(HNMO) - Trong phiên làm việc chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu 07 chương, 13 mục, 107 điều. So với Luật Tổ chức VKSND hiện hành, dự thảo giảm 04 chương, tăng 57 điều. Trong đó, sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, không có điều nào giữ nguyên. Dự thảo Luật đã thu hút Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã làm rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND được xác định là thiết chế kiểm soát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, đồng thời, kiểm sát chặt chẽ, thường xuyên đối với cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động tư. Mặt khác, VKSND cũng chịu sự kiểm soát của các cơ quan tư pháp, của nhân dân không chỉ bằng các thiết chế dân chủ đại diện (như Quốc hội, Hội đồng nhân dân) mà còn thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị - xã hội.
Dự thảo Luật đã lần đầu tiên quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của VKSND trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của VKSND, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế.
Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương, 80 điều. Ngoài những quy định chung, dự án luật tập trung sửa đổi những nội dung lớn liên quan đến tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong Tòa án nhân dân; án lệ; việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân; các ngạch thẩm phán, nhiệm kỳ của thẩm phán, tuổi nghỉ hưu của thẩm phán; quản lý hội thẩm nhân dân; quyền tư pháp.
Đặc biệt, về án lệ, để phù hợp với truyền thống pháp luật nước ta thì “án lệ” được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, đánh giá những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, trên cơ sở đó chỉ ra việc áp dụng thống nhất và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể đó, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn làm chuẩn mực để các Tòa án nghiên cứu, làm theo trong công tác xét xử, nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và bảo đảm công lý theo nguyên tắc các vụ việc có tình tiết giống nhau thì phải được phán quyết như nhau.
Án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, Toà án nhân dân tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện để ban hành án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao phải là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị và khi xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chỉ phá án mà còn có thể sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Tổ chức VKSND, TAND theo cấp là hợp lý
Tại tổ Hà Nội, các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung tờ trình Chính phủ và quan điểm trong báo cáo thẩm tra của các ủy ban Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, để thể hiện được tinh thần đổi mới của các cơ quan tư pháp theo Hiến pháp vừa được thông qua, các dự luật phải thể hiện được tính độc lập của các cơ quan có thẩm quyền theo hiến pháp, thể hiện qua tổ chức; cơ cấu; các chức danh tư pháp và cán bộ ngành; mối quan hệ công tác giữa các thiết chế tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án…
Để quy định được 4 vấn đề trên, phạm vi điều chỉnh của 2 dự án luật phải đảm bảo vừa khái quát, vừa đủ cụ thể để làm cơ sở cho các luật tố tụng, tránh chồng lấn.
Trước hết, mô hình tổ chức của các cơ quan này phải đảm bảo có sự độc lập tương đối, tránh can thiệp. Muốn vậy, việc tổ chức các cơ quan tư pháp theo cấp, chứ không phải theo đơn vị hành chính, là hoàn toàn phù hợp, vừa tập trung được nguồn lực, vừa tránh dàn trải, lãng phí.
Về cơ cấu tổ chức, khi tổ chức theo cấp, công việc của cấp trên sẽ dồn cho cấp dưới. TANDTC sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ giám đốc thẩm và hướng dẫn áp dụng thực hiện thống nhất pháp luật, án lệ.
Về đội ngũ cán bộ, theo lộ trình và xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới, các chức danh tư pháp phải được tuyển dụng theo chế độ thi tuyển. Tuy nhiên, để đánh giá được cả chuyên môn lẫn đạo đức, các chức danh tư pháp của Việt Nam nên được lựa chọn dựa trên sự kết hợp kết quả từ cả tuyển chọn theo hội đồng lẫn thi tuyển quốc gia.
Chia sẻ với đại biểu Quyền, các đại biểu Nguyễn Sơn, Đinh Xuân Thảo cũng ủng hộ việc thành lập VKSND, TAND theo các cấp, đảm bảo tính độc lập của từng cơ quan, có cơ chế giám sát hiệu quả. Đồng thời, làm rõ hơn quy định với các chức danh tư pháp, nội dung tranh tụng, luận tội, địa vị pháp lý của UB tư pháp… Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị bổ sung vào hai dự luật các nguyên tắc hiến định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.