(HNMO) - Sáng 22-4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức sự kiện cộng đồng chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 (IP Day) với chủ đề “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã đóng góp nhiều ý tưởng độc đáo và tinh tế, giúp cho các sản phẩm và dịch vụ trở nên tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là một thông điệp quan trọng để chúng ta hiểu hơn về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ; đề cao những đóng góp của họ đối với sự tiến bộ của xã hội. Đồng thời, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để phụ nữ có thể phát triển tài năng và đóng góp ngày càng nhiều vào sự đổi mới sáng tạo của xã hội.
Những năm qua, phụ nữ Thủ đô đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong số đó, nhiều người đã vinh dự được nhận các giải thưởng quốc gia, quốc tế; nhiều phụ nữ đã tích cực tham gia chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ trên địa bàn Thủ đô. Từ năm 2021 đến nay, phụ nữ Thủ đô đã chủ trì 43/73 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố.
Để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ với sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần tiếp tục tạo điều kiện, xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ phụ nữ phát triển tài năng và thúc đẩy sự đổi mới; tăng cường đào tạo và giáo dục cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới. Bên cạnh đó, cũng cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và các nguồn lực khác cần thiết để các doanh nhân nữ phát triển và mở rộng hoạt động của mình.
“Chúng ta cần tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho phụ nữ phát triển tài năng và góp phần vào sự đổi mới và sáng tạo của xã hội thông qua việc xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ cho phụ nữ, giúp họ vượt qua các rào cản về giới tính và giúp họ tiếp cận với các nguồn lực và cơ hội phát triển tài năng của mình. Chúng ta cần xây dựng một xã hội công bằng với phụ nữ, giúp họ tự tin và khát khao tham gia vào các hoạt động đổi mới và sáng tạo”, Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, tại Việt Nam, số lượng cán bộ nghiên cứu là nữ trong các tổ chức nghiên cứu của cả nước ngày càng tăng và đã đạt khoảng 44,8% vào năm 2016. Số lượng phụ nữ được phong học hàm giáo sư tăng từ 4,3% năm 2000 lên 15,3% năm 2020. Những con số này cho thấy phần nào sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động đổi mới và sáng tạo ở Việt Nam đã và đang được quan tâm.
Ông Đinh Hữu Phí bày tỏ hy vọng, trong giai đoạn sắp tới, khi Việt Nam đạt được bước tiến hơn nữa về bình đẳng giới trong an sinh xã hội thì lĩnh vực khoa học, công nghệ nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn để tạo cơ hội phát triển bản thân phụ nữ và đem lại lợi ích cho chính phụ nữ.
Hưởng ứng sự kiện, hơn 300 sinh viên đã tham gia xếp hình biểu tượng IP DAY 2023.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra hội thảo “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, doanh nhân nữ và đặc biệt là các sinh viên nữ, cũng như kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo của phụ nữ, đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của mình, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.