Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

Tiến Thành| 17/02/2022 12:30

(HNMO) - Sáng 17-2, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu bế mạc phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc tích cực, trách nhiệm, khẩn trương, phiên họp thứ tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.

Tóm lược lại một số kết quả chủ yếu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan hữu quan khẩn trương ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba theo hình thức phù hợp; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại hội nghị.

* Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo rà soát toàn bộ các chính sách để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”. Theo đó, đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách, gồm: Tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; Tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Quy định về bảo đảm an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề; Quy định về sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

10 nhóm chính sách này tập trung vào 5 giải pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân tại các vùng miền, công bằng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân; Bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022) theo quy trình tại 2 kỳ họp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một số nội dung cần làm rõ. Về đánh giá tác động, cần đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực Nhà nước và xã hội trong thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

“Nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị khám chữa bệnh trong thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm, do đó sửa luật làm sao bảo đảm tính minh bạch, công khai, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh có khuôn khổ rõ để thực hiện nhiệm vụ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng chí Vương Đình Huệ nêu quan điểm kinh phí chi cho y tế dự phòng là trách nhiệm của ngân sách nhà nước. Theo Luật Ngân sách nhà nước quy định hằng năm, địa phương phải sử dụng 30% ngân sách cấp cho ngành Y tế để chi cho y tế dự phòng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra vấn đề dự thảo luật còn lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. “Thực phẩm chức năng được điều chỉnh trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh được điều chỉnh bởi Luật Dược. Trong dự thảo có sự xâm lấn, chưa thực sự minh bạch giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh”, đồng chí Vương Đình Huệ nêu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo, làm rõ một số nội dung.

Báo cáo làm rõ một số nội dung, về phân định rõ việc kinh phí y tế dự phòng và kinh phí khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngân sách nhà nước sẽ chi cho y tế dự phòng, còn khám chữa bệnh được chi bằng bảo hiểm y tế. “Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trong đó sẽ nêu rõ vấn đề này theo quy định chia sẻ rủi ro và có đóng - có hưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết có nhiều loại bệnh chỉ cần điều trị bằng sản phẩm dinh dưỡng công thức, trong dự thảo luật đã làm rõ, phân định đây không phải là thực phẩm chức năng như thông thường. “Bộ Y tế sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và tiếp tục làm rõ thêm trong dự thảo luật”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại phiên họp, với 100% ủy viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, bên cạnh Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có kết luận lưu ý với Chính phủ một số nội dung cần làm rõ để hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua về làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng, khám chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; việc sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng; nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, các quy định về khám, chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt…

* Cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.