(HNM) - Một lần nữa bóng bàn trẻ của Hà Nội T&T lại chiếm ngôi đầu tại Giải Bóng bàn các lứa tuổi trẻ toàn quốc năm 2014 (kết thúc vào cuối tháng 7, tại Đà Nẵng). Thường thì chức vô địch tại một giải trẻ không được chú ý nhiều nhưng với CLB bóng bàn Hà Nội T&T,
Đây đã là năm thứ ba Hà Nội T&T giành ngôi vô địch toàn đoàn tại Giải Bóng bàn các lứa tuổi trẻ toàn quốc. Thành tích này - vô địch giải trẻ, đối với các CLB khác thì có thể là bình thường, nhưng với Hà Nội T&T, một đơn vị mới chỉ đầu tư vào bóng bàn trong quãng thời gian ngắn ngủi thì đó là thành tích đáng kể mà qua đó, người ta có thể nghiệm ra nhiều điều.
Các tay vợt của CLB Hà Nội T&T đã để lại những hình ảnh thi đấu ấn tượng tại giải lần này. |
Năm 2007, Tập đoàn T&T bắt đầu đầu tư vào bóng bàn. Khi đó, cựu danh thủ Vũ Mạnh Cường đã được mời về để gây dựng lực lượng cho CLB. Đó là một quyết định chính xác bởi HLV người Hải Dương đã góp phần thiết lập một trong những hệ thống đào tạo trẻ bài bản và rõ tính chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam. Khởi đầu cho quá trình xây dựng hệ thống đào tạo trẻ của Hà Nội T&T là những ngày thầy trò HLV Vũ Mạnh Cường ăn ở tại những căn phòng dưới gầm sân vận động Tây Hồ, tập luyện nhờ ở Nhà thi đấu Trung tâm TDTT Tây Hồ. Những năm đầu, nhà vô địch SEA Games một thời như một bảo mẫu thực sự của lứa VĐV trẻ. Nhiều cô bé, cậu bé còn ít tuổi hơn cả con trai của HLV này. Học trò ốm, chuyện học tập tại các trường gần Trung tâm TDTT Tây Hồ… tất cả đều do HLV Vũ Mạnh Cường trực tiếp lo liệu. Có lúc, chăm học trò sốt dịch rồi cựu tuyển thủ quốc gia lừng danh cũng lây theo.
Đó là thuở ban đầu gian khó của hệ thống đào tạo trẻ bóng bàn Hà Nội T&T. Gian khó ở đây không phải là tiền bạc, không chỉ là lo tập luyện mà là công sức và thời gian của đội ngũ HLV dành cho việc chăm sóc học trò, làm sao để gia đình các em (nhiều em ở tận miền Trung, Tây Nguyên) tin rằng họ đã không gửi con nhầm chỗ. Chưa kể đã có lúc Ban huấn luyện của đội, nhất là trong quãng thời gian đầu đã phải mạnh tay loại một số tay vợt lớn tuổi có biểu hiện không phù hợp dù rất cần họ để có thành tích ở Giải Vô địch bóng bàn quốc gia nhằm gây "thanh thế", tạo đà tâm lý cho CLB. Sau này kể lại, người trong cuộc "bật mí" rằng cuộc "thanh lọc" khi ấy còn là để các VĐV trẻ không phải tiếp xúc với gương xấu, tránh việc "thành tật chứ không thành tài".
Năm 2008, lần đầu tiên Hà Nội T&T dự giải trẻ với 3 tay vợt thuộc lứa U11. Năm 2014, Hà Nội T&T vào giải trẻ với trên 40 tay vợt ở mọi lứa tuổi. Năm 2008, thành tích của đội là 1 HCB, 3 HCĐ, còn năm 2014 là 6 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ. Số VĐV và số huy chương hết sức ấn tượng nói trên là thành quả cho những năm miệt mài gây dựng uy tín cho "lò" Hà Nội T&T - đủ để nhiều gia đình ở tỉnh xa đồng ý gửi con theo nghiệp bóng bàn ở đất Hà thành. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư từ "công ty mẹ" bảo đảm cho CLB có thể phát triển ổn định dù không nhận được sự hỗ trợ nào khác từ Tổng cục TDTT hay Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Đã có lúc, người ta không khỏi chạnh lòng khi thấy "lò" đào tạo trẻ của ĐH TDTT Từ Sơn nhận được sự ưu ái về vật chất từ Tổng cục TDTT dù thành tích đạt được không đáng kể. Đến bây giờ, người ái mộ bóng bàn Hà Nội không nhắc đến chuyện này nữa, quan trọng là quả ngọt đã vào mùa nhờ sự vận động bài bản.
Hệ thống đào tạo trẻ của bóng bàn Hà Nội T&T đang đi đúng hướng. Cứ đà này, khoảng 4-5 năm nữa, lứa VĐV trẻ này có thể vươn tới đấu trường đỉnh cao một cách vững vàng là điều đang được kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.