Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 32.485 ca nhiễm mới, khiến tổng số ca nhiễm toàn cầu vượt con số 300.000 (303.001 trường hợp). Số ca tử vong tính tới 4h ngày 22-3 là 12.944 người.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 21h GMT ngày 21-3 (4h Việt Nam ngày 22-3), hơn 12.000 người đã tử vong trên toàn cầu kể từ khi bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra bùng phát vào tháng 12-2019.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 32.485 ca nhiễm mới, khiến tổng số ca nhiễm toàn cầu vượt con số 300.000 (303.001 trường hợp). Số ca tử vong tính tới 4h ngày 22-3 (giờ Việt Nam) là 12.944 người.
Trong số này, Italia đã ghi nhận 4.825 ca tử vong trong tổng số 53.758 trường hợp mắc Covid-19 và 6.072 người đã phục hồi.
Trong khi đó, Trung Quốc đã ghi nhận 81.008 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, với 3.225 trường hợp tử vong và 71.740 người đã phục hồi.
Những quốc gia có số ca tử vong cao sau Italia và Trung Quốc là Iran với 1.556 ca tử vong, Tây Ban Nha với 1.326 ca tử vong và Pháp với 562 ca tử vong.
Đặc biệt, Trung Quốc đã không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào trong nước trong ngày thứ ba liên tiếp. Những trường hợp mới được ghi nhận trong ngày 21-3 đều là từ nước ngoài về.
Theo hãng tin AFP, việc bị hạn chế đi lại tại 35 quốc gia trên toàn thế giới ảnh hưởng tới khoảng 900 triệu người, trong đó có 600 triệu người do các chính phủ áp lệnh phong tỏa.
Theo dự kiến, Colombia sẽ áp đặt lệnh hạn chế đi lại bắt buộc vào tối 24-3, trong khi một sắc lệnh tương tự cũng được áp dụng trên khắp Tunisia vào ngày 22-3.
Tại Mỹ, 7 bang đã yêu cầu người dân ở trong nhà gồm: California, New York, Illinois, Pennsylvania, New Jersey, Connecticut và Nevada.
Như vậy, tại Mỹ trung bình cứ 5 người thì có 1 người bị ảnh hưởng do lệnh này.
Để kiểm soát sự lây lan, Gruzia và Kyrgyzstan cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Thụy Sĩ, quốc gia cho đến nay vẫn chưa ban bố lệnh cấm đi lại hoàn toàn, đã thông báo sẽ cấm mọi cuộc tụ tập với sự tham gia của hơn 5 người, đồng thời, phạt bất cứ ai đứng gần nhau hơn 2m.
Haiti, Cộng hòa Dominicana, Jordan và Burkina Faso đã ban bố lệnh giới nghiêm. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã siết chặt các biện pháp hạn chế tại các điểm tôn giáo, sân bay và quán bar.
Tại Iran, lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định nước này sẽ vượt qua dịch bệnh, song từ chối áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm khắc.
Tại Australia, những người đến tắm nắng, lướt ván và du khách đều bị cấm tới bãi biển Bondi nổi tiếng, trong khi một số điểm bơi lội khác trong thành phố cũng bị đóng cửa.
Ở Brazil, các bãi biển tại Rio de Janeiro cũng cấm du khách từ ngày 21-3.
Trong bối cảnh tình tình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cuba, vốn phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch, sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong 30 ngày từ ngày 24-3. Côte d'Ivoire và Burkina Faso đóng cửa biên giới từ cuối tuần này.
Về phần mình, Brazil sẽ đóng cửa biên giới từ ngày 23-3 đối với toàn bộ các du khách từ châu Âu, Australia và một số nước châu Á.
Về phần các doanh nghiệp, theo thống kê của Strategy Analytics, số điện thoại thông minh được xuất xưởng trên toàn cầu đã giảm tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 61,8 triệu chiếc.
Air Canada và Air Transat thông báo sẽ tạm thời cho 7.000 nhân viên nghỉ việc.
Boeing tuyên bố sẽ hoãn chia cổ tức cho đến khi có thông báo mới, trong khi Chủ tịch và Giám đốc điều hành sẽ không nhận lương cho đến cuối năm.
Guatemala thông báo sẽ tạm ngừng một phần sản xuất công nghiệp từ ngày 23-3, song khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng đến các lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.