(HNMO) - Hôm nay (31/10), Báo Hànộimới tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt”.
17:01 31/10/2016
Phát biểu kết thúc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới chia sẻ:
Sau gần 3 giờ đồng hồ tiến hành trao đổi trực tuyến với chủ đề "Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt", cuộc tọa đàm của chúng ta đã diễn ra hết sức sôi động và hiệu quả. Các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội cùng các sở, ngành, các hiệp hội, các khách mời trao đổi và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp làm rõ 3 vấn đề lớn: Đánh giá những kết quả đã đạt được; làm rõ những hạn chế, khó khăn và bất cập qua 7 năm thực hiện Cuộc vận động; từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục và định hướng cho thời gian tới.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long phát biểu kết thúc buổi tọa đàm. |
Cuộc tọa đàm trực tuyến hôm nay tuy chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ nhưng đã thu hút hơn 70.000 lượt bạn đọc theo dõi và gần 100 câu hỏi gửi về, điều này chứng tỏ người dân Thủ đô rất quan tâm đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, rất quan tâm đến hàng hóa trong nước.
Trong thời gian có hạn, hàng chục câu hỏi của bạn đọc đã được các cấp, ngành giải đáp, trao đổi một cách thẳng thắn, giúp người dân Thủ đô và đông đảo bạn đọc quan tâm, theo dõi cuộc tọa đàm hiểu sâu sắc hơn về Cuộc vận động: Từ kết quả đến những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là sự phối kết hợp giữa Ban chỉ đạo với các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp, người dân; đặc biệt là tầm quan trọng của công tác đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động để tạo sức lan tỏa rộng lớn trong dân cư; những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững được thị trường cho hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập...
Từ thành công của cuộc tọa đàm hôm nay, chúng ta tin tưởng và hi vọng, những hiệu ứng tích cực sẽ tiếp tục lan tỏa, tiếp thêm tình yêu hàng Việt, để mỗi người dân Thủ đô cùng chung sức, ủng hộ hàng Việt Nam; cổ vũ các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, nâng tầm ý nghĩa của Cuộc vận động hướng tới mục tiêu “Tự hào khi dùng hàng Việt” của mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Thay mặt Báo Hànộimới, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu đại diện cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội, các cơ quan quản lý và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp của Thành phố, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội đã tới dự đông đủ, góp phần vào sự thành công của buổi tọa đàm hôm nay.
16:42 31/10/2016
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm:16:40 31/10/2016
Cuộc tọa đàm đã trôi qua được gần 3 tiếng đồng hồ và lượng câu hỏi của bạn đọc gửi về vẫn còn rất nhiều. Tuy nhiên, vì thời lượng không cho phép nên những câu hỏi nào chưa giải đáp được trực tiếp hôm nay sẽ được Báo Hànộimới tiếp tục tổng hợp, chuyển đến các khách mời để trả lời sau. Một tín hiệu vui là trung bình mỗi ngày, trang điện tử báo Hànộimới có hơn nửa triệu lượt truy cập và trong quá trình cuộc tọa đàm này được tường thuật trực tuyến, đã có hơn 70.000 lượt bạn đọc theo dõi, bình luận và gửi câu hỏi, điều này chứng tỏ người dân Thủ đô rất quan tâm đến cuộc vận động này, rất quan tâm đến hàng Việt Nam.
Khép lại phần trả lời trực tuyến là câu hỏi của độc giả Phương Liên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gửi đại diện Sở Công Thương Hà Nội: Xin Sở cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ có bao nhiêu phiên chợ hàng Việt? Có bao nhiêu đợt bán hàng Việt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất? Trong số này, hoạt động nào có quy mô lớn và nổi bật nhất?
Bà Trần Thị Phương Lan-Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Một trong những hoạt động của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là đề án phát triển thị trường trong nước gắn với người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sở đã tham mưu giúp UBND TP tổ chức Tuần hàng Việt, Phiên chợ Việt, đưa những chuyến hàng Việt phục vụ nhân dân dịp lễ, Tết. 10 tháng năm 2016, Sở đã tổ chức 3 Tuần hàng Việt, 280 chuyến hàng lưu động về vùng nông thôn và khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ nay đến cuối năm, Sở xác định sẽ có hơn 500 chuyến hàng lưu động, chủ lực là Hapro về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất... Sở cũng phối hợp Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ hàng Việt tại khu công nghiệp cho công nhân vào tối 4/11. Về chương trình phục vụ Tết nguyên đán, Sở sẽ tổ chức bán hàng phục vụ người dân ngoại thành; phục vụ công nhân giỏ quà Tết với những mặt hàng thiết yếu trước khi Tết đến.
16:29 31/10/2016
Câu hỏi: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế, DN VN phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ vốn, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực… để cạnh tranh sản xuất sản phẩm cùng loại có chất lượng tương đồng. Vậy Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển như thế nào để đối mặt với những thách thức hội nhập? (Nguyễn Ngọc Anh, Kim Mã, HN).
