Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức tình nguyện Vietnam Workcamp: San sẻ yêu thương

Quỳnh Anh - Vũ Tĩnh| 03/12/2013 06:51

(HNM) - Đến nay, bệnh phong (còn gọi là bệnh hủi) đã có thuốc đặc trị và không còn lây lan trên diện rộng nhưng không ít người bệnh vẫn phải sống trong sự kỳ thị của xã hội.

Các tình nguyện viên Vietnam Workcamp thăm và tặng quà bệnh nhân ở Khu điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân phong K10 Nậm Din.



Còn nhiều kỳ thị

Nằm lọt thỏm trong thung lũng đầy nắng, gió của xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, Khu điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân phong K10 Nậm Din, thuộc Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh Điện Biên trông biệt lập như ốc đảo. Dù đã ít nhiều thay đổi so với trước kia nhưng nơi đây vẫn bị coi là "miền đất chết", khi những bệnh nhân trong khu điều trị vẫn sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Không chỉ bị ngăn cách bởi hàng chục ki lô mét đường đèo, dốc núi thăm thẳm, mà còn bởi chính bức tường mặc cảm, kỳ thị của người đời đối với những người mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Khu điều trị có 3 cán bộ cùng với khoảng 30 bệnh nhân đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Mỗi tháng, các bệnh nhân ở đây được Nhà nước hỗ trợ 540.000 đồng/người, giúp họ vơi bớt khó khăn.

Giống như các bệnh nhân ở Khu điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân phong K10 Nậm Din, cuộc sống của rất nhiều người không may mắc bệnh ở các làng phong, trung tâm điều trị bệnh phong dường như vẫn tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi sự kỳ thị.

San sẻ nỗi đau

Đầu năm 2010, Mariko - tình nguyện viên của tổ chức tình nguyện FIWC (Nhật Bản) đã sang Việt Nam và cùng với nhóm Ước mơ xanh Hà Nội tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ bệnh nhân phong. Sau chuyến đi này, Mariko có ý tưởng thành lập một tổ chức chuyên giúp đỡ bệnh nhân phong, giảm sự kỳ thị của xã hội. Điều đó đã được hiện thực hóa vào tháng 8-2012 khi tổ chức tình nguyện Vietnam Workcamp ra đời, Trưởng đại diện là kỹ sư xây dựng Vũ Văn Lưu, Mariko hỗ trợ Vietnam Workcamp về công tác tư vấn, tuyển tình nguyện viên và xin tài trợ từ Nhật Bản.

Hoạt động chính của Vietnam Workcamp là thực hiện dự án tại các trung tâm, làng phong như: Xây nhà vệ sinh, nhà tắm, sửa chữa đường, bậc thềm… để cải thiện phần nào điều kiện sống những người bị ảnh hưởng bởi phong; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, giao lưu văn nghệ tại các trung tâm, làng phong với mong muốn, chia sẻ với những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh quái ác.

Vũ Thị Tĩnh, thành viên của Vietnam Workcamp cho biết, hằng năm Vietnam Workcamp tổ chức Hội trại mùa hè và Hội trại mùa xuân, mỗi hội trại kéo dài hai tuần với hoạt động chủ yếu là xây dựng, sửa chữa những công trình phụ ở các trung tâm điều trị bệnh phong. Trong khuôn khổ hội trại có các hoạt động giao lưu giữa các em nhỏ là con em người mắc bệnh phong sống ở trung tâm điều trị bệnh với các em nhỏ sống ở vùng lân cận nhằm giúp các em nhỏ hiểu rõ hơn về bệnh phong, từ đó giảm sự kỳ thị… Đến nay, Vietnam Workcamp đã tổ chức được 4 hội trại lớn ở các trung tâm, làng phong thuộc nhiều tỉnh, thành phố.

Vietnam Workcamp có 20 thành viên làm nòng cốt. Trong những lần tổ chức hội trại, các thành viên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người mắc bệnh phong nên hiểu rõ hơn về bệnh và cuộc sống của những người không may mắc bệnh. Nguyên Hiên, thành viên của Vietnam Workcamp cho biết, sau mỗi chuyến đi Hiên đều thu lượm được nhiều điều về tình người, sự san sẻ yêu thương.

Hơn một năm hoạt động - khoảng thời gian chưa đủ dài để các thành viên Vietnam Workcamp có thể đi khắp các trung tâm, làng phong trên cả nước. Nhưng tất cả đều cam kết, hy vọng một ngày gần nhất được đến thăm tất cả các bệnh nhân phong để được chia sẻ, được yêu thương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức tình nguyện Vietnam Workcamp: San sẻ yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.