Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tò he Xuân La: Một nét văn hóa

Hiền Dung| 07/09/2011 07:02

(HNM) - Những năm gần đây, tò he Xuân La, xã Phượng Dực, Phú Xuyên (Hà Nội) xuất hiện trên mọi miền đất nước. Bông hoa, 12 con giáp, hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hay những nhân vật trong phim hoạt hình hiện đại...

Tò he luôn được trẻ em yêu thích bởi màu sắc và hình dáng ngộ nghĩnh. Ảnh: Nguyệt Ánh


“Khúc đồng dao” của trẻ

Cho đến nay, tò he vẫn chưa được xác định rõ ràng về tên gọi cũng như nguồn gốc xuất xứ. Chỉ biết rằng, từ nguyên liệu đơn sơ, giản dị của nông nghiệp là hạt gạo, lá rau, qua sự "phù phép" của người nông dân Xuân La, phút chốc đã tạo thành các nhân vật cổ tích, hoạt hình… đẹp và ngọt ngào như những khúc đồng dao bình dị góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo, thơ ngây của trẻ thơ. Nhờ nét độc đáo có một không hai ấy mà người làng Xuân La cùng những sản phẩm tò he không ít lần có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, mang lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Cả làng Xuân La hầu như ai cũng biết nặn tò he, nhưng không phải tất cả đều theo nghề này. Trung bình có khoảng 200 người đi nặn tò he "lưu động" và họ thường dừng lại ở các điểm vui chơi, trường học, công viên, những nơi có nhiều khách du lịch để quảng bá, giới thiệu và bày bán các sản phẩm nghệ thuật của làng. Với những người ít biết đến tò he thì việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài cũng là một điều thú vị. Người làm tò he bây giờ cũng năng động hơn nhiều, trước đây sản phẩm chủ yếu là cây, hoa quả, con giống, hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... thì bây giờ tò he đã xuất hiện rô bốt trái cây, siêu nhân, thủy thủ mặt trăng... Thỏa mãn được sở thích của mọi lứa tuổi, nên tò he ngày càng khẳng định được sức hút. Nhiều khách sạn lớn ở Hà Nội, nhiều trường mầm non đã mời các nghệ nhân về trình diễn và dạy nặn tò he. Nhìn những gương mặt hớn hở, thích thú khi cầm trên tay những con vật, bông hoa, thậm chí là chân dung con người nhỏ bé, xinh xinh, ngộ nghĩnh bằng bột, đủ màu sắc ở khắp các ngõ ngách của Thủ đô và nhiều miền quê khác nữa đủ để thấy tò he có sức sống mãnh liệt trước sự "tấn công" dữ dội của thị trường đồ chơi nhập ngoại. Do đó việc giữ nghề tò he không chỉ vì mục đích kinh tế mà sâu xa hơn đó là gìn giữ nét văn hóa dân gian đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Trăn trở việc giữ nghề
Không giống như những làng nghề truyền thống khác, việc học nghề nặn tò he không phải cứ muốn là được mà người học phải có trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật. Ấy vậy mà làng nghề này tuy có lúc thăng trầm nhưng chưa bao giờ gián đoạn. Không chỉ thế hệ các "nghệ nhân" vài chục năm tuổi nghề như ông Chu Văn Hải, Chu Tiến Công, Đặng Văn Giáp… ngày ngày vẫn rong ruổi khắp các phố phường thổi vào tâm hồn trẻ thơ những khúc đồng dao, những câu chuyện cổ tích mà Xuân La giờ còn xuất hiện rất nhiều "kỳ nhân" trẻ. Đó là Đặng Văn Hậu (26 tuổi) đã nhiều lần được mời biểu diễn ở Festival ở Huế, là Đặng Văn Khang mạnh dạn tìm cho mình lối đi riêng bằng cách dùng bột nhập ngoại với một số ưu điểm như giữ màu lâu, không mốc, nứt gãy để sáng tạo tò he gắn lên đầu các cây bút. Bước đầu sản phẩm của anh được nhiều thanh, thiếu niên ưa chuộng…

Đến Xuân La cũng dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ lên năm, lên sáu cùng ông bà, cha mẹ, anh, chị chăm chú nặn tò he. Tre chưa già, măng đã mọc và một CLB tập hợp các nghệ nhân trong làng với 107 thành viên ở mọi lứa tuổi đã ra đời. Tuy nhiên, theo người làng Xuân La, việc duy trì sự phát triển bền vững của làng nghề cho đến nay vẫn là bài toán khó. Trước hết là khâu "đầu ra" cho sản phẩm.

Từ bao đời nay, phương tiện để các nghệ nhân tò he chuyển tải những câu chuyện dân gian thông qua hình tượng, nhân vật chỉ là cái thùng xốp, vài kilôgam bột màu, que tre… khiêm nhường ở một góc nào đó trên đường phố hay các khu vui chơi đông người qua lại, thế nhưng hiện nay họ đang bị đánh đồng với những người bán hàng rong, bị truy đuổi gắt gao. "Nếu đưa tò he vào cửa hàng thì nét văn hóa dân gian sẽ giảm đi ít nhiều và cũng sẽ chẳng có mấy người đến mua" - ông Đặng Văn Giáp, Phó Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La khẳng định. Hơn thế, tò he chưa được quảng bá rộng rãi vì nhược điểm của chất liệu tạo ra chúng. Bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt nên chưa thể đóng hộp xuất đi nơi khác. Một hình thức khác là đưa làng nghề trở thành điểm đến du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề đến nay vẫn chưa thực hiện được vì rất nhiều lý do.

Để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của làng nghề tò he, anh Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La cho biết: CLB đang tìm cách gắn tò he vào những tua du lịch văn hóa truyền thống, từng bước phối hợp với các cơ quan hữu quan, các tổ chức văn hóa trong nước và nước ngoài xây dựng dự án phát triển tò he. Hiện tổ chức SIFE cùng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội đã có ý tưởng phối hợp với chi hội nhưng các điều kiện về cơ sở vật chất còn chưa sẵn sàng.

Vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh, nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần giáo dục nhiều thế hệ tuổi thơ ở khắp mọi miền đất nước về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc. Vì thế rất cần được các ngành chức năng quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tò he Xuân La: Một nét văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.