(HNM) - Ngày 10-1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã gặp mặt các nhà văn hóa, khoa học có đóng góp cho hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí Phạm Quang Nghị, UVBCT, Bí thư Thành ủy; Phùng Hữu Phú, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND TP; cùng 154 nhà văn hóa, khoa học khắp mọi miền đất nước.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tặng Bằng danh dự cho các nhà văn hóa, khoa học. Ảnh: Linh Tâm |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Thành công của các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong nhiều năm qua đều có sự đóng góp tích cực, nhiệt tình, tâm huyết, trí tuệ, hiệu quả của các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, các văn nghệ sĩ. Tiêu biểu cho những đóng góp đó là: Hoàn thành Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến", Bách khoa thư Hà Nội, Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, chương trình khoa học KX09; khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Thư viện Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Rạp Đại Nam, Rạp Kim Đồng, Rạp Công Nhân, Tượng đài Thánh Gióng, tu bổ Thăng Long Tứ trấn, các chương trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu trong 10 ngày Đại lễ... 3 di sản văn hóa của Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010 là Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc cũng có sự tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức của đông đảo các nhà khoa học chuyên ngành.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã phát biểu, bày tỏ sự cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các nhà văn hóa, khoa học có đóng góp tích cực cho hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội nói riêng, cho sự phát triển của Thủ đô nói chung. Bí thư nhấn mạnh: Thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ đầu tư mọi nguồn lực để thu hút nhân tài. Cụ thể là thành phố sẽ quyết tâm xây dựng cho được Nhà hát Thăng Long quy mô, hiện đại để các nghệ sĩ biểu diễn; sẽ ưu tiên cho các hội, trung tâm, tổ chức làm công tác nghiên cứu khoa học đặt trụ sở làm việc tại Cung Trí thức. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, nhất là thông tin về sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, bao gồm cả những việc đã làm được và chưa làm được với các nhà khoa học để xin ý kiến; sẽ xây dựng cơ chế, chính sách về việc sử dụng và phát huy nguồn chất xám của các cơ quan TƯ, các trường học đóng trên địa bàn và kèm theo đó là chế độ đãi ngộ, tôn vinh công sức của các nhà khoa học, các nhà văn hóa một cách thỏa đáng.
Tại buổi gặp mặt, 154 nhà văn hóa, khoa học có nhiều đóng góp cho hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố tặng Bằng danh dự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.