Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tối nay, làng lụa Vạn Phúc mở hội

Hoàng Lân| 08/11/2018 14:54

(HNMO) - Tối nay (8-11), Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông sẽ chính thức khai mạc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đây không chỉ là ngày hội của người làng Vạn Phúc để khoe tài dệt lụa mà còn là cơ hội để du khách gần xa được tiếp cận, nghiêm ngưỡng những sản phẩm lụa đặc sắc, độc đáo qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề.

Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018 là dịp để người dân và du khách tiếp cận với những sản phẩm lụa đẹp mắt, chất lượng do người làng Vạn Phúc thực hiện.


Theo Ban tổ chức, Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018 có 2 phần, lễ và hội. Năm nay, số lượng người đăng ký tham gia Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc tăng vượt trội.

Gần 1.000 người tham gia rước lễ trong ngày đầu khai trương với chủ đề “Vạn Phúc dấu xưa”, tôn vinh Tổ nghề dệt và tôn vinh những giá trị lịch sử, truyền thống văn hoá Việt Nam... Số lượng sản phẩm dịch vụ được đánh giá là chất lượng với nhiều mẫu mã đẹp mắt.

Phần lễ rước chia làm 3 khối với nhiều nét mới. Khối rước đầu tiên tuyên truyền về truyền thống cách mạng của quê hương Vạn Phúc, giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế về lịch sử Di tích cách mạnh Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Khối rước thứ 2 là tân binh rước Thành hoàng làng và sắc phong. Cuối cùng là khối rước tôn vinh Tổ nghề, bao gồm: Khung dệt cổ, chị em mặc áo dài gánh lụa.

Phần hội là chương trình nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật dân tộc được diễn ra trong suốt Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc 2018. Đó là những chương trình múa rối nước, hát quan họ, hát chầu văn tại sân đình với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca nương nổi tiếng.

Ban tổ chức cho biết, trong thời gian diễn ra sự kiện này, du khách thập phương còn được thưởng thức tài văn nghệ của người dân ở 12 tổ dân với những màn thi hấp dẫn. Các tiết mục chọn lọc đoạt giải sẽ được biểu diễn trong đêm bế mạc.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như: Lễ hội áo dài nhằm tôn vinh chiếc áo dài lụa Việt Nam; các trò chơi dân gian như thi tiếp sức, quay tơ, dệt lụa, vẽ tranh; tổ chức “Đêm hội vân lụa Rồng bay”, người dân Vạn Phúc sẽ trình diễn áo dài theo hình rồng bay; tổ chức phố ẩm thực, giới thiệu các món ngon đồng quê với đặc sản thịt trâu nổi tiếng của Hà Đông…

Ngoài ra, Ban tổ chức còn thực hiện hai phố nghề đậm chất văn hóa của Hà Đông, đó là hoa - sinh vật cảnh và phố đồ cổ - đồ xưa.

Không gian trưng bày đẹp mắt tại làng Vạn Phúc chuẩn bị cho Tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề 2018.


Về hoạt động giới thiệu “đặc sản” lụa Vạn Phúc, Ban tổ chức cho biết, từ nhiều ngày nay, những gia đình làm nghề dệt lụa đã thực hiện trang trí cửa hàng, chuẩn bị những sản phẩm lụa đẹp mắt, chất lượng do chính gia đình làm. Các hộ gia đình bảo đảm thực hiện việc niêm yết giá, không bán hàng giả, hàng nhái…

Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề nhằm quảng bá văn hóa ngành nghề truyền thống của Vạn Phúc, Hà Đông nói riêng; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch làng nghề truyền thống của TP Hà Nội nói chung.

Thông qua Tuần lễ, Vạn Phúc cũng thí điểm phương án thay đổi kinh doanh, duy trì thường xuyên 3 tuyến phố chính dành cho người đi bộ là: Phố lụa, phố hoa - sinh vật cảnh và phố đồ cổ - đồ xưa vào tối thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tuần lễ văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc được tổ chức từ ngày 8 đến 17-11-2018.

Vạn Phúc xưa, còn có tên là Vạn Bảo - một làng Việt cổ nằm bên dòng sông Nhuệ. Làng có nghề dệt lụa nổi tiếng trên 1.000 năm tuổi, có vị trí cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 11 km về phía Tây Bắc thành phố. Lụa Vạn Phúc từng là vật phẩm tiến Vua các thời đại, đã từng tham gia đấu xảo tại Hội trợ Marseille Paris.


Vạn Phúc còn là làng Đỏ - làng Cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Làng Vạn Phúc là nơi hoạt động của nhiều đồng chí lãnh tụ của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí khác.


Đặc biệt, Vạn Phúc là nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946 (nay gọi là nhà Lưu niệm Bác Hồ) đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tối nay, làng lụa Vạn Phúc mở hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.