Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôm "khát" nước mặn, chết hàng loạt

Đào Huyền| 03/04/2010 08:50

(HNM) - Tình trạng thời tiết thay đổi bất thường, hạn hán và xâm mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã không chỉ khiến hàng nghìn hécta lúa đông xuân thất thu mà còn đẩy người nuôi tôm đứng trước bờ vực phá sản.

Để cứu lúa nhiều địa phương đã ngăn nước mặn xâm nhập khiến hàng nghìn hécta nuôi tôm thiếu nước. Bên cạnh đó, nắng hạn gay gắt kéo dài đã làm phát sinh hàng loạt căn bệnh trên tôm như bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi…

Việc nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn.


Dịch bệnh lan tràn

Bộ NN&PTNT cho biết, dịch bệnh tôm đang xảy ra ở rất nhiều địa phương thuộc khu vực ĐBSCL. Tỉnh Long An có 1.153ha tôm chết, chiếm 49% diện tích nuôi tôm. Trong đó tôm thẻ thiệt hại 79,6%, tôm sú 61,8%. Tôm chết nhiều nhất là tại các huyện có diện tích nuôi tôm lớn, như Cần Đước với trên 927ha, chiếm 63% diện tích nuôi tôm của huyện; Cần Giuộc với 154ha, chiếm 39%; Châu Thành với 63ha, chiếm 15,5%... Còn tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có ít nhất 3 xã xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi.

Tại Bạc Liêu, đã có hơn 6.300ha tôm nuôi bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu do khô hạn, thiếu nguồn nước mặn, tôm đang chờ chết mà không làm được gì, người nông dân đang yêu cầu cho đổ nước mặn vào để cứu tôm. Nông dân nuôi tôm ở tỉnh Kiên Giang cũng đang hoang mang. Được biết vụ tôm 2010, Kiên Giang sẽ thả nuôi khoảng 80.000ha. Đến nay, nông dân đã xuống giống được 57.000ha, chủ yếu ở các huyện U Minh Thượng. Theo Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh, hiện mới là đầu vụ nuôi tôm nhưng đã có 336/31.176ha tôm của huyện bị thiệt hại. Tại huyện Vĩnh Thuận, đã có 312ha tôm bị chết với mức độ thiệt hại từ 70-100%.

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, tình trạng tôm chết hàng loạt xảy ra ở các địa phương do nhiều nguyên nhân. Hạn hán kéo dài đã khiến dịch bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi… ở tôm có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ngăn mặn để cứu lúa đông xuân khiến các hồ nuôi tôm thiếu nước mặn. Theo Ông Liên An Lộc, Phó phòng NN&PTNT huyện Giá Rai (Bạc Liêu) thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ngày một tăng, có ngày hàng chục hécta tôm nuôi bị chết mà không có nước để bơm cứu tôm. Gần đây có hàng chục hộ dân đòi phá đập, mở cống lấy nước mặn, vì tôm nuôi của họ đang chết từng ngày.

Một lý do nữa là nguồn nước nuôi tôm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mức độ quay vòng thâm canh ao đầm quá cao đã làm cho môi trường nuôi tôm không có thời gian phục hồi, bị suy thoái dần. Nguồn kênh nước cấp cho các vùng nuôi tôm bị ô nhiễm của hóa chất, nước thải, chất bảo vệ thực vật. Qua phân tích các mẫu nước ở các vùng nuôi tôm của nhiều địa phương, đã phát hiện nước nuôi tôm có hàm lượng phốt pho cao vượt ngưỡng cho phép, hàm lượng phèn sắt và khí độc amoniac cao gây mất cân đối môi trường, làm dịch bệnh tôm bùng phát.

Chất lượng con giống cũng là yếu tố đáng quan tâm. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho rằng, chất lượng tôm giống hiện nay rất kém, bởi hầu hết người dân mua bán trôi nổi ngoài thị trường, rất khó kiểm soát, phần lớn tôm giống không đạt chất lượng. Trong tổng số 375 mẫu tôm giống vận chuyển về vùng U Minh Thượng thì đã có tới 142 mẫu bị nhiễm bệnh, chiếm tỷ lệ gần 38%. Tại tỉnh Long An, có đến hơn 75% tôm giống nhập về không qua kiểm dịch. Một lý do nữa là tại một số tỉnh như Quảng Nam, Long An, nhiều hộ nuôi thả trước lịch thời vụ, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng nên dịch bệnh đốm trắng xuất hiện. Tôm vừa thu hoạch xong, lại tiếp tục thả lứa tôm mới, còn mầm bệnh tồn lưu nên dịch bệnh xảy ra trầm trọng, không thể kiểm soát.

Để đối phó với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, Cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo bà con nông dân và các địa phương cần tuân thủ lịch thời vụ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, quan sát các biểu hiện bên ngoài cũng như tập tính của tôm, phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường để có biện pháp khắc phục. Khi tôm bị dịch bệnh thì phải thông báo với trạm thú y tại địa phương để tiến hành khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn mầm bệnh phát tán ra môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tôm "khát" nước mặn, chết hàng loạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.