Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôi và Phương và…

Tiểu Huyền| 25/01/2012 08:04

(HNMCT) - Viết chân dung về một người nào đó, theo tôi là việc làm cực kỳ khó. Dù ngôn ngữ có những ưu thế riêng để “cạnh tranh” với màu sắc, hình khối – các bảo bối của họa sỹ, nhưng để lột tả cái “thần” của nhân vật, không phải khi nào ngôn từ cũng làm được.


Ngay khi đối diện với họa sỹ Quách Đông Phương, tôi đã lo sợ không biết mình sẽ “khám phá” anh ở góc cạnh nào để không giẫm lên chân người khác. Và, thật may mắn, ngay trong nỗi hoang mang dịu dàng ấy, tôi lại nhìn thấy Phương bằng thứ cảm xúc vô cùng chân thật, giản dị…


Tôi


Tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ sỹ, trong đó, đa số lại là các họa sỹ. Với riêng cá nhân tôi, khả năng hội họa là một trong những năng lực đáng ngưỡng mộ nhất của con người. Tôi có thể ngắm nhìn rất lâu những màu sắc, hình khối, mảng miếng,… của một bức tranh. Cho dù là chân dung hay tĩnh vật, phong cảnh hay trừu tượng,… thể loại nào cũng gây cho tôi sự thích thú và cảm hứng riêng. Cũng vì quá “mê’ hội họa, nên tôi thường “khoác” cho những họa sỹ mà tôi tiếp xúc chiếc áo khá diệu kỳ - chiếc áo của những thiên tài. Tôi đã áp đặt cho họ biết bao kỳ vọng lớn lao, và chỉ một phần trong số đó khiến tôi thỏa mãn.


Tôi vẫn biết, đã là thiên tài, hay thậm chỉ chỉ suýt soát chạm ngưỡng ấy, người ta sẽ có chút lập dị khác người. Cũng vì thế, tôi sẽ không sốc khi một người nổi tiếng nào đó thú nhận với tôi họ có một sở thích, niềm vui đặc biệt. Tôi chỉ sốc, khi người đó thú nhận, họ không có điều gì đặc biệt, ngoại trừ những điều vô cùng bình thường và giản dị…

Phương

Vừa bước chân vào thế giới riêng của họa sỹ Quách Đông Phương – tôi lập tức bị ngợp và không hiểu vì sao trong căn phòng rộng mấy chục mét vuông ấy anh có thể bày biện được quá nhiều đồ đạc một cách ngăn nắp đến như thế. Hàng nghìn chiếc đĩa; hàng chục đồ gốm đủ các kích cỡ; rất nhiều thiết bị âm thanh; các bức tranh cỡ cực đại,… Phương ngồi ở gần chính giữa căn phòng, có dáng vẻ rất thảnh thơi bên ấm trà mạn với những chiếc chén nhỏ xinh. Tôi đoán khi muốn, anh có thể quờ tay sang trái để lấy một đĩa nhạc mà mình yêu thích; quờ tay sang bên phải để lấy một cuốn sách; rướn người lên một chút để lấy một đồ vật nào đó... Sự tiện nghi mà anh đã tạo ra cho thế giới của riêng mình thoạt nhiên khiến tôi nghĩ anh thật là lười biếng. Nhưng rồi chính tôi lại ngộ ra, Phương thực sự không hề ngồi chơi uống trà suông trong thế giới của mình, anh đang làm việc, những việc không – lăng – nhăng!

Khi tôi đến, Phương cẩn thận pha cho tôi một cốc trà Lipton. Có thể anh nghĩ tôi cũng như nhiều người khác trong đời sống này: thích những thứ nhanh, giản đơn và hiệu quả. Tôi thú thực mình thích trà mạn, Phương lập tức bỏ cốc trà vừa pha và rót trà cho tôi. Tôi ngầm nhận ra có một chút thích thú trong Phương.


Phương nói chuyện nhỏ nhẹ và chậm rãi. Ngay cả khi tôi nói những điều không đúng, hoặc những điều anh không thích, anh cũng phản ứng rất dịu dàng. Anh bảo hồi này đang đọc nhiều sách về tôn giáo và bộ sách của Bun – ga – xép viết về thành Đôn – ga - la. Càng đọc những điều về cổ nhân, anh càng rút ra được nhiều điều để ngẫm lại mình trong đời sống thực tại. Phương thú thực anh thấy xã hội này dường như đang quá vội vã, bản thân anh cũng vậy, và khi nhận thấy cái gì là niềm tin anh sẽ quan tâm. Với Phương, đức tin huyễn hoặc còn giá trị hơn những thứ quá trần tục ở cuộc đời. Cũng có lẽ vì thế mà ngót hai chục năm nay Phương dành rất nhiều thời gian để lang thang đi chơi khắp mọi vùng miền của đất nước, rồi sang cả những quốc gia lân cận. Mỗi chuyến đi, anh chụp ảnh, khám phá vùng đất ấy theo cách của riêng mình. Khi máy ảnh kỹ thuật số chưa xuất hiện ở Việt Nam, Phương tốn rất nhiều tiền để mua phim chụp ảnh. Những rẻo đất nơi vùng cao xa xôi hay thậm chí Luông – pha – băng của nước bạn luôn khiến Phương say mê thích thú.

