Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tôi muốn viết nhiều hơn về đồng đội”

Thi Thi| 13/01/2012 07:39

(HNM) - Nhà văn trẻ, chiến sĩ công an Chu Thanh Hương đã có một năm 2011 ít nhiều thành công với khá nhiều giải thưởng văn học. Cây bút mới, đại biểu của Hội nghị Văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII - nhà văn Chu Thanh Hương sẽ chia sẻ với bạn đọc Hànộimới những câu chuyện văn chương của chị.

- Năm 2011 mang lại cho Hương nhiều giải thưởng văn học. Từ những giải mang tính chuyên môn cao đến những cuộc thi viết mang tính xã hội. Đâu là những yếu tố quan trọng mang lại cho Hương sự thành công như vậy?

- Tôi đã viết những tác phẩm đó với những cảm xúc mạnh mẽ mà cuộc sống đem lại. Ví dụ như tiểu thuyết "Hoa bay" là từ cuộc gặp gỡ với những phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn buôn người, truyện ngắn "Ước mơ trong bão" là câu chuyện của những em bé vùng cao dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn khao khát đến trường. Hoặc giản dị như "Bức tranh kỳ lạ" là một truyện ngắn phản ánh về tình cảm yêu thương của các thành viên trong một gia đình. Tôi đã cố gắng kể lại những câu chuyện đó một cách chân thành, mộc mạc để bạn đọc cảm nhận được hơi thở của cuộc sống như tôi đã từng cảm nhận. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của     tôi được mọi người cảm thông và đón nhận.


- Hương cầm bút từ thuở mới hết tiểu học, cũng là tác giả có sách ở NXB Kim Đồng. Nhưng kể từ sau tiểu thuyết "Hoa bay" (giải A cuộc thi viết về đề tài an ninh trật tự) cái tên Chu Thanh Hương mới thật sự gây dấu ấn trên văn đàn. Các giải thưởng tác động tới nhà văn trẻ như thế nào, theo Hương?

- Đối với bản thân tôi, các giải thưởng là một món quà hết sức ý nghĩa. Tôi đã nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc. Từ đó tôi rút ra được bài học bổ ích cho bản thân, bởi như độc giả biết, tôi là cây bút nghiệp dư chỉ vừa chập chững đến với văn học. Nếu muốn tiếp tục con đường sáng tác mà mình yêu thích, chắc rằng tôi sẽ còn phải nỗ lực học tập rất nhiều. "Hoa bay" đoạt giải thưởng cũng là một điều may mắn bởi tác phẩm đã chạm đến một mảng đề tài tương đối mới lạ là cuộc chiến đấu tranh chống tội phạm buôn người của lực lượng công an. Nhưng xét về nhiều góc độ thì tác phẩm còn khá non trẻ. Tôi muốn được viết về những người đồng chí, đồng đội của mình nhiều hơn nữa, chân thật và rõ nét hơn nữa.

- Lợi thế vì có điều kiện tiếp cận với nguồn tài liệu lớn, sống động của đời sống an ninh trật tự, nhưng chắt lọc, phản ánh nó vào tác phẩm hẳn là một công việc không dễ dàng?

- Tôi viết văn một cách tự nhiên và khá bản năng. Có ngày tôi viết được gần 20 trang bản thảo nhưng cũng có khi cả tháng trời tôi không thể viết được một chữ nào. Nhưng rõ ràng việc tích lũy các tư liệu rất bổ ích và quan trọng. Nó giúp tôi tạo cảm xúc để xây dựng cả một câu truyện dài hoặc ít nhất là giúp khắc họa nhân vật một cách chân thật, gần gũi hơn.

- Nghe nói Hương đang viết một tiểu thuyết mới cũng khai thác đề tài này?

- Ý tưởng của tác phẩm bắt nguồn khi tôi nghiên cứu về lịch sử cách đây gần ba chục năm của Công an Lạng Sơn. Khi đó tình hình an ninh trật tự tại tỉnh vùng biên khá phức tạp, nhưng chính trong hoàn cảnh ấy mà lực lượng công an đã có rất nhiều chiến công anh hùng, những tấm gương sáng trong công tác đấu tranh với tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tôi rất muốn viết về thời kỳ đó, về lực lượng công an nhưng có lẽ sẽ dưới một góc nhìn khá đặc biệt.

- Xin cảm ơn Hương!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tôi muốn viết nhiều hơn về đồng đội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.