Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tội ác không thể dung thứ!

Nữ Quỳnh| 03/05/2010 06:13

(HNM) - Có thể thấy, chưa bao giờ dư luận xã hội lại bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Liên tiếp trong một thời gian ngắn, số trẻ bị đánh đập, hành hạ xuất hiện trên mặt báo nhiều hơn bao giờ hết.

Dư luận đã nghe đến chuyện em Trâm ở Đồng Tháp, em Bình ở Hà Nội hay em Hảo ở Bình Phước… những vụ bạo hành đáng lên án nhưng xem ra cũng chưa thấm gì so với trường hợp của em Hào Anh vừa xảy ra ở Cà Mau, được xem như chỉ có thể diễn ra ở thời Trung cổ. Đáng nói là không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa, nơi dân trí còn lạc hậu, thiết chế của tổ chức xã hội bảo vệ trẻ còn yếu kém, mà ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn tồn tại vấn nạn đau lòng này. Chuyện gì đang xảy ra trước một hiện tượng xã hội bất thường? Không lẽ pháp luật bất lực? Xin không bàn về nguyên nhân mà chỉ đề cập đến vấn đề trách nhiệm xã hội của từng cá nhân cũng như các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội.

Phải khẳng định ngay rằng hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Thực tế pháp luật đã có quy định điều chỉnh đối với hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em, nhưng xem ra việc chưa thi hành nghiêm túc đang là lối mòn để vấn đề thêm nghiêm trọng. Điều 110, Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm. Chế tài ấy phải chăng là quá nhẹ nếu ta được nhìn thấy những vết đòn roi trên thân thể em Hào Anh? Nhìn rộng ra, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em dù đã được pháp luật can thiệp, song rõ ràng tính răn đe xem ra còn quá ít hiệu quả.

Với mỗi con người có lương tâm hẳn ai cũng sẽ thật đau lòng khi phải chứng kiến một đứa trẻ bị hành hạ bằng đòn roi, mà thực tế hằng ngày ra đường ta cũng dễ bắt gặp những đứa trẻ bị người lớn lạm dụng, bắt ép đi ăn mày, ăn xin, thậm chí cả trộm cắp. Những hành vi mang tính chất khủng bố tinh thần ấy lặp đi lặp lại khiến trẻ không những bị ảnh hưởng về thể xác mà tinh thần cũng tổn thương rất nặng, ám ảnh suốt đời. Hiện nay, pháp luật có quy định mức độ xử lý hành chính đối với trường hợp bắt trẻ em đi xin ăn, cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần. Luật thì quy định như thế nhưng trên thực tế có mấy trường hợp đánh đập trẻ em bị xử phạt? Hơn nữa, có phạt thì cũng nhẹ như tơ hồng nên tính răn đe quá hạn chế.

Một điều đáng nói nữa là hệ thống chính quyền cơ sở xem ra còn rất thiếu tinh thần trách nhiệm, lỏng lẻo quản lý. Hầu hết các vụ việc bạo hành được phanh phui gần đây đều do cơ quan báo chí vào cuộc sau một thời gian dài chính quyền địa phương làm ngơ hoặc vô cảm.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em, nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng xâm hại trẻ em. Rõ ràng việc lên án, trừng phạt những kẻ bạo hành trẻ em là việc cấp thiết nhưng vẫn chưa đủ. Vấn đề là các cơ quan hữu quan phải làm sao để không còn những trường hợp đau lòng như thế nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội ác không thể dung thứ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.