(HNM) - Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1972) từng là cây bút của Tạp chí Văn nghệ quân đội, hiện là Phó Trưởng ban Chuyên đề Văn nghệ công an (Báo Công an nhân dân).
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng. |
- Là nhà văn từng khoác áo lính, hình như những trang viết của anh rất “thương” nhà văn - người lính. Những chuyện anh kể về Khuất Quang Thụy, Phan Đình Minh, Nam Hà… cứ tưng tửng, lắm khi khiến người đọc bật cười mà rồi hóa ra nước mắt…
- Tính đến nay, tôi có 23 năm phục vụ trong lực lượng vũ trang (LLVT), chính vì thế sáng tác của tôi đề cập nhiều mảng màu của người lính. Và tôi nghĩ mình còn mắc nợ người lính nhiều lắm, mình không những phải “thương”, quan tâm mà còn phải kính trọng và biết ơn họ. Những người lính ở đây không chỉ khu biệt trong quân đội, mà là những người lính trong LLVT. Trong những bút ký chân dung vừa kể, có nhà văn Phan Đình Minh là nhà văn công an đấy chứ và còn nữa, như Lương Sĩ Cầm, Hồng Thanh Quang... đều là người trong LLVT nhân dân, từ nhân dân mà ra.
- Xin anh giới thiệu đôi nét về ấn phẩm sắp ra mắt này với bạn đọc?
- Cuốn sách có tên “Những trang viết về người lính - Dưới cỏ là mìn”. Qua đây, chắc bạn đã đoán được phần nào nội dung của nó. Đối tượng tôi đề cập trong cuốn sách là những người lính, nhà văn, người thợ... trong LLVT. Tôi viết và mong bạn đọc chia sẻ những khó khăn, vất vả mà người lính đang âm thầm chịu đựng. Ở đó, có những người lính coi kho, rời nhà khi mới chỉ mười tám, đôi mươi, tóc dài, da trắng với biết bao mộng mơ tuổi trẻ. Nhưng khi vào bộ đội, hằng ngày, mỗi ngày từ 8 đến 10 tiếng, họ làm bạn với những thùng đạn, những khẩu súng... trong một cái kho giữa đại ngàn. Có những người con gái mới chớm tuổi 30 mà da đã nám, tóc rụng, chỉ còn lưa thưa. Và tôi đã khóc khi có bạn thổ lộ là đa số chị em đã “sạch” trước tuổi 35! Và còn, còn nhiều nhiều nữa những gương mặt, những số phận mà những ai chưa đến, chưa gặp thì không thể tưởng tượng ra là giữa thời bình, giữa thời kinh tế thị trường mà vẫn còn những người lính sống như giữa thời chiến vậy.
- Vâng, thật dễ hiểu vì sao anh lại ấp ủ mơ ước ra mắt tập ký chân dung này. Nói riêng về thể loại, gần đây có khá nhiều nhà văn, nhà báo giới thiệu những tập ký chân dung văn học như vậy. Xu thế này có đóng góp gì cho văn chương đương đại?
- Đúng là gần đây có khá nhiều tập sách như thế, nhưng thành công nhất có lẽ là cuốn: “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa. Tôi nghĩ mỗi thể loại đều có những thế mạnh riêng và đều đóng góp ít nhiều vào đời sống văn học hôm nay cũng như mai sau. Điều quan trọng là tác giả thể hiện nó như thế nào.
- Thấy rõ anh viết ký chân dung thường từ những chuyện đời thường, thậm chí có lúc tưởng chả liên quan gì đến văn chương cả, ấy vậy mà nó lại mang lại cảm giác thật gần gũi với nhà văn, nghề văn. Đấy là kỹ năng viết hay là cách viết của anh?
- Tôi được học và được đọc khá nhiều sách dạy về viết ký, ký chân dung, phóng sự... nhưng tình thật, nếu cứ thế mà viết thì sẽ lặp lại những người đi trước, vậy nên tôi chọn cho mình một cách thể hiện khác, đi vào những việc đời thường để nói lên những điều phi thường của nhân vật. Không biết cách viết đó có mới không nhưng tôi nghĩ là hơi khác với sách vở và một số người. Thỉnh thoảng, đi thỉnh giảng ở các khoa văn, khoa báo của các trường đại học, tôi nhận thấy khá nhiều học viên cũng có cùng suy nghĩ như mình, thế là tôi mừng lắm rồi!
- Ngoài tập ký chân dung này ra, anh còn ấp ủ một dự định sáng tác nào khác? Hình như lâu lâu chưa thấy anh ra mắt những tập sách mới?
- Hiện tôi đã viết xong một cuốn tiểu thuyết, cũng có vài NXB đăng ký in nhưng thú thật tôi chưa thấy ưng ý lắm, sẽ phải chỉnh sửa lại. Ngoài ra, về truyện ngắn thì cũng có thể in được một tập khoảng 300 trang. Hai năm qua, tôi không in sách mới nhưng truyện ngắn vẫn đăng rải rác trên các báo, tạp chí văn học - nghệ thuật.
- Xin cảm ơn và chúc anh có nhiều thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.