Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tồn tại nhiều bất cập về an toàn vệ sinh lao động

Kim Vũ| 20/12/2012 07:19

(HNM) - Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2001-2012, bình quân hằng năm xảy ra 6.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có khoảng 500 vụ khiến gần 600 người chết.


Đây là con số báo động bởi tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Và đáng nói là sau 18 năm thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) kết quả không khả quan do chế tài, cơ chế và nhiều vấn đề đáng bàn khác còn bất cập.


Người lao động cần được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động để tránh những tai nạn đáng tiếc trong quá trình sản xuất. Ảnh: Thu Giang

Hàng loạt con số báo động!

Hàng loạt con số đã chứng minh cho điều này. Kết quả khảo sát của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) tại 3 bệnh viện lớn là: Việt - Đức (Hà Nội), Chợ Rẫy (TP HCM) và Bệnh viện trung ương Huế cho thấy: Hơn 6.000 người lao động (NLĐ) bị TNLĐ phải đến cấp cứu, điều trị. Con số này cao hơn 400 người so với số liệu báo cáo của cả nước.

Một báo cáo khác của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy xu hướng TNLĐ hiện tăng nhanh: Năm 1995 có 840 vụ; năm 2000 con số này là 3.405; năm 2007 là 6.337 và đến nay là hơn 6.000 vụ. Số người tử vong do TNLĐ cũng tăng từ 264 người trong năm 1995 lên 406 người năm 2000 và 621 người năm 2007. Giai đoạn 2004 - 2007, số vụ TNLĐ tăng trung bình khoảng 7,5%/năm. Riêng năm 2011 đã xảy ra 5.896 vụ làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết. Lĩnh vực xây dựng chiếm 30% số vụ tai nạn chết người, khai thác khoáng sản chiếm 20%. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp cũng đang ở mức đáng báo động. Những vụ đáng nói là tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2008 làm 53 người chết; vụ nổ bồn chứa gas ngày 5-12-2012, tại Khu Công nghiệp Bắc Ninh làm 47 người bị thương; nổ khí mêtan tại mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) làm 19 người chết, 12 người bị thương…

Bất cập nhưng thiếu chế tài, cơ chế

Hầu như các DN thực hiện pháp luật về ATVSLĐ theo kiểu đối phó. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết có tới 68,54% DN vừa và nhỏ không có mạng lưới ATVSLĐ. Nhiều DN có xây dựng mạng lưới ATVSLĐ, nhưng hoạt động đối phó hoặc xây dựng để đấy. Mỗi năm chỉ có 13,8% DN khối tư nhân tham gia tập huấn về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, những bất cập về: máy móc sản xuất lạc hậu; nhiều thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ không được khai báo (21,59%); trình độ tay nghề của lao động thấp, có tới 70-80% là LĐ thủ công, trong đó trên 80% phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, vất vả... Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, có tới 52,1% LĐ cả nước hoạt động trong ngành nông - lâm nghiệp nhưng chỉ có khoảng 9,3% LĐ được đào tạo nghề. Có tới 28,4% nông dân không hiểu biết về sử dụng điện sinh hoạt; 89,89% không nắm được cách sử dụng máy nông nghiệp và 29,4% không biết cách phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn... Và cứ 100.000 LĐ nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc và 1.700 người bị ảnh hưởng sức khỏe do thuốc bảo vệ thực vật.

Những yếu kém nêu trên, cộng với công tác thống kê TNLĐ chưa khách quan nên số liệu báo cáo thường khác xa với thực tế. Thông thường các DN tìm cách giấu TNLĐ, tự bồi thường cho NLĐ hoặc gia đình khi bị nạn. Chính vì vậy, số liệu thống kê thường chỉ từ các DN lớn, các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Theo thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế, số người nhập viện do TNLĐ cao gấp 3 lần so với số liệu báo cáo. Về phía cơ quan thực hiện pháp lệnh lao động, những yếu thế thể hiện khá rõ khi lực lượng thanh tra mỏng, chế tài xử phạt nhẹ. Đáng nói có rất ít vụ TNLĐ nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ 1-2% bị đề nghị xử lý hình sự nên tính răn đe hạn chế. Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ nhiều nhưng chồng chéo.

Các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng nên siết chặt hoạt động ATVSLĐ từ các DN, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh theo luật. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng việc ban hành các văn bản dưới luật còn chậm; còn xảy ra sự bất cập, chồng chéo, phân tán; đội ngũ thanh tra vừa thiếu vừa yếu... Điều đáng nói, các DN cũng tỏ ra thờ ơ với việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Số ít DN thực hiện tốt luật nhưng hiệu quả chưa cao.

Từ những bất cập nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần sớm ban hành Luật ATVSLĐ làm cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo hộ cho tất cả những người tham gia LĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tồn tại nhiều bất cập về an toàn vệ sinh lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.