(HNMO) - "Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị" là chủ đề hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng tổ chức sáng 22-10, tại Hà Nội.
Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái, trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xác định rõ phát triển đô thị thông minh là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Việc xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản, đúng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình và kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, nhằm hướng tới mục tiêu làm cho thành phố thông minh hơn cần bắt đầu từ quy hoạch thông minh, xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch và việc lồng ghép những nội dung này vào Chiến lược đô thị hóa cần được coi là vấn đề trung tâm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình thành phố thông minh cũng như công tác quy hoạch xây dựng đô thị hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh.
Từ Malaysia, bà Maimunah Jaffar, Giám đốc Cơ quan phát triển vùng Iskandar (Malaysia) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình xây dựng thành phố thông minh vùng Iskandar. Theo đó, với mục tiêu xây dựng Iskandar thành đô thị ít carbon, điểm đến thu hút cư dân và các ngành logistics, Cơ quan phát triển vùng Iskandar đã xây dựng lộ trình phát triển đô thị thông minh, đưa ra các giải pháp phát triển bền vững, tối đa hóa tài nguyên đất đai, sinh thái,.. với mục tiêu cắt giảm 45% phát thải khí nhà kính, có sự cam kết của chính quyền. Đáng chú ý là việc làm tốt công tác quy hoạch để không phải xử lý vấn đề dân cư tập trung quá đông; tập trung xây dựng khuôn khổ chính sách; áp dụng các công nghệ thông minh như: Lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh, cột đèn tín hiệu giao thông thông minh, giám sát, điều tiết giao thông hợp lý, góp phần giảm ách tắc giao thông xuống 40%...
Tiến sĩ Park Jeong Ha (Công ty K-Water thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Busan Eco Delta City - đô thị thông minh phát triển trên bờ nước (diện tích 11,7km2) với các giải pháp phát triển bền vững. Cụ thể, bên cạnh khai thác tối đa quang cảnh sông, nước hiện hữu; Busan Eco Delta City còn được phát triển tập trung khai thác, sử dụng năng lượng thông minh, nâng cao hiệu suất công nghệ, 100% năng lượng đến từ năng lương tái tạo, khai thác sự chênh lệch nhiệt độ nước,...; xây dựng khu vực cây xanh (chiếm 50% diện tích thành phố) để cư dân có thể hưởng thụ...
Tham luận tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Hà Nội là một trong những thành phố được Chính phủ lựa chọn xây dựng thành phố thông minh. Trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố Hà Nội được định hướng với cấu trúc 1 trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái. Để giải quyết được bài toán định hướng chiến lược, tầm nhìn quy hoạch kết nối các vùng đô thị mới với các khu vực truyền thống trong bối cảnh nền kinh tế 4.0, thành phố xác định giải quyết 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; thứ hai là phát triển hạ tầng đô thị thông minh, đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư các lĩnh vực phát triển chiếu sáng đô thị thông minh; giao thông thông minh, hệ thống điều khiển hướng dẫn cho người tham gia giao thông; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT). Thứ ba là phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị, hình thành các tiện ích dịch vụ công cộng thông minh nhanh gọn, thuận tiện, tiện lợi cho người dân; đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, khuyến khích các mô hình trực tuyến: Giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc,... Thứ tư là tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác lập, triển khai quy hoạch theo hướng phát triển đô thị thông minh bền vững. Thứ năm là tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.
Theo đó, trong thời gian tới thành phố tập trung ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ: Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh; thực hiện chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành đô thị thông minh theo các giai đoạn.
Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Võ Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam đánh giá những ý kiến trao đổi tại hội thảo rất thiết thực và quý báu cho công cuộc "thông minh hóa đô thị" tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Hội thảo đã cung cấp những phân tích khoa học và những bài học thực tiễn hết sức quý báu từ các diễn giả tham gia thảo luận, trao đổi tại hội trường. Đây là một cơ hội tốt cho các đô thị trong mạng lưới đô thị Việt Nam được giao lưu học hỏi từ các mô hình phát triển đô thị thông minh thành công trên thế giới và cùng các đô thị trong mạng lưới đô thị thông minh ASEAN xây dựng "Đô thị Thông minh – hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.