(HNMO) - Sáng 15/3, Ban chỉ đạo Trung ương về Tổng kết thi hành Luật đất đai và sửa đổi Luật đất đai năm 2003 phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2003.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá sâu, rộng những ưu điểm, tồn tại trong quá trình thi hành, đề xuất những nội dung cần sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của nước ta đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đồng chủ trì Hội nghị.
Còn nhiều nội dung cần điều chỉnh
Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai năm 2003 ra đời trong công tác quản lý đất đai đã đi vào nề nếp, sử dụng đất (SDĐ) có hiệu quả hơn. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ càng được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch, làm rõ nội dung về chỉ tiêu quy hoạch SDĐ của từng cấp, tạo tính linh hoạt và chủ động của địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thống nhất việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đã khắc phục được những bất cập, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn; công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo chủ trương kinh tế hóa, phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; việc định giá đất theo giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; quỹ nhà ở, quỹ đất cho nhà ở những năm qua không ngừng tăng về số lượng cũng như chất lượng…
Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2003 cần điều chỉnh, như vai trò của Nhà nước đối với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý điều tiết các nguồn lợi từ đất đai cho phát triển; vấn đề phân bổ nguồn tài nguyên đất đai, chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn SDĐ nông nghiệp trồng cây hàng năm đã giao theo Nghị định 64/CP năm 1993; chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế…
Hà Nội có nhiều kiến nghị…
Đối với TP Hà Nội, thực hiện Luật Đất đai năm 2003 và các Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn TP. TP cũng đã thành lập 2 Trung tâm phát triển quỹ đất.;Đối với cấp quận, huyện, thị xã đã thành lập 29 phòng TN&MT thuộc UBND 29 quận, huyện, thị xã; Đối với cấp xã, có 577 cán bộ địa chính của 577 phường, xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; công tác khảo sát đo đạc lập bàn đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện công tác quản lý hồ sơ địa giới hành chính và cơ bản đã hoàn thành. Trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP đã tập trung rà soát thực hiện và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng, TP xác định là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của TP. UBND TP cũng đã lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP để thực hiện chức năng tham mưu, cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Từ năm 2004 cho đến nay, TP đã hoàn thành giải phóng mặt bằng xong 1362 dự án, với diện tích 6866 ha; đã chi 26.078 tỷ đồng cho 18 vạn hộ gia đình, cá nhân; bố trí tái định cư cho 13.429 hộ dân; UBND các quận, huyện, thị xã đã lập phương án hỗ trợ đất dịch vụ cho khoảng 65 nghìn hộ dân với diện tích khoảng 550ha.
Trong công tác đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác. Tính đến nay, tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trên địa bàn TP là 1.666.431 giấy, trong đó: 646.863 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đạt 90%; 1.014.760 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đạt 90%... Ở công tác lập, quản lý hồ sơ địa chính, TP đang triển khai lập hồ sơ địa chính 4 huyện Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây và thực hiện dự án hiện đại hóa hồ sơ địa chính bằng vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ và vốn đối ứng của TP trên địa bàn 10 quận, huyện…
Ngoài ra, để giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, UBND TP tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiên nghiêm túc, đúng pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai. Từ năm 2004 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã nhận 1130 đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, trong đó khoảng 20% liên quan đến khiếu nại, bồi thường, giải phóng mặt bằng, kết quả giải quyết hàng năm đạt từ 92-90%.
Nhìn chung, công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP đã thực hiện đồng bộ các nội dung quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực tế trên địa bàn, đảm bảo kỷ cương, nề nếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, làm tăng tổng sản phẩm nội địa, tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức và xây dựng cơ sở vật chất hệ thống quản lý đất đai chủ yếu vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ của ngành. Công tác quản lý hồ sơ địa giới hành chính đã cơ bản hoàn thành.; Tuy nhiên một số vụ tranh chấp địa giới hành chính chưa được giải quyết dứt điểm. Một số khu đô thị, khu công nghiệp hình thành làm cắt giới địa giới hành chính nhưng chưa được điều chỉnh. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về mặt nội dung, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt, khái niệm các loại đất trong các loại quy hoạch chưa thống nhất nên TP gặp khó khăn trong quá trình thực hiện…
Hà Nội kiến nghị bổ sung khoản 1 Điều 54 nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai như thu tiền chênh lệch địa tô sau khi Nhà nước mở đường, xây dựng các khu đô thị để điều tiết giá trị gia tăng cho những người sử dụng đất bị thu hồi và bổ sung lại nguồn tiền từ ngân sách đã bỏ ra để đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra còn các kiến nghị liên quan tới vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến quyền sử dụng đất, vấn đề thu tiền sử dụng đất, vấn đề xây dựng giá đất và công bố bảng giá đất hàng năm, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi
Sau khi nghe báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội do Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa trình bày, ý kiến tham luận của đại diện các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đại diện các cơ quan, tổ chức Trung ương và nhiều chuyên gia; phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao việc tổng kết thi hành Luật của Hà Nội, thể hiện qua việc xây dựng dự thảo báo cáo. “Ngoài những đánh giá việc thực thi Luật, báo cáo còn nêu những vướng mắc và có những đề xuất cụ thể để nghiên cứu đưa vào Luật sắp sửa đổi. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc đề xuất với Trung ương tháo gỡ các vấn đề vướng mắc để các Thông tư, Nghị định sửa đổi đi vào cuộc sống”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai sẽ lọc ra những vấn đề chuyên sâu như thời hạn sử dụng ruộng đất, tích tụ ruộng đất để tổ chức hội thảo chuyên đề, ghi nhận ý kiến của người sử dụng, nhà quản lý và đầu tư liên quan đến đất đai…; Đánh giá về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền các cấp; Đề xuất, kiến nghị với Quốc hội những nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.