(HNM) - Với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp chỉ đạt 4,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước là 10,7%, 8 tháng qua, tồn kho hàng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng với mức 20,8%.
Tại cuộc giao ban về sản xuất kinh doanh (SXKD) vào ngày 10-9, lãnh đạo Bộ Công thương nhận định, hoạt động SXKD của doanh nghiệp (DN) trong các tháng tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Lượng than tồn đọng tiếp tục tăng cao trong những tháng vừa qua. Ảnh: TTXVN |
Tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn kho cao
Khó khăn trong SXKD đã từng bước được tháo gỡ nhưng lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Lượng tồn kho hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục tăng, nhất là khu vực DN ngoài nhà nước, DN vừa và nhỏ tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương… Lượng than tồn kho đến hết tháng 8 vẫn rất cao (6,9 triệu tấn) do các đơn vị tiêu thụ lớn trong nước giảm mạnh khối lượng ký hợp đồng; trong khi xuất khẩu chỉ bằng 76,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng 17,8% so với cùng kỳ, nhưng riêng tháng 8 lại giảm 3,8% so với tháng 7 do giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô, than đá cũng như giảm giá xuất khẩu một số mặt hàng có kim ngạch lớn như: Gạo giảm 9,1%, cao su giảm hơn 32%, nhân điều giảm hơn 18%, xơ sợi dệt các loại giảm 20%...
Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết: Mặc dù giá trị xuất khẩu lúa và cá chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, nhưng thời gian qua, hoạt động xuất khẩu lúa gạo của An Giang gặp không ít khó khăn do Nghị định 109/CP (ngày 4-11-2010) về kinh doanh xuất khẩu gạo tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo cho DN nhưng lại khống chế chỉ tiêu là 100 DN đầu mối. Khống chế này đã cản trở việc tiêu thụ lúa gạo của nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do không căn cứ vào khả năng nguồn cung. Giải đáp vấn đề này, Bộ Công thương cho biết, hiện có hơn 100 DN làm đầu mối xuất khẩu, nhưng trong số này có những DN cả năm không xuất khẩu được tấn gạo nào.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép vẫn trầm lắng với 356 nghìn tấn trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ các năm là 500 nghìn tấn/tháng và tồn kho là 315 nghìn tấn, cao hơn so với mức tồn kho các năm. Trong khi đó, do kinh tế thế giới phát triển chậm, nhiều nước đang dư thừa thép nên ráo riết thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất thép song hành với đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá. Mỹ đang kiện bán phá giá với mặt hàng ống thép các-bon tiêu chuẩn của Việt Nam, chuẩn bị kiện tiếp mặt hàng ống thép dẫn dầu. Malaysia chuẩn bị kiện Việt Nam xuất khẩu tôn mạ; Indonesia kiện sản phẩm ống thép cán nguội của Việt Nam. Vì vậy, nếu Việt Nam không kịp thời có các chính sách ứng phó thì ngành thép trong nước sẽ còn gặp khó khăn.
Lượng thép tiêu thụ tám tháng đầu năm giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: TTXVN |
Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm
Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người sản xuất, ngày 20-8, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ việc khống chế DN đầu mối xuất khẩu gạo. Thay vào đó, đề xuất Thủ tướng phê chuẩn việc cấp giấy phép xuất khẩu cho DN theo điều kiện, năng lực thực tế, với chỉ tiêu ràng buộc cụ thể dự kiến là tối thiểu 6.000 tấn/năm đối với mỗi DN xuất khẩu. Bộ Công thương cũng đã có chủ trương triển khai các biện pháp hành chính bảo vệ sản xuất thép trong nước, hạn chế thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam thông qua quy định cấp giấy phép nhập khẩu thép tự động sẽ áp dụng từ ngày 20-9.
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hình thức chuỗi liên kết từ người sản xuất đến nhà phân phối và người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương đang thí điểm 12 mô hình tiêu thụ nông sản gắn theo chuỗi liên kết tại 12 tỉnh, thành phố và bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện Vụ này đang tổng kết các mô hình thí điểm để có các đề xuất chính sách phù hợp kết nối chuỗi liên kết từ khâu cung cấp cây con giống, đến khâu nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và ngoài nước, góp phần tạo ra chuỗi tiêu thụ nông sản ổn định.
Saigon Coopmart đã hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên trong việc thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và bao tiêu các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap. Tuy nhiên, do năng lực có hạn nên để phát triển hình thức tiêu thụ nông sản này, bên cạnh vai trò cầu nối của Bộ Công thương, cần phát triển thêm mạng lưới phân phối trên cơ sở tiếp cận quy hoạch phát triển thương mại của các tỉnh, thành phố.
Việc triển khai giãn thuế, hạ lãi suất vay vốn chỉ là các giải pháp cấp bách, trong khi mấu chốt để giải quyết hàng hóa tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ lại phụ thuộc nhiều vào mức độ quyết liệt, đồng bộ của các giải pháp ở cấp vĩ mô nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.