Phương không nhận mình là người hoài cổ, nhưng tôi thấy cái “gu” của anh luôn có thiên hướng tìm về quá khứ. Ví như Phương sợ việc càng ngày người ta càng cho xây nhiều khu chợ mới ở vùng cao để “khua” mọi người vào đó buôn bán. Những cái chợ có cột bê tông, lợp mái kiên cố lại khiến Phương miện phuồn. Anh muốn được thấy, và anh tin những tộc người thiểu số cũng muốn được buôn bán tự do như hàng trăm năm nay họ vẫn làm. Chỉ cần một dải đất trống, một triền núi, hoặc đơn giản hơn là ven con đường đất nào đó, cứ tiện nơi qua lại và có vài chục người tụ tập bán - mua, như thế là cái chợ đúng nghĩa của nó rồi. Chợ mới xây lên, không ai tha thiết vào đó buôn bán… Một vài thứ của thời hiện đại đã không phù hợp với mảnh đất lưu giữ được nhiều cái cũ, nhiều vốn cũ. Phương cũng không giấu tiếng thở dài khi kể cho tôi nghe sự biến đổi đến mức “lột xác” hoàn toàn của những bản làng mái tôn thay vì mái rạ cũ xưa. Có thể vẫn là tường đất, vẫn là vách nứa, nhưng mái nhà lại được đầu tư lợp thứ vật liệu hiện đại. Trời mưa, chẳng thấy giọt gianh nào, chỉ thấy ồn đinh tai nhức óc. Sự hiện đại bén liếm vào cái cũ xưa – trong hoàn cảnh này - sao mà chua chát thế.

Trong căn phòng tiện nghi đến mức chật chội của Phương, anh khoe anh có hàng nghìn chiếc băng, đĩa: đĩa hiện đại có, đĩa than cổ có, nhạc tiền chiến có, thậm chí cả ca trù, hát xẩm,… Với mỗi dòng nhạc, anh lại tìm thấy cái hay riêng. Nhưng với anh, quan trọng nhất là sự giản dị, chân chất. Ví như quan họ xưa, liền anh liền chị chẳng lo váy áo cầu kỳ, vậy mà tiếng hát làm thổn thức trái tim bao lớp người, vậy mà họ giã bạn hàng chục lần hội vẫn chưa tan. Nay quan họ hát bằng loa thùng, dập dìu đôi lứa phấn son hò hẹn,… Phương không còn yêu thích nữa, vì chúng không còn giản dị, và anh thấy buồn tê tái. Cũng vì thế, theo Phương, ngày nay chúng ta muốn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải cực kỳ thận trọng. Không thận trọng, rất dễ làm hỏng những tinh túy ngàn đời của cha ông.

Quanh quẩn những chuyện trên trời dưới biển, rồi tôi và Phương lại quay về đề tài hội họa – một phần trong đời sống của anh. Phương bảo anh đã không còn trẻ nên cũng vẽ ít hơn, một phần vì sự hăng hái cũng hao mòn đôi chút. Phương tự tiết chế mình và luôn chờ đợi, tin tưởng vào lớp trẻ. Anh tin nghệ thuật sẽ không tồi đi, sẽ tốt lên, cho dù trong quá trình đi lên, sẽ có giai đoạn khó khăn, thử thách. Phương luôn mang bên mình câu nói: phải học 2 năm để biết nói, học 60 năm để biết im lặng, anh dặn mình bỏ bớt áo quần và chức danh, để sống bằng những thứ trong mình, chứ không chạy theo những a dua phù phiếm bên ngoài của người đời. Với Phương, thế giới nghệ thuật đã chật cứng và chỉ còn những khe rất nhỏ, nhỏ như sợi tóc. Ai qua được sợi tóc ấy thì có cái tôi riêng, thì thành danh.

Những góc khác

Phương kể cho tôi về chuyến ăn Tết cổ truyền dân tộc ở đồn biên phòng 475. Đó là Xín Thầu, cách Mường Nhé hàng trăm kilômét. Tết ấy, anh đã hòa mình vào sự thanh tịnh của cái tết vùng cao. Nơi đó, không có thứ rượu tây, không có thịt hộp và bánh chưng bán sẵn,… như ở phố phường. Vậy mà họ đã thích thú biết bao nhiêu… Dư âm của cái tết vùng cao còn mãi đến bây giờ, với những dư vị rất riêng…

Bây giờ, Phương có thể ở nhà cả tuần và không bước chân ra khỏi cửa. Anh sợ một Hà Nội không nguyên là Hà Nội xưa. Phương đi chơi, gặp gỡ bạn bè vào những buổi đêm, họ lang thang quán xá, đi bar… Thỉnh thoảng, Phương cuốc bộ hoặc lôi những chiếc xe cổ của mình ra, đi một quãng để ăn sáng bằng thứ thức quà xưa cũ: cháo đỗ đen.

Một phần diện tích trên tầng 2 trong ngôi nhà ở phố Sơn Tây, Quách Đông Phương xây cho mình một ngôi chùa nhỏ - một ngôi chùa đúng nghĩa. Tôi không cho rằng Phương cần đến ngôi chùa này để tạm lánh cuộc đời mà anh cho là có quá nhiều thứ “lăng nhăng”. Lại như lời anh nói, đức tin huyễn hoặc còn quý hơn những thứ quá trần tục ở đời. Phương không bao giờ là kẻ trốn đời, bởi anh vẫn vẽ - là còn nguyên tư duy sáng tạo cất cánh từ cuộc sống; anh vẫn đi chơi – vẫn hòa mình vào dòng đời hối hả để tìm kiếm thú riêng; anh vẫn lang thang hàng chục ngày ở miền núi, ở nước Lào… Chơi như vậy, nhập thế như vậy, đương nhiên không có chuyện trốn đời. Vậy vì lẽ gì lại có một ngôi chùa trong nhà – giữa phố? Tôi quyết định không hỏi Phương câu hỏi ấy. Tôi sẽ học theo anh, sẽ tự tìm lời giải cho mình – dù là ở đức tin huyễn hoặc. Tôi sẽ năng đến nhà Phương, thăm ngôi chùa, và tự cho mình lời giải…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tôi và Phương và…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.