(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thu gom người nghiện lang thang tại 322 phường, xã, thị trấn của 24 quận, huyện. Chính quyền thành phố hy vọng, với việc mở đợt cao điểm thu gom người nghiện, tình hình ANTT trên địa bàn sẽ được cải thiện, giúp người dân an tâm đón Tết Ất Mùi 2015.
Hàng trăm người nghiện đã được điều trị
Sau 6 ngày ra quân (từ ngày 5-12), TP Hồ Chí Minh đã phát hiện khoảng 1.200 người dương tính với ma túy để lập hồ sơ đưa vào Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (Trung tâm Bình Triệu) và Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (Trung tâm Nhị Xuân).
Kiểm tra đối tượng nghi nghiện ma túy. |
Theo ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Trung tâm Bình Triệu: Trung tâm đã tiếp nhận 205 người (trong đó có 32 nữ). Do đã có sự chuẩn bị chu đáo, quá trình tiếp nhận diễn ra nhanh chóng, trung bình mỗi hồ sơ giải quyết trong vài phút. "Trong số này, khoảng 30% số người nghiện do mới được dùng thuốc cắt cơn lần đầu nên việc điều trị hết sức khó khăn. Thậm chí một số đối tượng nghiện nặng quậy phá đã được các y, bác sĩ cho uống kèm các loại thuốc an thần giúp dễ ngủ và ổn định tâm lý" ông Hoàng nói.
Tương tự, ông Bùi Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nhị Xuân cho biết, hiện đã tiếp nhận gần 600 người nghiện. Hầu hết số người nghiện này đều không chống đối, nhưng có một số đối tượng do mới lần đầu cắt cơn nên việc điều trị hết sức vất vả, cá biệt có người lên cơn ngay tại phòng lập hồ sơ. Hiện trung tâm chủ yếu tiếp nhận người nghiện từ các quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh… do cơ quan chức năng chuyển về.
Bảo đảm điều kiện tốt cho người cai nghiện
Ghi nhận của chúng tôi khi được đưa vào cai nghiện tại Trung tâm Bình Triệu, người nghiện được điều trị chăm sóc tốt và bảo đảm ANTT. Trung tâm có 30 phòng với 300 giường, sức chứa hơn 600 người, rộng rãi, sạch sẽ, dùng để trị liệu và cắt cơn. Các phòng này đều gắn cửa thép kiên cố, nhân viên luôn túc trực để theo dõi và hỗ trợ người nghiện. Trung tâm còn cắt cử bảo vệ canh gác 24/24h đề phòng người nghiện lên cơn trốn ra ngoài. Sau khi được đưa vào đây, người nghiện sẽ được tắm rửa, ăn uống; tiếp đến họ sẽ được nhân viên trung tâm làm thủ tục lấy họ tên, địa chỉ, số điện thoại người thân để tiếp tục sàng lọc, kiểm tra nhân thân trước khi gửi hồ sơ sang các cơ quan khác. Tiếp đến, người nghiện sẽ được bác sĩ cấp thuốc uống cắt cơn và lưu lại từ 15 đến 20 ngày theo quy định.
Tại Trung tâm Nhị Xuân cũng có hơn 170 cán bộ, nhân viên, trong đó có hơn 20 y, bác sĩ sẽ thay nhau làm việc 24/24h. Theo yêu cầu tiếp nhận khoảng 1.500 người nghiện, thời gian tới trung tâm sẽ tăng cường thêm đội ngũ y tế từ các đơn vị cai nghiện khác để bảo đảm tính hiệu quả trong quá trình điều trị cho người nghiện.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, hai cơ sở trên đủ sức tiếp nhận hơn 2.000 người nghiện và lưu giữ từ 15 đến 20 ngày. Trong trường hợp quá tải, UBND thành phố đã có kế hoạch sử dụng các trung tâm bảo trợ xã hội dự phòng khác. Tùy vào hiện trạng sức khỏe và mức độ nghiện sẽ chuyển đến các khu vực khác nhau.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận, chi phí cắt cơn, giải độc, ổn định sức khỏe… trong thời gian lưu trú tại các trung tâm trên khoảng 4 triệu đồng/người, do ngân sách thành phố hỗ trợ. Với sự đầu tư cơ sở vật chất cùng những chính sách như trên, chính quyền thành phố hy vọng, tình hình ANTT trên địa bàn sẽ được lập lại, giúp người dân an tâm đón Tết Ất Mùi 2015.
Quy trình phối hợp lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào cơ sở xã hội gồm 5 bước. Bước 1: Lập hồ sơ và quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội (thời gian thực hiện 24 giờ). Bước 2: Xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ; cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý (5 ngày làm việc). Nếu kết quả xác minh người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở xã hội. Bước 3: Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ; đề nghị TAND xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính (4 ngày). Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì chuyển TAND đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì bổ sung trong thời hạn 3 ngày làm việc. Bước 4: TAND thực hiện trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp tòa án quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thực hiện theo quyết định của tòa án. Bước 5: Thi hành quyết định của tòa án. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.