(HNM) - Nhiều ý kiến phản ánh của đại diện ngành văn hóa đến từ các địa phương có lễ hội lớn cho thấy, bên cạnh sự chuyển biến tích cực, mùa lễ hội xuân Quý Tỵ vẫn quá tải, lộn xộn, mất vệ sinh...
Còn nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2013.Ảnh: Khánh Nguyên |
Chưa nhiều chuyển biến
Chưa có năm nào công tác tổ chức và quản lý lễ hội được ngành văn hóa quan tâm như mùa lễ hội năm 2013. Trước mùa lễ hội diễn ra, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013; thành lập 6 đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ VH,TT& DL làm trưởng đoàn, thực hiện kiểm tra 46 điểm di tích diễn ra các lễ hội lớn tại 17 tỉnh, thành phố. Các địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý lễ hội, phối hợp với các cơ quan chức năng giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội… Mặc dù vậy, Bộ VH,TT&DL đánh giá, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở một số địa phương còn mang nặng tính hành chính, dịch vụ hàng quán lộn xộn, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội so với lượng khách hành hương ngày một tăng… Điển hình là lễ hội đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 tháng Giêng với cảnh tượng chen lấn, xô đẩy kinh hoàng, đạp đổ hàng rào bảo vệ để giành giật, tranh cướp đồ lễ trên ban thờ, ném tiền lẻ lên kiệu rước… Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Đồng Bằng, Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), chùa Bồ Đà, Thổ Hà (Bắc Giang), chùa Non núi Thần Linh (Quảng Bình)… vẫn còn tình trạng chèo kéo khách, trò chơi cờ bạc trá hình, khấn thuê, bày bán sách tử vi, xem bói, rút thẻ, nâng giá dịch vụ… Đáng lo ngại hơn, việc bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường ở nhiều di tích chưa được nhân dân, du khách chú trọng. Hiện tượng đặt tiền công đức đã được thu gom nhưng chưa triệt để. Việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, bày biện đồ thờ không đúng nghi lễ truyền thống, khắc bia ghi danh công đức, lắp đặt mái tôn, mái vẩy… làm ảnh hưởng tới kiến trúc của di tích.
Nhìn nhận từ lễ hội đền Trần, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lễ hội còn những bất cập kéo dài là một bộ phận không nhỏ nhân dân hiểu sai về bản chất, ý nghĩa của lễ hội. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng chỉ rõ: "Chúng ta đã thực hiện xã hội hóa rộng rãi, cho nhiều thành phần kinh tế tham gia tổ chức lễ hội nhưng chưa kiểm soát chặt chẽ, chưa có phương thức quản lý phù hợp nên đã phát sinh tiêu cực. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phục hồi lễ hội nhiều nơi chưa thống nhất, thiếu nghiên cứu khoa học dẫn đến sự tùy tiện, vi phạm Luật Di sản văn hóa, ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan. Đặc biệt, chúng ta chưa dự báo được xu thế phát triển của các loại hình lễ hội, nên còn bị động, lúng túng, chưa đủ tiềm lực để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng với yêu cầu lượng khách tăng cao".
Có nên nhà nước hóa lễ hội?
Lễ hội truyền thống là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, sinh ra từ cộng đồng và được cộng đồng gìn giữ, phát huy. Song, nhìn vào thực tế có thể thấy, nhiều lễ hội hiện nay do chính quyền các cấp quản lý, tổ chức còn nặng tính hành chính, trong khi cộng đồng - chủ thể của lễ hội, đang dần mất đi quyền chủ thể của mình. Từ thực trạng này, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp, xã hội hóa để các tổ chức xã hội cũng như quần chúng nhân dân được tổ chức, thực hành nghi lễ; Nhà nước chỉ tham gia quản lý về mặt hành chính…
Về vấn đề này, ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ nói: Tôi thấy rằng việc tổ chức lễ hội không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Chẳng hạn như lễ hội đền Hùng, những ngày đông, lên tới hơn 1 triệu lượt khách, tương đương với dân số của tỉnh Phú Thọ, thế nên nếu không có sự tham gia của Nhà nước mà giao cho cộng đồng các xã vùng ven khu di tích quản lý thì sẽ "vỡ trận", không thể quản lý được. Hơn nữa, Nhà nước có tham gia thì các hoạt động của lễ hội mới đi đúng hướng".
Từ việc tổ chức thành công lễ hội Bà Đen (Tây Ninh), ông Lê Tất Vinh, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Tây Ninh chia sẻ: "Trước mỗi mùa lễ hội, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Tây Ninh quan tâm đặc biệt tới khâu chuẩn bị, phân công, bố trí lực lượng tổ chức. Khi lễ hội diễn ra, chính quyền các cấp thường xuyên thanh, kiểm tra các hoạt động của lễ hội, phát hiện thấy trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý ngay". Phân tích hướng phát triển lễ hội đền Trần (Nam Định), ông Lương Hồng Quang khẳng định: Lễ hội đền Trần là lễ hội truyền thống tiêu biểu đang "nở ra" trên tất cả các phương diện nên cần nghiên cứu kỹ cấu trúc, mục đích nhu cầu của khách hành hương, từ đó dự báo lượng khách cho những năm tiếp theo để xây dựng phương án đón tiếp cho phù hợp. Ông Quang cho biết thêm, di tích đền Trần nói riêng, hệ thống di tích gắn với lễ hội nói chung có nhiều mô hình quản lý chồng xếp lên nhau, đan xen lợi ích nên đôi khi dẫn đến mâu thuẫn, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý. Thực tế đó đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng mô hình quản lý di tích chuẩn, áp dụng cho tất cả các di tích trên phạm vi cả nước. Mặt khác, ngành văn hóa cần có sự liên kết, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ huy động lực lượng người trông coi các di tích hướng dẫn khách hành hương đến với di tích, lễ hội hành lễ sao cho đúng nghi thức truyền thống.
Như vậy, Nhà nước không thể thay thế vai trò của cộng đồng trong một số khâu tổ chức, thực hành nghi lễ, song cũng không thể không quản lý, quy hoạch để lễ hội dần tìm lại những giá trị vốn có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.