Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tốc độ lây lan của vi rút corona như thế nào?

Thu Trang| 08/02/2020 21:04

(HNMO) - Việt Nam đã ghi nhận 13 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra. Với ca bệnh thứ 13 là nữ, bệnh nhân trở về nước từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc trên chuyến bay ngày 17-1-2020. Tính từ thời điểm đó cho đến tối 7-2, khi Bộ Y tế công bố kết quả bệnh nhân này dương tính với nCoV là hơn 20 ngày. Như vậy, thời gian cách ly bệnh nhân nghi mắc nCoV trong 14 ngày có bảo đảm bệnh không lây lan?

Bệnh nhân nhiễm nCoV đang được chăm sóc điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Một người nhiễm nCoV có thể lây cho 2,2 người

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người nhiễm nCoV có thể lây cho 2,2 người, trong khi một ca sởi có thể lây cho từ 12-18 người. Hiện nay, báo cáo hằng ngày về số ca bệnh tại Trung Quốc chỉ là phần nổi của tảng băng và nhiều người có thể mắc bệnh mà không có biểu hiện bệnh.

Người nhiễm nCoV có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng, như: Viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Do đó, WHO đưa ra khuyến cáo, cần chú trọng ngăn lây qua tiếp xúc, giọt bắn của người bệnh. Nên đứng cách xa nguồn lây từ 1 đến 2 mét để tránh nguy cơ nhiễm và chú ý che miệng khi ho, hắt hơi.

“Khi đeo khẩu trang, chúng ta phòng bệnh cho người khác nếu có biểu hiện bệnh và nếu giữ khoảng cách 1-2 mét, thì nguy cơ sẽ giảm xuống. Rửa tay sạch là biện pháp kinh điển nhưng hiệu quả cao”, WHO nhấn mạnh.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, kể từ khi xâm nhập, nCoV tồn tại trong cơ thể khoảng 3-4 tuần. Ở môi trường bên ngoài, nCoV rất dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao, nhưng nếu trong môi trường lạnh, ẩm và bề mặt kim loại, nCoV có thể tồn tại 1-3 ngày. Ở miền Nam đang có nắng ấm, có thể khống chế sự lây lan và tiêu diệt sự phát tán của vi rút. Trong khi đó, ở miền Bắc thời tiết đang lạnh, độ ẩm cao, do đó, việc cách ly các ca nhiễm và nghi nhiễm cần được tăng cường hơn.

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng, thời gian ủ bệnh khi nhiễm nCoV là từ 3 đến 7 ngày, tối đa là 14 ngày. Tức là khi bị vi rút xâm nhập, tối đa 14 ngày (trung bình khoảng 11 ngày), người mắc sẽ phát bệnh. Người nhiễm có thể có biểu hiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng hoặc nhẹ hơn là nghẹt mũi, chảy nước mũi... Có một số trường hợp bị tiêu chảy hoặc suy thận. Thậm chí, khi vi rút ồ ạt tấn công sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan phủ tạng, gây sốc nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch, bội nhiễm đường hô hấp, viêm phổi.

Siết chặt hơn nữa việc cách ly

Đề cập đến ca bệnh thứ 13 tại Việt Nam, tính từ thời điểm người này từ Vũ Hán về nước cho đến khi có kết quả dương tính với nCoV là hơn 20 ngày. Như vậy, thời gian cách ly bệnh nhân nghi mắc nCoV trong 14 ngày có bảo đảm bệnh không lây lan?

Về vấn đề này, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, mặc dù có ca bệnh được xét nghiệm dương tính lâu hơn 14 ngày kể từ khi có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có thể đó là ca bệnh nhẹ với triệu chứng không rõ ràng, chưa có kết quả xét nghiệm trong vòng 14 ngày, chứ không phải là khi đó họ chưa nhiễm bệnh. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã siết chặt hơn tiêu chuẩn với người cần được cách ly để khoanh vùng, cô lập các trường hợp nhiễm vi rút và nghi nhiễm hiệu quả hơn.

Bệnh viện Thanh Nhàn tổ chức khu khám riêng sàng lọc bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp.

Còn theo WHO, thời gian ủ bệnh là thời gian từ khi bị nhiễm vi rút đến khi khởi phát các triệu chứng lâm sàng. Hiện tại, ước tính thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 11 ngày và các ước tính này sẽ được điều chỉnh khi có thêm dữ liệu. Dựa trên thông tin của các vi rút corona cùng họ như MERS-CoV và SARS, thời gian ủ bệnh của nCoV có thể lên tới 14 ngày.

Biết được thời gian từ khi bệnh nhân bị nhiễm đến khi có thể lây truyền vi rút sang người khác là rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Theo các báo cáo gần đây, những người nhiễm nCoV có thể gây lây nhiễm trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu hiện có, phần lớn vi rút lây lan từ những người đang có triệu chứng.

Theo TS Trần Như Dương, hướng dẫn mới về cách ly tại nhà và nơi cư trú của Bộ Y tế đã siết chặt hơn quy định về cách ly tại cộng đồng. Trước đây, chúng ta mới chỉ cách ly với người tiếp xúc gần với ca bệnh. Thế nhưng, quy định mới đã nêu rõ, người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ cũng được cách ly tại nhà.

Cụ thể, đối tượng được cách ly là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây: Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú, cùng làm việc, cùng đi du lịch, ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên máy bay, tàu hỏa, chuyến xe, có tiếp xúc gần 2 mét… với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh. 

TS Trần Như Dương lưu ý, tự cách ly tại nhà (nơi lưu trú) tốt nhất là cách ly ở một phòng riêng. Nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly; hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; hằng ngày thông báo cho cán bộ y tế 2 lần (sáng, chiều) về nhiệt độ và sức khỏe của bản thân.

Theo TS Trần Như Dương, hiện tại Việt Nam cũng như các nước vẫn áp dụng quy định thời gian cách ly tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.

UBND xã, phường, thị trấn và cộng đồng nơi có người được cách ly tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ gia đình và người được cách ly trong suốt thời gian theo dõi. UBND xã trực tiếp chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế, nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tốc độ lây lan của vi rút corona như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.