Nhà ông bà ngoại tôi nuôi một con chó, tên nó là Bấc. Sự tích của cái tên liên quan đến một việc diễn ra đã khá lâu, từ ngày ông tôi còn chưa nghỉ hưu.
Chuyện thế này: Một hôm, trời đổ mưa tầm tã, ông đi trực ca tối ở bệnh viện về thì thấy một con chó còm nhom, mình mẩy ướt lướt thướt đang run rẩy nằm trước cửa nhà. Thương tình, ông bế nó vào, lau khô và cho nằm sưởi bên bếp. Con chó rên rỉ vì đói và rét, luôn chớp chớp đôi mắt tròn nâu ươn ướt, nhìn ông bà tôi như muốn cầu cứu và tỏ lòng biết ơn. Bà tôi "úp" bát mì tôm cho cún con... Mấy hôm sau, hễ gặp hàng xóm là bà tôi lại hỏi thăm xem nhà có bị lạc mất con chó con, nhưng mãi không có người nhận. Thế là cún con ở lại với ông bà. Thấy nó bé xíu, nhẹ bẫng nên ông đặt cho nó cái tên là Bấc, chứ chẳng phải tên tây tên ngoại gì.
Con Bấc hơn cả tuổi tôi. Nó không đẹp, cũng chả khôn, chả nhanh nhẹn dễ thương láu lỉnh giống con Lắc-ki nhà bạn Thành, hay con Bông nhà bạn Hảo. Cả ngày, nó cứ trầm ngâm, uể oải như người có tuổi. Đặc biệt, nó hay ngồi nép mình dưới chân bàn làm việc của ông tôi, mắt nhìn xa xăm như nhà hiền triết. Ông bà ngoại tôi thương nó lắm. Lúc cho nó ăn, bao giờ ông cũng ân cần gọi: "Bấc, Bấc, ăn nhé!". Ông xoa đầu, đưa thức ăn tới gần miệng nó. Con Bấc hơi nghiêng đầu, khịt khịt mũi đánh hơi rồi mới bắt đầu ăn, nhẩn nha và chậm chạp. Bà tôi vuốt lưng nó, nựng như nựng trẻ con: "Bấc ngoan, ăn khỏe vào chứ, nào!".
Hôm trước, tôi ném bóng làm vỡ cái lọ lục bình. Bị bà mắng, tôi phụng phịu: "Bà chỉ yêu quý con Bấc thôi! Bà không yêu con!". Nghe vậy, ông tôi bật cười. Ông nắm vai tôi, bảo tôi ngồi xuống cạnh con Bấc: "Chắc là lâu lắm rồi cháu không có thời giờ để nhìn ngắm người bạn nhỏ vẫn đang cùng sống trong nhà mình, đúng không nào?". Tôi còn đang ngơ ngác thì ông đã dịu dàng nâng cằm con Bấc lên. Nó cà nhẹ cái mặt vào tay ông. "Cháu nhìn vào mắt nó xem…". Lần đầu tiên, tôi mới để ý mắt con Bấc đục lờ, chứ không còn tinh anh như ngày tôi còn nhỏ, những ngày nó thường vẫy đuôi rối rít đón tôi mỗi chiều tan lớp. Ngày ấy, tôi với nó là đôi bạn thân, còn bây giờ, tôi thích chơi điện tử, xem ti vi và đi đá bóng hơn là chơi với một con chó luôn uể oải, chậm chạp như nó… Lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng con Bấc đã rụng mất mấy cái răng.
- Mười bốn năm qua rồi… Giờ anh bạn Bấc của chúng ta đã lên lão, mắt đã lòa, lông đã khô xơ… Đừng hắt hủi một vệ sĩ đã nghỉ hưu như Bấc mà tội nghiệp, cháu à!
Ông nói, giọng ấm áp, rưng rưng. Con Bấc như hiểu điều ông nói. Nó ngước cặp mắt đục mờ lên phía ông, nghiêng tai nghe ngóng rồi lại dụi cái mũi ươn ướt vào bàn tay ông, vẻ nũng nịu, tin cậy.
Đọc sách, tôi biết tuổi thọ của loài chó không được như người, vậy mà sao điều giản dị ấy phải đến giờ tôi mới cảm nhận được? Ký ức tuổi thơ ùa về trong trí nhớ, những tháng ngày con Bấc tung hoành oai phong, sủa vang báo động khi có người lạ. Nó từng đứng chờ tôi ở cửa mỗi chiều tan lớp, từng chơi đá bóng cùng tôi. Ngày ấy, mỗi lần vồ được con gián, hay con chuột nhắt, Bấc đều hớn hở khoe nhắng lên… Ngày ấy, thằng bé con mẫu giáo là tôi thật là vui vì có Bấc bầu bạn…
Bắt chước ông, tôi cũng đưa mu bàn tay mình quệt ngang qua mũi nó. Như chỉ chờ có thế, con Bấc rướn mình, sà cả người vào lòng tôi mà dụi, dụi mãi.
- Ồ, anh bạn! Vẫn còn nhớ nhau hả! - Tôi cười nói, đùa chơi với con Bấc mà bỗng cảm thấy giọng mình như ngạt mũi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.