(HNM) - Tết này thêm một lần nữa các giảng viên, sinh viên Trường Đại học (ĐH) Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết 2017” nhằm khơi gợi tình yêu văn hóa dân tộc cho trẻ em và giúp các em tìm hiểu về Tết truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Trẻ em tham gia chương trình “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết 2017”. |
Gần đây, cùng với xu hướng chấn hưng văn hóa truyền thống, tranh dân gian và tranh Tết dần trở lại, tuy không phải là thú chơi phổ biến nhưng được nghệ sĩ đương đại đưa vào đời sống với cách thức khác nhau. Dự án “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết” với tâm huyết của những người thực hiện đặt hết vào các em nhỏ, đang thu hút, tạo hứng thú cho thế hệ trẻ với văn hóa dân gian.
PGS.TS Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, người khởi xướng dự án này cho biết: “Không chỉ để nhìn ngắm, chúng tôi muốn nơi đây là một không gian học tập, sáng tạo thực sự cho các em nhỏ và phụ huynh. Các bé và mọi người sẽ được trải nghiệm cảm giác in một bức tranh kỳ công thế nào, tô màu khó ra sao và vẽ những bức tranh đẹp lấy cảm hứng từ tranh dân gian cần “bay bổng” đến đâu. Nhưng mọi việc sẽ dễ dàng hơn vì các họa sĩ và giảng viên chuyên nghiệp tận tình hướng dẫn, đồng thời giảng giải về ý nghĩa mỗi bức tranh nhằm mang lại cảm thụ tốt hơn”.
Khác với năm đầu tiên sự kiện chỉ được tổ chức tập trung một ngày, năm nay “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết” được đặt ở không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong khuôn khổ “Hội chữ Xuân Đinh Dậu”, kéo dài từ ngày 21-1 đến 11-2. Thế là cùng với lịch du xuân của gia đình đến địa điểm ý nghĩa này để xin chữ ông đồ thì người yêu mỹ thuật, nhất là các bé thêm cơ hội trải nghiệm từ tranh truyền thống. “Nếu những con chữ gửi gắm ước vọng về một năm mới tốt đẹp thì tranh vẽ là cụ thể hóa những ước vọng đó bằng hình ảnh”, họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ.
Những ngày đầu mở không gian này là vào giáp Tết, tuy không đông đảo, nhộn nhịp như năm trước nhưng cũng nhiều em nhỏ được phụ huynh đưa đến. Các tờ giấy điệp sáng màu tự nhiên, in sẵn họa tiết quen thuộc của tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình để các em tô, in màu và vẽ thêm theo tưởng tượng của mình.
Bé Thùy Chi, 6 tuổi, nhà ở ngay phường Văn Miếu, sáng khai mạc đã được ông đưa đến để là những người đầu tiên trải nghiệm. “Con chọn tranh gà (Gà hoa hồng - tranh Đông Hồ) vì cái đuôi có thể tô nhiều màu sắc”, Thùy Chi nói. Những bàn tay nhỏ nhắn lem màu, ríu rít hỏi han các cô, chú hướng dẫn để tô đẹp hơn, in tranh đúng thao tác và nở nụ cười tươi rói khi nhìn thành phẩm của mình, làm sáng bừng cả không gian Hội chữ Xuân Đinh Dậu. Một góc không gian, có vài họa sĩ đã mở tập giấy và bút vẽ ký họa hình ảnh sinh động và say sưa của các em nhỏ cùng những người hướng dẫn bên các bức tranh dân gian ấy.
Vì năm nay là Đinh Dậu với gà là con vật biểu trưng nên dự án còn tổ chức hoạt động thi sáng tạo từ hình tượng con gà trong tranh dân gian. Các bé có thể từ những bức tranh gà in sẵn vẽ thêm chi tiết để kể câu chuyện khác hoặc từ ấn tượng con gà trong tranh dân gian tự vẽ và sáng tạo tác phẩm riêng. Những tranh này các bạn nhỏ sẽ mang về tặng ông bà, cha mẹ, còn bản chụp lại được dự án chấm và trao quà cho các tác phẩm xuất sắc vào những ngày đầu xuân.
Bên cạnh hoạt động tô vẽ tranh, “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết” còn là dịp để người yêu tranh thưởng lãm cuộc trưng bày 4 dòng tranh Tết nổi tiếng là Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình… được thực hiện theo đúng lối truyền thống. Trong đó, những bức “Kim Kê” của dòng tranh đỏ ven đô là điểm nhấn. Nhờ công của nhà sưu tập Nguyễn Thu Hòa, dòng tranh tưởng như đã thất truyền này được phục dựng. Ván in bức tranh “Gà cầu phúc” của dòng tranh Kim Hoàng cũng xuất hiện tại đây để mọi người thực hành in, ấn…
Cứ tô, vẽ, in tranh dân gian, những tinh hoa văn hóa dân tộc ngấm vào tự lúc nào!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.