(HNMO) - 8h30 sáng nay, Báo Hànộimới tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại thông tin”. Ngay từ bây giờ bạn đọc có thể gửi câu hỏi tham gia tọa đàm.
11:41 11/06/2015
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội kết luận toạ đàm:
Qua các ý kiến tại tọa đàm, từ cách nhìn nhận thẳng thắn đó, chúng ta cần có trách nhiệm hơn, trước hết đối với các cơ quan lãnh đạo báo chí phải rà soát, quản lý điều hành hệ thống báo chí tốt hơn. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay đã có nhiều quy định không còn hợp với thực tế và phải sửa. Bên cạnh đó, các sở, ngành phải có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho báo chí. Và báo chí phải cân nhắc đưa thông tin có lợi cho nhà nước, xã hội.
Các cơ quan báo chí phải tăng cường trách nhiệm để đảm bảo báo là báo chí như một “cơ thể thống nhất”, đảm bảo tính chính xác, tin cậy. Khi đưa thông tin đến độc giả phải đảm bảo tính chính thống.
Muốn làm được, nhà báo phải có những phẩm chất tốt, dám dấn thân, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, của nhà nước để đảm bảo mỗi thông tin chúng ta đưa ra là phục vụ lợi ích của Đảng, của chính quyền, cao hơn nữa là phục vụ lợi ích của người dân.
Về vấn đề phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí với các nhà báo, thời gian qua Thành uỷ Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo TP hết sức quan tâm. Thành uỷ Hà Nội đã ban hành chỉ thị về cung cấp thông tin và trả lời báo chí. Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành quy chế phát ngôn báo chí... Như vậy, chúng ta đã có một hệ thống các quy định để bảo đảm cho việc báo chí được tiếp cận thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, kịp thời nhất.
Trên tinh thần các ý kiến phát biểu sâu sắc, tôi xin được nhấn mạnh lại một số nội dung:
Trong bối cảnh đất nước và Thủ đô hội nhập ngày càng sâu rộng, thời đại thông tin và các trang mạng xã hội, thông tin trên mạng phát triển như vũ bão, trong một chừng mực nào đó không kiểm soát được, trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí đang đạt ra hết sức gay gắt, nóng bỏng. Chưa bao giờ công chúng, báo chí, xã hội, đất nước đòi hỏi nhà báo thực hiện trách nhiệm xã hội ở mức như hiện nay khi đang đối mặt với khó khăn, thách thức lớn.
Nhiều ý kiến tại Toạ đàm đã thẳng thắn chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế khi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội trên báo chí. Đó là một số cơ quan báo chí thiếu nhạy cảm, thiếu tầm nhìn bao quát, thiếu chiều sâu tư tưởng cho nên chưa làm thật tốt chức năng tư tưởng, văn hoá của báo chí, có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời sự lãnh đạo chỉ đạo của cơ quan lãnh đạo. Trên một số tờ báo có thông tin thiếu trung thực, chính xác, phản ảnh một chiều, không cơ lợi có lợi ích dân tộc... Một số tờ báo có khuynh hướng thương mại hoá, án phẩm phụ chạy theo thị hiếu tầm thường , có thông tin sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho thế lực xấu lợi dụng khai thác, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước, công tác đấu tranh, phản bác trên hệ thống báo chí chưa thật kịp thời, sâu sắc... Một số nhà báo lợi dụng quyền của mình để bẻ cong ngòi bút, phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích riêng, hết sức nguy hại. Một số trang mạng khai khác thông tin tràn lan, thiếu kiểm chứng, thiếu tính định hướng, không phân biệt rõ ràng quyền báo chí , từ đó xâm phạm đời tư, nhân phẩn con người.
Bác Hồ có dạy các nhà báo: Chúng ta viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào, viết để làm gì? Mỗi nhà báo khi cầm bút viết nghĩ được những điều trên là nâng cao được TNXH. Tọa đàm này tiếp tục mở ra cho những suy nghĩ mới về TNXH của báo chí trong thời đại thông tin ngày nay. Đây là tọa đàm bổ ích, các cuộc tọa đàm về nghề, về TNXH báo chí sẽ còn tiếp tục. Tôi xin chúc mừng 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
11:18 11/06/2015
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội kết luận toạ đàm:
Sau gần 3 giờ làm việc với tinh thần khẩn trương, sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn, tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Tọa đàm đã có 17 ý kiến trao đổi, với tinh thần làm việc khẩn trương. Các ý kiến phát biểu tập trung làm rõ 4 vấn đề cơ bản.
