vậy mà phải giải quyết theo thẩm quyền, tức là trước hết việc khiếu nại phải giải quyết tại địa phương, tiến tới là khi không được đồng thuận thì UBND cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết lần 2 là lần cuối cùng. Nếu trong trường hợp mà chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết lần 1 thì Bộ trưởng chuyên ngành giải quyết lần 2 theo thẩm quyền.
Vì vậy chúng tôi cũng thấy rằng việc khiếu nại sai về mặt nội dung, về mặt thẩm quyền, trình tự bà con vẫn chưa nhận thức đúng. Chúng tôi cũng yêu cầu bà con khi chuẩn bị khiếu nại phải tìm hiểu pháp luật, để khiếu nại đúng, không mất thời gian, tốn công sức và tiền của. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu được việc khiếu nại như thế nào, quyền nghĩa vụ, thẩm quyền, nội dung, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại sai.
PV: Xin trân trọng cám ơn Tổng thanh tra!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.