Hiện tượng trăng tròn tối nay xảy ra khi
Mặt trăng sẽ tới điểm xa trái đất nhất trên quỹ đạo của nó vào tối 11/10. Ảnh: zimbio.com. |
Space cho biết, vào lúc 2h06 GMT hôm nay (9h06 giờ Hà Nội), mặt trăng sẽ hiện ra dưới dạng đĩa tròn. Gần 10 tiếng đồng hồ sau, mặt trăng sẽ tới viễn điểm (điểm xa địa cầu nhất) trên quỹ đạo của nó trong tháng 10. Tại vị trí này, khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất vào khoảng 406.434 km.
Vào tháng 3 năm ngoái, đĩa mặt trăng chuyển sang trạng thái tròn khi nó gần cận điểm (điểm gần trái đất nhất) trên quỹ đạo, tạo nên hiện tượng mà người ta gọi là “siêu trăng”. Đĩa mặt trăng tối nay sẽ nhỏ hơn 12,3% so với “siêu trăng” hồi tháng 3, nghĩa là nhỏ nhất trong năm 2011.
Và cũng do mặt trăng gần viễn điểm nên người quan sát sẽ thấy nó di chuyển tương đối chậm.
Trong vòng một năm, trăng tròn sẽ hiện ra ở nhiều vị trí. Do khoảng cách từ những vị trí ấy tới trái đất khác nhau, người quan sát sẽ thấy độ lớn của trăng thay đổi. Nguyên nhân của hiện tượng này là mặt trăng xoay quanh địa cầu theo quỹ đạo elip, chứ không phải hình tròn. Song vị trí quỹ đạo của mặt trăng cũng không cố định so với trái đất mà thay đổi liên tục do tác động từ mặt trời.
Khoảng thời gian giữa hai kỳ trăng tròn là 29,53 ngày (gọi là tháng giao hội), còn thời gian mặt trăng di chuyển từ một cận điểm tới cận điểm tiếp theo là 27,55 ngày.
Do vậy, nếu trăng tròn trùng thời điểm mặt trăng tiến gần cận điểm (như trường hợp tháng 3 vừa rồi), nó sẽ tới cận điểm tiếp theo khoảng hai ngày trước khi trăng tròn trong tháng kế tiếp. Theo quy luật đó, trăng tròn vào ngày 26/10 sẽ trùng với lúc trăng tới gần cận điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.