Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn trọng giá trị cốt lõi của di sản

Minh Ngọc| 14/06/2013 05:24

(HNM) - Ngày 13-6, Sở VH, TT&DL, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các nhà quản lý, khoa học về đồ án

Phân nhóm bảo tồn

Theo bản thuyết minh đồ án "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm" do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) thực hiện, Làng cổ Đường Lâm có 7 giá trị điển hình cần được bảo tồn, đó là cấu trúc làng cổ, nhà ở truyền thống, các công trình công cộng, tôn giáo, tín ngưỡng; không gian cảnh quan truyền thống; phương thức xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống; hệ sinh thái, sinh thái nhân văn và các giá trị di sản phi vật thể.

Trên cơ sở đó, Viện Bảo tồn di tích đề xuất quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích làng cổ ở Đường Lâm theo hướng bảo tồn để phát triển. Cụ thể, bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm không chỉ là bảo tồn di tích, mà còn là bảo tồn các giá trị đặc trưng của một mô hình cư trú điểm dân cư nông thôn truyền thống vẫn đang tồn tại và phát triển như một cơ thể sống. Vì thế, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của di tích phải có sự tham gia của cộng đồng. Kế hoạch đầu tư và các chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ phải bảo đảm mục tiêu duy trì và nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân địa phương. Phát triển du lịch là cần thiết và quan trọng để quảng bá hình ảnh, phát triển kinh tế, tạo động lực cho việc bảo tồn làng cổ, song cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Cũng theo Viện Bảo tồn di tích, việc bảo tồn cấu trúc chung của làng cổ sẽ hướng vào giữ gìn nguyên trạng các liên kết giao thông giữa các thôn, không phát triển mở rộng quy mô đất ở, bảo tồn hình thái địa hình đồng ruộng, cảnh quan ngoài làng, công trình lăng mộ; phục hồi một số cổng và lũy tre - yếu tố cơ bản của cấu trúc làng cổ, nay đã mất. Một số công trình, di tích có ý nghĩa quan trọng, hiện không còn di tích gốc (đình Đoài Giáp, đình Đông Sàng, quán Lồ Bươu, hệ thống giếng cổ Mông Phụ…) cần được phục dựng và ưu tiên ở mức độ cao nhất. Tiếp đến là những công trình, di tích đã tu bổ, tôn tạo một phần (nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền Phùng Hưng, đình và lăng Ngô Quyền, một số điếm làng Mông Phụ)…

Việc bảo tồn Làng cổ Đường Lâm cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Ảnh: Bá Hoạt


Nhà cổ ở thôn Mông Phụ (khu vực bảo vệ 1) được chia thành 4 nhóm bảo tồn. Nhóm 1 là những ngôi nhà cổ có giá trị hoàn chỉnh, dự kiến sẽ được bảo tồn, tôn tạo nguyên gốc nhà chính, nhà phụ, sân vườn, cổng nhà, phục hồi các tiện nghi gia đình và dụng cụ sinh hoạt truyền thống. Nhóm nhà cổ này sẽ là điểm đến chính của khách du lịch. Nhóm 2 gồm các loại nhà cổ nhưng không còn nguyên vẹn toàn bộ khuôn viên. Với nhóm này sẽ bảo tồn nhà chính theo nguyên gốc, hạng mục phụ trợ, sân vườn cơ bản giữ nguyên hiện trạng. Nhóm 3 là những nhà xây mới 2-3 tầng, mái bê tông, hiện tại có ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực bảo tồn, tùy theo từng vị trí sẽ có giải pháp phá dỡ tầng 2 hoặc cải tạo mái. Các công trình còn lại thuộc nhóm 4 phải giữ nguyên hiện trạng, khi xây dựng, cải tạo phải xin phép để được hướng dẫn xây dựng. Khu vực nhà cổ ở các thôn khác cũng được chia thành 4 nhóm với tiêu chí phân loại tương tự như khu vực bảo vệ 1. Nhà nhóm 1 và 2 được bảo tồn tương tự như làng Mông Phụ. Nhà nhóm 3 và 4 giữ nguyên hiện trạng, khi xây dựng, cải tạo phải xin phép, khuyến khích xây dựng nhà mái ngói, mái dốc…

Bảo tồn nguyên trạng khu vực 1

PGS Phạm Hùng Cường, người chủ trì đồ án cho biết: Hầu hết người dân Đường Lâm có ý thức giữ gìn không gian làng cổ, chỉ có chủ của những ngôi nhà loại 3 và 4 có xu hướng muốn xây lên cao. Đặt trong bối cảnh hiện nay, PGS Phạm Hùng Cường cho rằng toàn bộ khu vực 1 (thôn Mông Phụ) phải được bảo vệ nguyên gốc, đồng thời nên mở rộng vùng 1 đến lăng miếu cổ ở vùng 2 hiện nay bởi vùng này tuy là vùng đệm nhưng lại có rất nhiều di tích quan trọng. Ở vùng 2, có thể cho phép người dân xây tối đa 2 tầng, nhưng phải theo mẫu, trên cơ sở nền cũ không chia nhỏ đất, không thêm hạng mục mới. Khi xây dựng nên cách chỉ giới các công trình, di tích đã xếp hạng ở trong ngõ tối thiểu là 3m, ở đường chính là 8-15m.

PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói: "Sự đầu tư công đối với khu vực 1 có vai trò quyết định, thứ nữa là sự tham gia của cộng đồng. Trong khu vực đặc biệt này cần xây dựng nhiều mẫu thiết kế nhà cổ, sau đó lựa chọn mẫu phù hợp nhất. Trên những con đường từ khu vực 2 dẫn vào vùng lõi, việc xây nhà mặt đường cần thực hiện như khu vực 1; phía trong mà người đi đường không nhìn thấy có thể xây cao hơn, giúp khách tham quan đến Đường Lâm cảm nhận được vóc dáng làng cổ ở mọi góc độ. GS Tomoda Hiromichi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế (Trường Đại học Nữ Showa) khẳng định: "Thay đổi giới hạn xây dựng trong khu vực 1 từ 1 tầng thành 2 tầng sẽ dẫn đến thay đổi cả quần thể kiến trúc. Chỉ cần nới lỏng luật pháp một lần là sẽ rơi vào tình trạng không thể cứu vãn".

Như vậy, việc xây dựng nhà trong khu vực 1 đã có sự đồng thuận giữa đồ án quy hoạch và các nhà khoa học. Điều này đồng nghĩa với việc mọi phương án bảo tồn đều cần tuân theo cấu trúc chung của làng cổ, tôn trọng các giá trị cốt lõi của di sản.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

Xung đột giữa bảo tồn và phát triển không phải do bản chất của di sản mà do nhận thức và cách thức quản lý tạo nên. Di sản nói chung, Đường Lâm nói riêng là tài nguyên để phát triển kinh tế, xã hội, muốn bảo tồn tốt phải có quyết tâm chính trị rất lớn từ thành phố tới cơ sở và bản thân mỗi người dân. Trong quá trình bảo tồn có thể xảy ra nhiều vụ việc, đòi hỏi các cấp, ngành cùng giải quyết chứ không chỉ có riêng ngành văn hóa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn trọng giá trị cốt lõi của di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.