(HNMO) - Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4), sáng 21-4, tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), diễn ra triển lãm “Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo” của Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Năm nay, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới có chủ đề: “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm tôn vinh vai trò của phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội, đề cao sức sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu và khai thác, sự dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ.
Triển lãm có sự tham dự của 38 đơn vị, với gần 200 tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo chủ yếu trong lĩnh vực là thế mạnh của các nữ trí thức, như: Y - dược, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin…
Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu các tài sản trí tuệ, sản phẩm khoa học và công nghệ, tại triển lãm, diễn ra tọa đàm: “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ cần lưu ý trong hợp tác trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp” và tập huấn: “Sở hữu trí tuệ và kỹ năng sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản xuất - kinh doanh”.
Theo số liệu thống kê của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu hiện chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Cộng đồng nữ trí thức Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các nhà khoa học, doanh nhân nữ trong mọi lĩnh vực trên toàn quốc. Các nữ trí thức đã cống hiến nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trên nhiều lĩnh vực.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, hầu hết sản phẩm khoa học và công nghệ được trưng bày tại triển lãm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế nhãn hiệu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng và đổi mới sáng tạo nói chung.
Theo Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Andrew Mecheal Ong, các thống kê của Việt Nam cho thấy, 37% sinh viên nữ tốt nghiệp các trường khoa học về công nghệ; khoảng 25% doanh nghiệp Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nhân nữ. Phụ nữ Việt Nam đóng góp rất nhiều vào phát triển kinh tế đất nước. WIPO luôn giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ và phụ nữ Việt Nam phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.