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Khóa Việt Tiệp trả lời: Để chuẩn bị hội nhập, Công ty Khóa Việt Tiệp đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi đã tập trung đầu tư khoa học công nghệ để thay đổi mẫu mã sản phẩm, không chỉ tốt, bền mà còn phải đẹp. Đương nhiên để hội nhập được cần rất nhiều yếu tố như vốn, tài chính, khoa học công nghệ. Mỗi năm chúng tôi đầu tư từ 35-40 tỷ đồng để giảm tiêu hao năng lượng, ổn định năng suất, đảm bảo dung sai trong sản xuất là rất tốt.
Chúng tôi chuẩn bị khá tốt về vốn, hệ thống phân phối khắp 63 tỉnh thành, ngoài ra chúng tôi cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất. Công ty có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho người lao động lành nghề, có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Chính vì vậy, vừa qua chúng tôi được trao giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”, đây là phần thưởng xứng đáng của chúng tôi. Thị trường chúng tôi cũng đang dần dần phát triển. Chúng tôi tự tin so với những doanh nghiệp khác, trong vòng 5 năm gần đây, các sản phẩm của Việt Tiệp không hề tăng giá, trong khi chi phí khác tăng lên rất nhiều. Công ty khoá Việt Tiệp quyết tâm, quyết liệt để làm mới mình để giữ vững vị trí của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
16:20 31/10/2016
Hỏi: Để có thể tiếp thêm tình yêu của người Việt với hàng Việt, một điều quan trọng là sản phẩm, dịch vụ phải đảm bảo được chất lượng và cân bằng so với hàng ngoại nhập. Vậy người tiêu dùng mong muốn gì nhất từ Cuộc vận động này?
- Ông Phạm Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng TP Hà Nội:
Nói về mong muốn thì nhiều, nhưng tôi cho rằng, mong muốn lớn nhất của người tiêu dùng đó là cuộc vận động này ngày càng phát triển và thành công.
Đây là cuộc vận động sẽ giúp phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Trước đây chúng tôi từng nói rằng qua CVĐ này giải quyết được vấn đề cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nhưng về phía người tiêu dùng, nó giải quyết được vấn đề chất lượng. Từ cuộc vận động này, cần có sự thay đổi lớn về chất lượng sản phẩm của DN thì mới có thể gọi là thành công.
Về sự chỉ đạo của các cấp, ngành, chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp cận người tiêu dùng. Phải tiếp cận người tiêu dùng mới biết được người tiêu dùng cần gì, thích gì. Từ đó, đặt ra yêu cầu đối với người sản xuất. Ngoài ra, còn vấn đề giá cả nữa. DN chúng ta phải nói là đang vật lộn trên thị trường, bởi phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ nước ngoài. Giá cả là một bài toán lớn, nhưng người tiêu dùng thật sự mong muốn được sử dụng sản phẩm giá cả hợp lý.
Hiện nay, chúng ta đang phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Khi phát hiện hàng hóa Trung Quốc chứa hóa chất, nhiều người tiêu dùng mong muốn sử dụng hàng hóa Việt Nam an toàn. Khi có thương hiệu, hoặc nhóm thương hiệu tập thể đảm bảo chất lượng như chè đạt tiêu chuẩn VietGap, gà đồi Ba Vì,... người tiêu dùng rất an tâm sử dụng sản phẩm.
Bên cạnh đó, lâu nay chúng ta khen thưởng, bình chọn đều tập trung vào DN. Nhưng sắp tới, cần phát hiện, xây dựng điển hình những tập thể, cá nhân dùng hàng Việt Nam nhiều.
16:12 31/10/2016
Độc giả Trung Hiếu (Trường Chinh, Hà Nội) hỏi doanh nghiệp: Trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng Việt, các doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị gì với các cấp có thẩm quyền?
Bà Dương Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Alcado khẳng định: "Chúng ta nên tổ chức nhiều buổi tọa đàm và quảng bá hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ... nhằm tăng hiệu ứng truyền thông và tạo nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp".
16:11 31/10/2016
Hỏi: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đại gia bán lẻ nước ngoài, DN của ông/bà đã xây dựng chiến lược phát triển như thế nào để đưa hoạt động bán lẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ? Điều gì là cốt lõi tạo sự khác biệt để mang lại lợi thế cạnh tranh cho nhà bán lẻ?
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông trả lời:
Hệ thống siêu thị Co.op Mart cả nước được người tiêu dùng bình chọn khá có uy tín. Với hệ thống tại Hà Đông, hàng Việt Nam chiếm 95% hàng hóa trong siêu thị và chiếm doanh số khá lớn, được người tiêu dùng bình chọn mạnh mẽ. Chúng tôi luôn ưu tiên hàng Việt cả về hình ảnh và nơi trưng bày. Tôi mong rằng, các DN luôn đồng hành cùng hệ thống siêu thị Co.op Mart để phát triển mạnh mẽ hơn nữa hàng Việt.