Trách nhiệm xã hội của báo chí gồm những nội dung gì? Tra mạng có đến 1,5 triệu định nghĩa về TNXH. TNXH trước hết là đảm bảo quyền thông tin, đưa thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, khoa học, trung thực. Có ý kiến phát biểu rất sâu sắc tại tọa đàm là phải đưa thông tin khôn ngoan. Có tư duy đúng, quan điểm đúng mới có thông tin đúng.
Chúng ta cũng đánh giá những mặt tích cực, kết quả to lớn của báo chí Thủ đô và cả nước trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Nếu chúng ta không thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì không thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng Việt Nam thời gian qua.
Những vấn đề trao đổi hôm nay nổi lên ý lớn là nói gì, viết gì, đưa thông tin gì thì quan trọng nhất, cốt tử nhất, tối thượng nhất là phục vụ ai. Dù chúng ta có dùng kỹ năng điêu luyện như thế nào nhưng không phục vụ lợi ích dân tộc, cộng đồng, người dân thì báo chí chúng ta đi sai đường. Một khi báo chí đi sai đường thì nguy hại không lường trước được.
Trong báo chí đương nhiên phải có tính văn học nhưng tính nhân văn cũng rất quan trọng. Vì thế cần tăng cường nâng cao trình độ, nghề nghiệp, trong đó nâng cao tính văn trong báo chí để tác phẩm báo chí đi vào lòng người hơn, hiệu quả hơn.
11:17 11/06/2015
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ - phát biểu kết luận toạ đàm |
11:16 11/06/2015
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Hà Nội:
Tiếp theo phải làm gì dể các cơ quan báo chí làm tốt trách nhiệm xã hội của báo chí, Sở TT-TT đang thực hiện tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan phát ngôn, để đảm bảo thông tin nhanh nhạy đến người dân. Chúng tôi đang đề nghị với thành phố thành lập tổ công tác tư vấn truyền thông, để tổ chức tập huấn kỹ năng cho các cán bộ phát ngôn, trả lời điện thoại, viết thông cáo báo chí… Tập huấn giao lưu trực tuyến ví dụ: Dân hỏi các đồng trí giám đốc các Sở trả lời. Qua đây cũng giúp báo chí có thông tin trọng tâm để tuyên truyền.
Chúng tôi cũng đồng tình với chủ trương quy hoạch báo chí để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đề nghị xin cơ chế “đặt hàng”. Ngoài ra, Sở cũng đã tính đến việc đề nghị lên thành phố đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí. Chúng tôi cũng sẽ tích cực công tác thanh kiểm tra các trang các nhân, blog, mạng xã hội….trong thời gian tới.
11:11 11/06/2015
11:02 11/06/2015
Bà Phan Lan Tú-Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội - trao đổi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với báo chí:
Chúng tôi có trách nhiệm tạo cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Có thể nói, thời gian vừa qua, nhìn chung cơ quan quản lý nhà nước phối hợp thông tin báo chí chưa kịp thời, còn né tránh báo chí. Việc định kỳ cung cấp thông tin cho báo chưa đảm bảo, những vấn đề búc xúc chưa được chủ động cung cấp cho báo chí. Bên cạnh đó, chúng tôi còn trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin những vấn đề chính của Thành phố. Vì thế, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị cung cấp thông tin.
Trách nhiệm của Sở là theo dõi quá trình hoạt động của cơ quan báo chí Hà Nội, hỗ trợ cơ quan báo chí trên địa bàn phát triển. Nguồn thu của báo chí thời gian qua sụt giảm đáng kể. Vì thế, chúng tôi đã phối hợp cơ quan chức năng đề xuất cơ chế để cơ quan báo chí phát huy vai trò của mình như hỗ trợ phát hành, đầu tư cơ sở vật chất…
Việc thanh kiểm tra thực hiện đúng theo quy định pháp luật rất quan trọng. Về thanh kiểm tra hệ thống thông tin điện tử gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Tôi xin nói lại trang thông tin điện tử không phải là cơ quan báo chí. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 80.000 tên miền. Trước mắt, cơ quan chức năng chỉ quản lý được các trang thông tin điện tử tổng hợp. Sau khi xác minh các trang này thông tin sai sự thật sẽ yêu cầu tháo gỡ, bóc dỡ và xử phạt. Trong 4 năm qua đã xử phạt hơn 1 tỷ đồng với tổng số hơn 1000 cuộc thanh tra, góp phần chấn chỉnh hệ thống thông tin điện tử lành mạnh, văn minh hơn.
