Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tội phạm vị thành niên: Ngăn chặn từ “pháo đài” gia đình

Ngọc Hải| 13/07/2012 07:11

(HNM) - Chỉ từ 17 đến 20 tuổi, mới lớn, gương mặt còn non. Phần lớn trẻ vị thành niên khi trở thành bị cáo trước vành móng ngựa đều sợ hãi, rúm ró, còn bố mẹ và người thân của chúng thì khóc nức nở khi biết rằng tương lai của con em mình là những tháng ngày dài phía sau song sắt.


Cái giá phải trả quá đắt cho những phút giây không làm chủ được bản thân, hậu quả của những tháng ngày chơi bời lêu lổng do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, mọi sự ân hận lúc này đều đã muộn màng.


Lê Văn Luyện đã gây ra vụ thảm án khiến nhiều người dân phẫn nộ.

Những lý do... ngớ ngẩn

Ở tuổi 19, Phan Thanh Tùng ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị dẫn giải ra tòa với hai tội: giết người và cướp tài sản. Phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng 12-6 đẫm nước mắt và đầy sự chua xót, bởi nạn nhân của Tùng không ai khác chính là bà nội của mình - người đã từng hết sức yêu thương, chăm sóc Tùng từ bé và kỳ vọng rất nhiều vào đứa cháu đích tôn của mình. Thế mà, chỉ vì cần tiền để mua quà Noel cho bạn gái, từ một người không có tiền án, tiền sự, Tùng đã trở nên mất hết tính người, rủ bạn ra tay sát hại bà nội mình để cướp đôi khuyên tai bằng vàng mà hằng ngày bà nội vẫn đeo. Tại phiên tòa, người bác ruột của Tùng đã nói trong nước mắt rằng: "Một bên xót mẹ, một bên xót cháu… nó đã gây tội nhưng gia đình tôi tha thiết xin quý tòa giảm nhẹ hình phạt cho cháu tôi". Song, với hành vi sát hại bà nội, theo nhận định của Hội đồng xét xử là "xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức", Tùng đã chịu mức án cao nhất: tử hình. Một cái giá quá đắt nhưng chính Tùng đã tự tước đi quyền sống của mình.

Những sát thủ tuổi teen như Tùng không phải là trường hợp cá biệt. Trẻ nam hung hãn đã đành, trẻ nữ côn đồ chẳng kém. Chưa hết sốc về vụ nữ sinh lớp 9 dìm chết bạn ở Hưng Yên thì mới đây, dư luận lại bàng hoàng khi một nữ sinh lớp 9 dùng dao tấn công bạn ngay tại sân trường khiến 2 người tử thương. Vụ việc xảy ra tại Trường THCS xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lẽ thường những mâu thuẫn phát sinh ở các nữ sinh tuổi mới lớn nếu có cũng chỉ là những điều chấp nhặt về cách ăn mặc, đầu tóc, điệu bộ đi lại, không đáng và không nên phải sử dụng đến bạo lực. Nhưng, trái với suy nghĩ đó, do tức bạn mà nữ sinh Lê Thị Hà Trang (sinh năm 1997) đã hành xử một cách vô cùng hung hãn mà chắc chắn nhiều người lớn không thể nghĩ đến. Cô bạn mà Trang muốn xử lý là Trần Thị Hoài (sinh năm 1997) nhưng vì thấy một bạn khác là Phạm Thị Ngọc Ánh (sinh năm1997) đứng chắn trước mặt nên Trang liền đâm một nhát vào bụng. Ánh gục xuống, Trang tiếp tục lao tới đâm một nhát vào ngực phải của Hoài. Hai nạn nhân đã được đưa ngay đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, bị mất máu nhiều, Ánh đã tử vong ngay sau đó…

Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa xét xử một nhóm 8 bị cáo về tội giết người, đáng chú ý là tất cả đều chưa đến tuổi thành niên. Vụ án bắt nguồn từ việc Nguyễn Hương Giang (nữ sinh lớp 10 Trường bán công Đống Đa) mâu thuẫn với một học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi. Giang bị bạn của đối thủ đập mũ bảo hiểm vào mặt. Để trả hận, Giang hẹn đối thủ để giải quyết mâu thuẫn trước cổng Trường Nguyễn Trãi. Nhóm của Giang mang theo dao tông, tuýp nước đến nơi hẹn. Thấy một người giống người hôm trước đánh mình, Giang bảo "cứ xiên nhiệt tình". Lập tức cả bọn hùng hổ xông vào, kẻ dùng dao tông chém, đứa dùng tuýp nước vụt, dùng dao đâm vào sườn khiến nạn nhân tử vong. Dù nhận định hành vi của các bị cáo rất côn đồ, nhưng do chưa đủ 18 tuổi nên tòa tuyên phạt nhóm tội phạm tuổi teen với mức án từ 4 đến 15 năm tù.