16:11 31/10/2016
Độc giả Nguyễn Nhung (Văn Quán, HN) hỏi đại diện siêu thị Big C: Trước đây khi Big C hay Metro trong tay người Pháp, Đức, doanh nghiệp Việt không quá lo lắng trước việc hàng hóa của những nước này tràn ngập thị trường bởi khoảng cách địa lý khá xa, cơ cấu hàng hóa ở phân khúc cao cấp hơn so với hàng Việt. Nhưng nay, hệ thống phân phối của Big C đã thuộc về tập đoàn Centre Group (Thái Lan), các doanh nghiệp Việt lo ngại khả năng cạnh tranh của hàng Thái sẽ cao hơn do chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Vậy xin cho biết, cơ hội của hàng Việt Nam tại siêu thị Big C có còn được như trước kia? Xin cho biết tỷ lệ hàng Việt hiện chiếm bao nhiêu % tại hệ thống siêu thị Big C?
Ông Nguyễn Thái Dũng-Phó TGĐ Siêu thị Big C Thăng Long: Trong gần 20 năm hoạt động, Big C vẫn thực hiện tôn chỉ đồng hành cùng nhà sản xuất Việt Nam, phục vụ việc mua sắm của khách hàng Việt Nam. Centre Group của Thái Lan tiếp nhận hệ thống Big C tại Việt Nam từ năm 2016. Với chính sách của tập đoàn này là duy trì hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà sản xuất Việt Nam, phân phối hàng Việt Nam, hiện tỷ lệ hàng Việt ở Big C không thay đổi kể từ khi Centre Group quản lý ở Việt Nam. Big C vẫn duy trì đồng hành hỗ trợ sản xuất hàng Việt Nam, bán hàng Việt Nam.
16:07 31/10/2016
Câu hỏi: Xin hỏi các DN, hiệp hội, chúng ta phải làm gì để bảo vệ chính chúng ta, bảo vệ sản phẩm, trí tuệ của doanh nghiệp?
Ông Triệu Quang Thìn, Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố: Thời gian vừa qua, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của CVĐ “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Đối tượng quan trọng nhất là người tiêu dùng và doanh nghiệp. Làm sao để người tiêu dùng dùng hàng Việt, và làm thế nào để sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Về cơ bản hàng Việt Nam hiện đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt, chỉ có một số mặt hàng phải nhập khẩu. Ví dụ: Tại các siêu thị, nhóm hàng của Thái Lan, Trung Quốc có nhiều, nhưng giờ đây đã giảm rất nhiều. Điều đó cho thấy DN Việt Nam đã tạm đáp ứng được. Nhưng làm thế nào để hàng Việt tạo được sức hút thì các DN phải cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hoá… để phù hợp với tiến độ khoa học kỹ thuật, phải xây dựng thương hiệu. Thời gian qua, chúng tôi đã giúp một số doanh nghiệp, làng nghề, đăng ký thương hiệu… để bảo đảm uy tín của doanh nghiệp; ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ được môi trường kinh doanh trong sạch… Thương hiệu chính là thể hiện mức độ, uy tín của doanh nghiệp chúng ta, vì vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu…
15:58 31/10/2016
- Bạn đọc Lê Thanh Hà (Thanh Xuân) gửi câu hỏi cho đại diện Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội: Thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa từ khắp nơi đổ về Hà Nội thường tăng mạnh. Tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp. Với vai trò tham mưu cho UBND TP trong công tác bình ổn và giữ vững thị trường, không để hàng giả hoành hành, Chi cục quản lí thị trường TP sẽ làm gì để giữ ổn định thị trường cuối năm?
- Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội trả lời:
Hiện nay, nhu cầu và bản chất của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Hệ thống bán hàng online phát triển rất mạnh mẽ. Bây giờ, người tiêu dùng thật sự là những người thông thái, khiến những kẻ bán hàng giả rất khó tiêu thụ sản phẩm.
Về phía nhà quản lý, chúng tôi luôn giám sát chặt chẽ việc tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu cho Tết như rượu, bia, thực phẩm, bánh kẹo...Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ có chế tài xử phạt ngay.
Bên cạnh đó, để có chỗ đứng trên thị trường, bản thân các doanh nghiệp phải tập trung phát triển mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng phải quan tâm tới công tác chống hàng giả, hàng nhái bởi nó liên quan tới sự sống còn của doanh nghiệp. Tại Hoài Đức, có những làng nghề rất lớn và tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định. Việc làm giả sản phẩm các đơn vị trong nước một cách tràn lan là khó, vì bản thân các doanh nghiệp bị làm giả sẽ phát hiện ra ngay và báo cáo các đơn vị quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.