(HNM) - Mấy hôm nay, dư luận râm ran về một
Số là nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, Vinaphone tung ra một chiêu khuyến mãi "nhất cử lưỡng tiện", đó là gửi quà tặng tới các khách hàng thân thiết của mình. Gói quà tặng là một bản nhạc chờ (ringtunes) miễn phí một tháng, tương tự như trước đây MobiFone đã làm với gói quà funring. Nói là một việc hai điều lợi vì với gói quà này, Vinaphone vừa thắt chặt hơn mối quan hệ với khách hàng vừa khéo léo giới thiệu sản phẩm kinh doanh nhạc chờ của mình. Sau đợt kỷ niệm này, chắc chắn dịch vụ nhạc chờ sẽ được nhiều người biết đến hơn, số người sử dụng dịch vụ này sẽ tăng vọt. Đó là một sáng kiến trong thời buổi cạnh tranh này, mà trong ngành viễn thông, sự cạnh tranh bằng các chiêu "khuyến mãi", "hạ giá" hình như đã đến mức quá đà, tranh khách của nhau, mở rộng thị phần lấy được, khiến thu không bù được chi, rơi vào cảnh lãi giả lỗ thật.
Nhưng "sáng kiến" chưa thấy đâu, chỉ thấy việc tặng gói nhạc chờ nhanh chóng thành… "tối kiến", làm phiền lòng khách hàng, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Vinaphone.
Gõ vào mạng tìm kiếm Google, chỉ 0,22 giây, xuất hiện nửa triệu thông tin từ khắp nơi phàn nàn về việc làm này, chưa kể hàng trăm "phản hồi" nhẹ nhất cũng là trách móc Vinaphone của các khách hàng thân thiết.
Nguyên nhân trực tiếp khá đơn giản, đó là Vinaphone đã đánh đồng mọi khách hàng của mình, không hiểu rằng cùng dùng Vinaphone nhưng mỗi người có tính cách, địa vị xã hội, nhu cầu khác nhau khi sử dụng điện thoại di động. Nhạc chờ là đáng yêu, đôi khi là cần thiết với những người cùng sở thích, người yêu, người bạn muốn chia sẻ tâm tình, nhưng lại là tối kỵ với những người cần thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, sự đáng tin cậy chẳng hạn như các cán bộ cao cấp, các đối tác trong giao dịch… Nội dung nhạc chờ cũng vậy. Tâm hồn nào, văn hóa nào thậm chí giới tính, lứa tuổi nào thì chọn loại nhạc ấy. Thật khó hiểu khi liên lạc tới một số điện thoại của một đồng chí cán bộ cao cấp, một học giả lớn tuổi, một người phụ nữ có nhân thân rất đáng kính trọng, ta phải nghe một bản nhạc trẻ lời lẽ, giai điệu lăng nhăng, có khi là một bản nhạc "sến" rất lạc lõng. Mà trường hợp đó khá nhiều, làm phiền, kể cả khó chịu với khách hàng cả hai phía.
Dù chuyện gài nhạc chờ có thể qua đi, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó khiến ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về vấn đề cạnh tranh. Cạnh tranh là cần thiết nhưng không thể cạnh tranh bằng mọi giá, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của chính mình và của người khác. Không chỉ có dấu hiệu quá đà ở các công ty thông tin di động thuộc ngành bưu chính - viễn thông, người ta còn thấy dấu hiệu này ở khá nhiều ngành kinh tế, ngay ở những ngành kinh tế lớn do Nhà nước chi phối. Mặt khác, cạnh tranh cũng cần có văn hóa, không chỉ văn hóa cạnh tranh mà cả trình độ văn hóa chung. Nhạc chờ điện thoại di động, suy cho cùng cũng phải mang tính văn hóa. Khi bỏ qua yếu tố văn hóa các công ty thông tin di động chỉ còn lại sự cạnh tranh tìm kiếm lợi nhuận một cách thô thiển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.