Đáng lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ thuận với sự gia tăng hung thủ tuổi vị thành niên là mức độ, tính chất của các vụ án ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Có rất nhiều vụ án trong số đó kẻ phạm tội hành xử không ghê tay, tàn bạo và manh động không kém những tay anh chị đầu gấu giang hồ lâu năm. Nếu như trước đây, án do trẻ vị thành niên phạm tội chỉ khu biệt ở số ít, án nhẹ như cướp tài sản, thì nay gần như loại tội danh nào hung thủ vị thành niên cũng có mặt, từ hiếp dâm đến cố ý gây thương tích, sử dụng vũ khí nóng giết người cướp của, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Tạo dựng môi trường sống lành mạnh

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC45 (CATP Hà Nội), mặc dù làm tốt công tác phòng ngừa, giảm được 11,5%, nhưng trong 6 tháng năm 2012, toàn thành phố vẫn xảy ra 69 vụ phạm pháp hình sự trong lứa tuổi chưa thành niên. Đáng chú ý trong số các vụ phạm pháp này có 2 vụ giết người, 11 vụ cướp, 11 vụ cố ý gây thương tích, 11 vụ trộm cắp, còn lại là các tội danh khác. "Đây là những con số báo động và nếu không quản lý tốt thì công tác phòng ngừa, răn đe của lực lượng công an cũng chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi" - đại diện của PC45 đánh giá. Hiện cả nước có hơn 140 nghìn người nghiện, hơn 300 nghìn người có tiền án, tiền sự. Hằng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115 nghìn người, trong đó có 16 nghìn - 18 nghìn trẻ vị thành niên. Xu hướng tội phạm ngày càng trẻ hóa và nhiều người sau khi ra trại bị miệt thị, không có công ăn việc làm lại tái phạm tội. Và với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ sau 5-10 năm nữa sẽ có gần một triệu người có tiền án, tiền sự, trong đó 200 nghìn trường hợp dưới 30 tuổi.

Nhìn nhận ở góc độ khác, PGS-TS - Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cho biết, trẻ mới lớn hiện nay có nhiều điều kiện tốt hơn trước, được tiếp xúc với văn hóa ngoại nhập và mở mang những chân trời mới nhờ mạng internet kết nối toàn cầu. Nhưng các công cụ này như con dao hai lưỡi, tích cực thì nhiều song tiêu cực cũng không ít, nhất là phim ảnh không lành mạnh rất dễ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Từ vụ thảm án do Nguyễn Văn Luyện gây ra đến nhiều vụ án khác, người ta thấy ở đó dấu ấn đậm nét của lối sống lệch lạc và nhiều cách hành xử côn đồ, tàn bạo từ phim ảnh và games online. Qua các vụ án do trẻ vị thành niên gây ra cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến phạm tội chủ yếu là do phía gia đình (nơi các em sinh sống, sinh hoạt thường ngày) đã thiếu quan tâm, dạy dỗ, định hướng cho các em tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Bên cạnh đó, phía nhà trường cũng có phần thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục trẻ. Việc phân xử không đúng những tranh chấp nhỏ từ lớp học của một số thầy, cô giáo đã khiến cho các em bức xúc, nhận thức lệch lạc và có những hành vi sai trái.

Xin được thay lời kết bằng phát biểu của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đáng báo động hiện nay là do luật pháp chưa thực sự phát huy được vai trò và chức năng điều tiết xã hội, răn đe và xử phạt. Nhiều trường hợp xử lý chưa nghiêm, dẫn tới hiện tượng coi thường luật pháp, nhiều gia đình đều phó mặc việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường, trong khi đó chương trình đào tạo mới chỉ quan tâm tới việc truyền thụ kiến thức còn việc giáo dục những kỹ năng sống, kiến thức pháp luật chưa được quan tâm. Nếu không đi từ gia đình thì không thể ngăn chặn, giải quyết từ gốc vấn đề vi phạm pháp luật, nhất là đối với giới trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm vị thành niên: Ngăn chặn từ “pháo đài” gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.