Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôi mong muốn chữa lành “vết thương” chiến tranh

Thùy Vân| 10/05/2010 07:15

(HNM) -

Bác sĩ người Mỹ Carl Bartecchi đã viết những dòng này trong cuốn "Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh ở Việt Nam" xuất bản tại Mỹ. Tới Việt Nam năm 1965, nhiều năm sau, bác sĩ cựu chiến binh này đã nhiều lần trở lại nơi đây với mong muốn góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhân dịp ông tới Hà Nội vào đầu năm 2010, Carl cho biết:

Tôi đến Sóc Trăng vào năm 1965, công việc chính của chúng tôi là đưa những người bị thương, dù là lính Mỹ, lính của chính quyền Sài Gòn hay dân thường tới trạm cứu thương để cứu chữa. Nhưng cuối cùng, đấy lại không phải việc chính của tôi. Tôi đã đến nhiều ngôi làng ở Sóc Trăng, thấy người dân sống rất khổ sở, nhiều người già, trẻ em đau ốm và tôi đã quyết định giúp đỡ họ bằng cách khám chữa bệnh miễn phí. Bạn biết đấy, khi là một bác sĩ, bạn không được phép từ chối bất kỳ một bệnh nhân nào, ai cũng là con người, cũng cần hỗ trợ khi đau yếu.

- Thời điểm đó, cảm nhận của ông về chiến tranh như thế nào?

- Lúc đó, chúng tôi không biết nhiều về chính trị. Chúng tôi bị yêu cầu tới phục vụ chiến tranh ở Việt Nam để phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ như chính quyền của chúng tôi tuyên truyền. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Khi chúng tôi nhìn lại quá khứ, biết rằng đó là một sai lầm của chính quyền Mỹ.

- Trở về Mỹ sau chiến tranh, ông đã viết 2 cuốn sách "Sóc Trăng" và "Nhật ký một bác sĩ Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam", hai cuốn sách ấy đã đề cập những gì về cuộc chiến?

- Cuốn đầu tiên tôi viết dưới dạng mô tả lại mảnh đất Sóc Trăng, thiên nhiên, con người nơi tôi lần đầu tiên đặt chân đến, cuộc sống với những người dân làng ở đó. Cuốn sách thứ hai tôi viết sau khi đọc nhiều sách về Việt Nam, tham khảo nhiều tư liệu và bản thân tôi càng lớn tuổi, càng hiểu sâu hơn về bản chất của cuộc chiến. Cả hai cuốn sách, tôi đều muốn nói rằng chỉ một năm có mặt tại Việt Nam trong thời điểm đó, tôi đã hiểu thêm nhiều điều. Về khía cạnh con người, tôi biết thêm đất nước, con người Việt Nam - những người rất đáng kính trọng và thân thiện. Về khía cạnh chuyên môn, tôi trưởng thành hơn nhờ chữa trị cho nhiều bệnh nhân trong giai đoạn đó.

- Từ năm 1996 đến nay, ông đã trở lại Việt Nam nhiều lần để hợp tác với các bệnh viện của Việt Nam. Điều gì đã thôi thúc ông trở lại?

- Khi về Mỹ, tôi học chuyên khoa thần kinh và luôn nghĩ với kiến thức mình có, cần trở lại Việt Nam làm điều gì đó cùng các bạn. Nhưng phải đến năm 1996 cơ hội mới đến. Lúc đó tôi đang làm ở một trường y, một bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bạch Mai đến Mỹ làm việc với tôi và tôi nói là tôi muốn dạy các bác sĩ trẻ ở đó. Mong muốn của tôi đã được các đồng nghiệp Việt Nam chia sẻ. Vậy là tôi đã đưa các đồng nghiệp của tôi cùng đến Việt Nam giảng dạy và làm việc. Chúng tôi đang nỗ lực đưa các bác sĩ trẻ Việt Nam sang đào tạo chuyên sâu tại Mỹ. Bạn hỏi điều gì đã thôi thúc tôi trở lại nhiều thế ư? Đơn giản lắm, vì tới Việt Nam, tôi cảm thấy thân thiết như nhà của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôi mong muốn chữa lành “vết thương” chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.