Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình yêu bất tận dành cho cầu Long Biên của một người Mỹ

Đào Vân| 04/11/2010 07:15

(HNMO)- Douglas Jardine - một nhiếp ảnh gia người Mỹ có một tình yêu đặc biệt với cây cầu Long Biên của Hà Nội. Ông đã say mê chụp vô vàn các bức ảnh về cây cầu lịch sử này. Mới đây, tại Maison Des Arts (31A Văn Miếu, Hà Nội) đã khai mạc phòng triển lãm trưng bày 1000 bức ảnh đặc biệt về cầu Long Biên của Douglas Jardine với tên gọi “Long Biên nhịp cầu nối”.

Một số góc chụp cầu Long Biên của Douglas Jardine


(HNMO)- Douglas Jardine - một nhiếp ảnh gia người Mỹ có một tình yêu đặc biệt với cây cầu Long Biên của Hà Nội. Ông đã say mê chụp vô vàn các bức ảnh về cây cầu lịch sử này. Mới đây, tại Maison Des Arts (31A Văn Miếu, Hà Nội) đã khai mạc phòng triển lãm trưng bày 1000 bức ảnh đặc biệt về cầu Long Biên của Douglas Jardine với tên gọi “Long Biên nhịp cầu nối”. Đây là một trong những hoạt động hướng tới lễ hội Festival Long Biên 2010 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11 tới.

Douglas David Jardine (sinh năm 1962 tại Connecticut, Mỹ) là nhiếp ảnh gia đồng thời cũng là người nghiên cứu lịch sử về những cây cầu trên thế giới. Hiện tại ông là Giám đốc phụ trách đối ngoại kiêm giảng viên khoa Quốc tế học ( Đại học Hà Nội). Ông có một tình yêu đặc biệt với Việt Nam và một niềm đam mê không bao giờ vơi cạn đối với cây cầu Long Biên lịch sử.

Douglas David Jardine và chiếc máy ảnh độc đáo của ông


Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm là thành quả sáng tạo trong suốt thời gian dài miệt mài lao động, tiếp xúc, hòa mình với cuộc sống của chính những con người trú ngụ ở hai bên cây cầu. Những hình ảnh bình dị đời thường, từ khuôn mặt đăm chiêu của một người đàn ông tóc bạc, người chiến sĩ công an làm nhiệm vụ, người phụ nữ nhặt rau kiếm sống …cho tới “chân dung” toàn cảnh của cầu Long Biên được ghép từ hàng trăm bức ảnh nhỏ (panorama).

Douglas Jardine chia sẻ: “Cầu Long Biên như sự kết nối hai bờ Sông Hồng, nối cả đôi bờ ký ức và lịch sử....nối quá khứ xa xưa và ta nhìn về tương lai của mảnh đất này. Và con người cũng kết nối với con người. Người giàu, kẻ nghèo, người ngoại quốc cũng như người bản địa, tất cả đều gặp nhau trên nhịp cầu Long Biên vượt thời gian để trái tim và cảm xúc của tất cả cùng hòa chung một nhịp.”

Được biết, sắp tới đây, những bức ảnh cùng câu chuyện thú vị liên quan xung quanh ông và cây cầu lịch sử sẽ góp mặt tại chương trình Lễ hội Festival Long Biên 2010. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Douglas.



Tôi được biết ông đã sống tại Việt Nam được 4 năm, vậy ấn tượng của ông về Việt Nam là gì thưa ông ?

Tôi yêu Viêt Nam, tôi đã từng sống ở Trung Quốc, Ấn Độ…khoảng 3 tới 5 năm, nhưng cuối cùng tôi quyết định chọn Việt Nam theo sự mách bảo trái tim, theo những gì tôi cảm nhận được ở nơi đây. Tôi yêu lịch sử lâu đời, nền văn hóa đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc của các bạn, tôi yêu những con người nồng hậu, những tình cảm ấm áp... Và đặc biệt tôi càng yêu Việt Nam hơn vì ở đây có vợ tôi ( đầu năm 2010, Douglas Jardine đã kết hôn với một cô gái Việt Nam, lễ cưới được tổ chức trên cầu Long Biên và hiện ông đang cùng gia đình sinh sống tại Hà Nội).



Vì sao cầu Long Biên lại có sức hấp dẫn lớn như vậy đối với ông ?

Cầu Long Biên không chỉ đơn giản là một cây cầu để đi lại, nó có những quá khứ lịch sử hào hùng, nó biểu trưng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân Việt Nam, nó là một sinh thể đặc biệt. Tôi bị thu hút không chỉ bởi tôi nghiên cứu về lịch sử cây cầu hay nhiếp ảnh mà còn bởi sự tương tác giữa những con người sống xung quanh cầu. Tôi đã ra bãi giữa sông Hồng và khám phá những con người nghèo nhất Hà Nội đang ngày đêm mưu sinh ở đây. Chứng kiến những tình cảm họ dành cho nhau, dù rằng họ rất nghèo và chẳng có gì. Tất cả là những mối chân tình. Tôi đã chứng kiến và chụp lại cảnh đời sống của họ, những lúc yên bình cũng như những lúc bão lũ, mưa gió…tất cả nằm trong dự án tập hợp những tài liệu bằng ảnh về những lần sửa chữa cây cầu trong thời gian chiến tranh để làm thành bộ tư liệu về công trình vĩ đại này với mong muốn góp phần vào việc bảo tồn cầu Long Biên. Và cũng bởi lẽ với tôi, cây cầu này còn là cây cầu của tình yêu. Tôi yêu nó, yêu Hà Nội, và yêu vợ mình.

Được biết sắp tới ông sẽ cùng những tác phẩm này tham gia vào lễ hội Festival Long Biên 2010, vậy ông có thể chia sẻ vài nét về điều này?


Như bạn biết đấy, xung quanh cây cầu này, người giàu, người nghèo, trẻ nhỏ, người già…tất cả họ đều có chung một sự kết nối với cây cầu này. Tôi muốn mang tới một thông điệp rằng: Cầu Long Biên không chỉ đơn thuần nối 2 bờ dòng sông mà còn là sự kết nối những mối quan hệ xã hội, kết nối lịch sử, từ quá khứ tới hiện tại của đất nước. Và hy vọng với việc làm nhỏ này của mình có thể góp phần vào việc bảo tồn một công trình lịch sử có giá trị văn hóa lớn lao.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu bất tận dành cho cầu Long Biên của một người Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.