Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình yêu trẻ là thứ tình cảm không bao giờ nhạt nhòa!

Hải Giang| 20/09/2015 06:50

(HNM) - Ngày 16-9, hội thảo

Nhân sự kiện này, Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên - người công tác lâu năm trong lĩnh vực xuất bản sách cho thiếu nhi về câu chuyện của đời sống sáng tác văn học trong lĩnh vực này ở nước ta hiện nay.

- Thưa nhà văn Lê Phương Liên, bà có thể chia sẻ cảm nhận khi có một cuộc tọa đàm về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh như vừa qua?

- Tôi thực sự xúc động trước việc một nhà văn viết cho thiếu nhi đương đại được các nhà nghiên cứu văn học, các nhà phê bình quan tâm “giải phẫu” (chữ của Nguyễn Nhật Ánh) cẩn thận, nghiêm túc, nhiệt tình. Tôi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có dịp quen biết từ 20 năm trước khi tôi là biên tập và Nguyễn Nhật Ánh là tác giả bộ sách “Kính vạn hoa” (do NXB Kim Đồng xuất bản từ 1995 đến 2002). Sau này, khi tôi đã nghỉ công tác, mỗi dịp có sách mới, chúng tôi vẫn gửi tặng nhau, tôi cũng đã đến thăm Tiệm sách Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi dịp anh Ánh ra Hà Nội giao lưu ký tặng sách, nếu không bận, tôi thường có mặt chia sẻ niềm vui cùng anh. Hội thảo vừa qua tại Đại học Sư phạm là niềm vui không chỉ riêng của Nguyễn Nhật Ánh mà là sự khích lệ với tất cả các nhà văn đang kiên trì đi theo con đường văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Tôi rất cám ơn những cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học nghệ thuật trẻ em - Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Việc làm này sẽ tạo điều kiện hình thành một đội ngũ nghiên cứu lý luận phê bình văn học thiếu nhi Việt Nam và đó thật là hữu ích cho sự phát triển nền văn học của chúng ta.

Sách văn học cho thiếu nhi cần được đầu tư nhiều hơn.


- Gần đây có nhiều nhà văn, họa sĩ trẻ trong nước đầu tư sáng tạo mảng đề tài văn học thiếu nhi. Một số nhà văn trẻ được ghi nhận ở mảng văn học cho người lớn cũng bắt đầu có những tác phẩm cho trẻ. Có phải văn học thiếu nhi trong nước đang khởi sắc?

- Cần phải ghi nhận Dự án hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng tổ chức với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Đan Mạch và Hội Nhà văn Đan Mạch thể hiện qua những cuộc vận động sáng tác, những cuộc tập huấn, những “Chuyến tàu kể chuyện” đã tạo điều kiện cho nhiều tài năng trẻ đến với văn học thiếu nhi và sách thiếu nhi nói chung. Sự nỗ lực kết nối giữa các biên tập viên của các NXB Kim Đồng, NXB Trẻ cùng nhiều đơn vị làm sách khác đã tạo ra nhiều ấn phẩm mới cho trẻ em trên thị trường sách hiện nay.

Tình yêu trẻ em là thứ tình cảm không bao giờ nhạt nhòa trong tấm lòng các văn nghệ sĩ dù già hay trẻ, chỉ cần các cơ quan chức năng quan tâm khơi gợi, tạo ra những cơ hội để các họa sĩ, nhà văn thể hiện thì văn học nghệ thuật cho trẻ em sẽ khởi sắc, đáp ứng sự mong đợi khao khát của công chúng.

- Là người kiên trì với những trang viết đầy chất văn và sự rung động cho bạn đọc nhỏ nhưng thường rất lặng lẽ. Bà có nghĩ văn học cho thiếu nhi rất cần có sự quảng bá mạnh mẽ hơn?

- Tôi bị thói quen từ thời bao cấp với suy nghĩ “Hữu xạ tự nhiên hương” nên tôi chưa bao giờ tổ chức một “sự kiện ra mắt sách”, cũng chưa bao giờ tổ chức một cuộc thảo luận nào về những cuốn sách của mình. Cũng như các họa sĩ cần tổ chức những cuộc triển lãm riêng, các nhà văn viết cho thiếu nhi tùy từng hoàn cảnh điều kiện mức độ cũng nên nghĩ tới việc quảng bá tác phẩm của mình bằng những hình thức khác nhau. Tất nhiên, tùy sắc vẻ cá tính của từng tác giả mà ta nên lựa chọn hình thức quảng bá sao cho phù hợp nhẹ nhàng và ý nhị.

- Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đã có quyết định tái lập lại Ban Văn học thiếu nhi và mới đây đã diễn ra hội thảo đánh giá về hoạt động này. Bà có cho rằng văn học thiếu nhi sẽ có thêm sự ủng hộ và động lực phát triển?

- Tôi rất vui với những chuyển động vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam trong mảng Văn học thiếu nhi - phần văn học tươi vui và trong sáng của nền văn học nước nhà. Do đó, tôi tin rằng Ban Chấp hành Hội Nhà văn chắc sẽ có quyết định chính thức sớm cho việc này.

- Xin nhà văn chia sẻ với bạn đọc về tác phẩm xuất bản gần đây nhất của bà cũng như những dự định sáng tác sắp tới?

- Cuốn sách gần đây nhất của tôi là tập truyện ngắn “Chiếc nhãn vở mong manh” (NXB Kim Đồng phát hành tháng 7-2015) gồm 14 truyện ngắn chọn lọc tôi viết trong nhiều năm qua. Ở tác phẩm này, tôi đã vượt qua thời kỳ “viết về mình” với những kỷ niệm tuổi thơ đã qua. Tôi đã hòa nhập “cái tôi” của mình, tuổi thơ của mình với tuổi thơ của các nhân vật, dù có thể các nhân vật đó là một “cậu bé miền núi”, một “con ốc sên”, một chú bé là “con trai thần gió” hay là một nhân vật hoàn toàn tưởng tượng như “Chim Lạc Việt”. Trong tập truyện ngắn này tôi cũng đã vượt qua lối “kể chuyện thật thà” mà đã đưa người đọc vào một thế giới tưởng tượng ảo hóa lung linh hơn thế giới hiện thực, điều ấy không chỉ phù hợp với thế giới tưởng tượng của tuổi thơ mà còn là để khơi gợi “nỗi niềm thơ trẻ” của những người lớn đã từng là trẻ thơ. Sắp tới đây, tôi cũng sẽ viết tiếp, tuy nhiên tôi cũng còn đang lãng đãng… và đôi khi tôi lại sáng tác có thể là do một ngẫu hứng bất ngờ thôi thúc…

- Xin chân thành cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên và chúc bà mãi gắn bó với văn học thiếu nhi nước nhà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu trẻ là thứ tình cảm không bao giờ nhạt nhòa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.