(HNM) - Những tiếng vỗ tay không dứt khi Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội (VTYHN) trong hệ thống Giải thưởng
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Tô Hoài suốt đời gắn bó với Hà Nội
Theo như bản phân tích các đề cử của Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - VTYHN" thì "nhà văn Tô Hoài đã có gần 150 tác phẩm lớn, nhỏ, bao quát nhiều thể loại, đối tượng, nhưng ngòi bút lúc nào cũng giữ được nét độc đáo, sắc sảo, dí dỏm, đồng thời luôn tuôn chảy, dồi dào và sung sức. Trong đó, những trang văn của Tô Hoài viết về Hà Nội vô cùng đậm đà và giàu chi tiết, hóm hỉnh và có phong thái riêng; ở đó bóng dáng, hồn cốt của một Hà Nội qua mấy thời đại hiện ra rõ nét, có cá tính, với những âm thanh và màu sắc đặc trưng".
Tô Hoài và Hà Nội đã tạo nên trong địa hạt văn chương nước nhà một vị trí khó ai thay thế được. Những hồ nước, những vạt cỏ với dấu chân Dế mèn trong tác phẩm đầu tay "Dế mèn phiêu lưu ký" có phải là bóng hình của một vùng đất Hà Nội xưa? Người ta cũng gặp lại một Hà Nội của những con người, thế sự và nỗi niềm theo cách cảm tinh tế của Tô Hoài. Những "Xóm giếng", "Cỏ dại" và "O chuột", những "Chiều chiều" và "Cát bụi chân ai"… làm nên một dòng văn chương Tô Hoài - Hà Nội đặc sắc.
Công chúng và Hội đồng Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - VTYHN" 2010 vinh danh ông còn bởi "Với nhiều gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và trong tâm hồn, có thể coi Tô Hoài cũng là một tạng nghệ sĩ độc đáo và tài hoa như mẫu người Bùi Xuân Phái, chỉ khác là ông đã vẽ nên một Hà Nội phố bằng giấy trắng mực đen và ngòi bút sắt, chứ không phải bằng toan và các mảng màu…".
Lại nói về 2 đề cử khác cùng với ông trong Giải thưởng lớn này là nhà nghiên cứu Giang Quân với chừng 30 cuốn sách về Hà Nội và 50 cuốn sách khác; nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung với 50 đầu sách về Thăng Long - Hà Nội… Đây đều là những gương mặt tiêu biểu. Mặc dù không vào giải, nhưng các đề cử cho thấy chiều sâu của giải thưởng và hơn thế với sự đồng lòng cho Giải thưởng lớn - Tô Hoài, các đề cử cũng làm đẹp thêm cho một giải thưởng tuy mới mẻ, nhưng giàu ý nghĩa.
Một biểu tượng của trí thức Thủ đô
"Có thể coi ông như một biểu tượng của trí thức Thủ đô, về sức làm việc bền bỉ với trí tuệ mẫn tiệp hiếm có, một chứng nhân của gần một thế kỷ thăng trầm trên đất Thủ đô, là cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội" - đó là những lời tâm huyết của Hội đồng Giải thưởng được nêu lên trước đông đảo nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu gắn bó với Hà Nội cùng báo giới tại lễ trao giải.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhận định: "Những đóng góp của nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ của văn hóa, văn nghệ Thủ đô và đất nước đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý, các huân, huy chương của Đảng và Nhà nước. Giờ đây Giải thưởng lớn - VTYHN, một lần nữa thể hiện sự trân trọng và yêu mến của công chúng Thủ đô đối với những đóng góp quan trọng của nhà văn Tô Hoài".
Sự trân trọng, yêu mến ấy của công chúng còn hiện diện ở ngoài kia, khi trong phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Hà Nội, trẻ con vẫn với tay tìm "Dế mèn phiêu lưu ký". Mới đây thôi, ở tuổi 90 của mình, "Ông Dế mèn" cũng vừa trình làng cuốn "Chuyện ngày xưa - 100 cổ tích". Mà cái ý tưởng ấy ông đã chia sẻ chừng non chục năm nay rồi. Thế mới hay, Tô Hoài kể chuyện cổ tích cho trẻ con nghe không phải là việc có thể xuề xòa. Ông còn đang có kế hoạch in lại các tác phẩm kể chuyện về Thăng Long xưa như Nhà Chử, Miếu Đồng Cô, Mai An Tiêm…
Chuyện hy hữu ở ĐH Hội Nhà văn Việt Nam Khóa VII mới đây, có người vẫn đề cử Tô Hoài vào BCH. Về điều kiện tuổi tác, Tô Hoài không đáp ứng được nguyện vọng này, nhưng rõ ràng qua đây cũng có thể thấy "dấu ấn Tô Hoài" trên văn đàn Việt Nam thực là sâu đậm. Dấu ấn ấy được tạo nên từ suốt chặng đường sống, gắn bó tha thiết với Hà Nội, với đất nước. Viết và viết, Tô Hoài bền bỉ, tinh tế trên mỗi trang văn về Hà Nội. Thật có chút bất ngờ khi trong tập kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại" mới nhất in năm 2010, Tô Hoài chẳng chia sẻ gì ở mục "Suy nghĩ về nghề văn". Hình như ở mục "Tác phẩm chính đã xuất bản", những tác phẩm nối nhau đã nói thay suy nghĩ của người cầm bút - người trí thức cặm cụi lưu giữ lại hơi thở nhiều thời kỳ của Thủ đô yêu dấu. Cách ứng xử của Tô Hoài trước những "sự cố" văn đàn cũng vậy, khi "Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh" gây xôn xao dư luận, trả lời báo chí, Tô Hoài cười, cái cười có vị hồn nhiên, của một lão nhà văn đã rành rẽ sự đời và nói: "Tôi còn đang bận viết báo Tết".
Cũng sắp đến ngày Tô Hoài tròn 90 tuổi (27-9-2010). Kể từ giải thưởng đầu tiên trong đời văn là Giải nhất tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam cho "Truyện Tây Bắc - 1967" cho đến Giải thưởng lớn - VTYHN năm 2010, Tô Hoài vẫn mang lại cảm xúc thật tin tưởng cho công chúng, bạn đọc.
Xin được chúc mừng "Ông Dế mèn"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.