(HNM) - Người xưa có câu
Đã sắp bước qua tuổi ngũ tuần, người đàn ông "một mắt, một tay" Lại Trí Thức vẫn rất nhanh nhẹn. Mỗi ngày ông bốc vác cả tấn xi măng từ kho lên xe ô tô, rồi chăm từng đàn lợn, đàn cá, trồng cây ăn quả, cây cảnh. Cơ ngơi hiện nay của gia đình ông là ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi tọa lạc trên mảnh đất gần 400m2; trang trại 8 sào, nuôi 20 con lợn nái, thả cá, trồng cây ăn quả; cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng xi măng, sắt, thép khá lớn ở địa phương. Ông Thức cho biết, để có được "quả ngọt" như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã phải nếm nhiều "trái đắng".
Ông Thức nhập ngũ năm 1967, cuối năm 1972 bị thương ở chiến trường Quảng Trị. Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông cùng vợ là bà Trịnh Thị Thu bắt đầu xây tổ ấm từ hai bàn tay trắng. Những ngày đó, cuộc sống của hai vợ chồng luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau bởi ông Thức đâu được lành lặn như người ta. Không nản chí, vợ chồng ông Thức bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ mảnh ruộng được cấp, nuôi lợn, thả cá. Chăn nuôi có hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng theo mô hình vườn, ao, chuồng. Ông xây chuồng nuôi lợn nái, rồi đào ao thả cá và trồng cây trái xung quanh. Trước nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, ông tận dụng diện tích nhà ở, quyết định mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, thép)… Kinh tế gia đình ngày càng khá giả, năm 2009, khi đã có của ăn, của để, ông cất được ngôi nhà 2 tầng.
Nói về bí quyết làm giàu, ông Thức cho hay, trước tiên không được trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác, sau đó phải cần cù, chăm chỉ làm việc và phải thật tiết kiệm, không chi tiêu lãng phí. Hồi đầu không có vốn, ông làm ăn nhỏ, lấy lãi đắp vào vốn. Nuôi lợn từ một con, lên hai con, ba con, rồi mới nuôi thành đàn. Thả cá từ ao nhỏ, mở rộng dần thành ao lớn. Những lúc làm ăn không thuận lợi, đàn lợn, vịt mắc dịch bệnh phải tiêu hủy, ông vẫn không nản chí. Ông trăn trở hằng đêm suy nghĩ rồi cất công đi học hỏi những người có kinh nghiệm và hiểu biết về chăn nuôi, cách phòng bệnh và chăm sóc lợn, vịt sao cho tốt nhất. Sau mỗi thất bại, ông lại tích lũy được kinh nghiệm quý để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.
Ngoài việc làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Thức còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn với những người khiếm thị khác cùng sinh hoạt trong Hội Người mù huyện Chương Mỹ. Không chỉ là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, ông còn chủ động quan tâm, thăm hỏi và tặng quà những người khiếm thị. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Người mù liên xã Hồng Phong, Trần Phú, Đồng Lạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.