Bà Phan Lan Tú, GĐ Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội - phát biểu ý kiến |
11:02 11/06/2015
Nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo TP Hà Nội:
Quy định về đạo đức và Luật Báo chí đủ chỗ cho chúng ta hành nghề khi chúng ta thực thi nhiệm vu của mình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bài viết thiếu trách nhiệm với cá nhân, với xã hội. Để hạn chế được việc này, các cơ quan thông tin báo chí phải có quy ước chặt chẽ về nghề nghiệp. Quy trình kiểm duyệt nếu làm tốt, làm kỹ sẽ phân được trách nhiệm ở từng khâu. Quy trình chúng ta thực hiện càng chặt chẽ bao nhiêu, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cơ quan báo chí với tác phẩm mình cho ra lò.
Là bạn đọc, tôi hay xem trên mạng, có mục những bài báo đọc hay nhất lại là những cái "vớ vẩn". Vậy thì chất lượng, trách nhiệm của tờ báo ấy với cộng đồng xã hội ra sao. Trong một tờ báo có nhiều mục, chúng ta nên phân định từng mục ra, lựa chọn đối tượng đọc ở từng mục. Mục nào có đối tượng đọc nhiều nhất. Những mục giải trí tầm phào suy cho cùng thiếu trách nhiệm đối với bạn đọc.
Các cơ quan Hội nhà báo TP Hà Nội cũng có nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm và nhận thấy luật báo chí hiện nay mới là tạm đủ cho chúng ta hành nghề, nhưng cũng có một số điều quan trọng phải sửa đổi. Báo chí phải luôn coi trọng tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Cũng có thể trong khi thực hiện, vì một số lợi ích các nhân cũng có những nhà báo vi phạm. Nhưng đó cũng chỉ là những cá nhân đơn lẻ, còn đa phần nhà báo chúng ta luôn ý thức được trách nhiệm viết cho ai và viết vì cái gì và đều vì một nền báo chí phát triển.
11:00 11/06/2015
Nhà báo Viêm Hoàng - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội - phát biểu trao đổi |
10:56 11/06/2015
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông:
Tôi đặt lại một vấn đề trong hội thảo này. Chúng ta nói đến trách nhiệm của báo chí, tôi muốn lật lại trách nhiệm của xã hội với báo chí như thế nào? Nguồn thông tin báo chí rất quan tâm là thông tin của cơ quan nhà nước. Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí nhưng nhiều nơi xảy ra sai sót mới cung cấp. Cơ quan hành chính làm việc chưa chuẩn. Nhiều sở hôm nay đã nói đến cung cấp thông tin báo chí. Chúng ta phải chọn lựa cách thông tin cho đúng. Hồi diễn ra cúm H5N1, ngành y tế đưa ra tờ rơi rất dài không phù hợp, với tên các dòng cúm bằng tiếng Anh. Trong khi chỉ cần nói ngắn gọn với nông dân là con cúm chết ở 70 độ, bị diệt bởi xà phòng. Hay như hồi phát động đội mũ bảo hiểm, một số cơ quan báo chí không ủng hộ cho rằng người dân phải đội nồi cơm điện, đến cơ quan không biết để ở đâu… làm Chính phủ phải dừng mất một năm.
Với người dân cần cung cấp thông tin đúng, kể cả thông tin cá nhân trên blog vì đó là đầu mối thông tin cho các nhà báo. Người dân cũng là người góp ý cho báo chí các thông tin không đúng tuần phong mỹ tục. Chính người dân góp ý với thông tin của chúng ta về chương trình truyền hình này, bài báo kia.
Việc đưa tin cũng cần nhân văn. Chẳng hạn, vụ đắm tàu ở Quảng Ninh trước đây, báo chí đưa thông tin chi tiết về xác chết có kèm cả hình ảnh. Cách đưa như vậy không ổn, chúng ta nên đưa lên tin là sao cho nhân văn, đừng xúc phạm đến nạn nhân.
10:52 11/06/2015
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông - phát biểu trao đổi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.