(HNM) - Từng có thời khá trật tự, song gần đây tình trạng xe ôm, tài xế taxi chèo kéo khách lại tái diễn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự tại khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Tình trạng taxi dừng, đón khách lộn xộn tại Sân bay Tân Sơn Nhất. |
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do có một số cá nhân đứng ra "bảo kê", "tự quy hoạch" và phân khu bến bãi để xe ôm, taxi "dù" đón trả khách. Đâu là giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng lộn xộn này?
Những cuộc "chung chi"...
Tại cửa ngõ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - nơi mỗi năm đón hơn 25 triệu lượt khách, các nhóm xe ôm và các hãng taxi đậu khắp hai bên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng… đón khách. Trong đó lực lượng xe ôm hoạt động cơ động và tự do hơn cánh taxi - bao phủ quanh sân bay, thậm chí ngồi từng tốp ngay trước cổng thu phí. Trong 2 giờ đồng hồ, khoảng 20 lượt hành khách bước ra khỏi khu vực sân bay đều được nhóm xe ôm này nhiệt tình "chăm sóc". Điều đáng nói, ngay cả trong khu vực sân bay (đoạn trước nhà giữ xe máy), một số xe ôm còn đứng phục sẵn. Quan sát qua nhiều ngày, phóng viên trực tiếp chứng kiến trước cửa thu phí giữ xe luôn có ít nhất vài ba tài xế xe ôm đứng "săn" khách. Trong khi, dọc hàng rào sắt đối diện luôn có người dựng sẵn xe, liên tục mời chào: "Xe không anh, chị ơi? Anh, chị đi về đâu? Lên xe máy đi cho tiện, giá cả phải chăng…".
Trong vai hành khách vừa hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đi từ ga nội ra khu vực cổng sân bay, ngay lập tức có khoảng 4 đến 5 tài xế xe ôm vây quanh hỏi han. Một tài xế xe ôm tên L.V.T. (55 tuổi) cho biết, ông sống tại huyện Bình Chánh, mỗi ngày lên sân bay đón khách từ sáng đến chiều tối mới về. Sau khi trò chuyện thân tình, phóng viên được biết về quy trình gia nhập nhóm xe ôm tại sân bay mà theo ông T. thì "đây không phải là chuyện đơn giản. Nếu anh không có quan hệ hoặc người bảo lãnh, mà nếu có đi chăng nữa khi đủ số lượng rồi cũng không vào nhóm được".
Thắc mắc về việc mới hành nghề gần 2 năm mà đã được hoạt động tại đây, ông T. bật mí do có quan hệ với mấy đại ca. "Tôi đi nhậu với họ một vài lần và ngỏ ý muốn đến khu vực gần sân bay đón khách. Sau đó, họ chỉ cho tôi đến gặp một người "quản lý" cánh xe ôm ở sân bay để được gia nhập. Những người khác, đa phần họ phải có sự bảo lãnh của người làm xe ôm lâu năm mới được nhận vào", ông T. nói thêm. Cũng theo lời ông T., thỉnh thoảng vào đợt cao điểm, khi lực lượng công an địa phương và an ninh tại sân bay ra quân lập lại trật tự thì cánh xe ôm phải dạt ra lòng vòng bắt khách ở ngoài, nhưng sau một vài hôm đâu lại vào đó.
Phóng viên còn được biết thêm, mỗi "cuốc" xe ôm đưa khách đi, về đến sân bay ông T. phải nộp lại từ 10 đến 20 nghìn đồng cho "ban điều hành", mà theo ông thực chất đây là hoạt động "bảo kê" bến bãi. Mỗi ngày, ông T. có thể kiếm được trên dưới 400 nghìn đồng, đồng nghĩa mỗi tháng thu nhập không dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền "chung chi" cho mấy đại ca. Băn khoăn về việc nhóm "bảo kê" này hoạt động ra sao, có bao nhiêu người, phân chia địa bàn thế nào… thì ông T. cho hay mình cũng không được biết tường tận.
Chúng tôi tiếp tục làm quen với một tài xế tên là A., hành nghề xe ôm quanh khu vực sân bay nhiều năm nay và được biết, muốn hành nghề xe ôm ở đây phải "làm luật" cho mấy đại ca quản lý khu vực. Theo lời tài xế này, hiện quanh khu vực sân bay có khoảng 100 xe ôm hoạt động chia làm 2 ca/ngày. Theo đó, 50 tài xế sẽ hoạt động ban ngày và 50 người còn lại sẽ hoạt động vào ban đêm. Những tài xế như A., trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng nhưng tiền "chung chi" cho mấy đại ca "bảo kê" mất xấp xỉ một nửa. Đổi lại, cánh xe ôm ở đây được hành nghề ổn định, thu nhập hằng tháng tuy ít hơn so với trước nhưng cuộc mưu sinh hằng ngày cũng không đến nỗi nào.
...Và chuyện chèo kéo khách
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, kiêm Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không cho biết, tình trạng chèo kéo khách ngoài khu vực sân bay, đoạn đầu đường Trường Sơn… diễn ra nhiều năm nay. "Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn tới chính quyền địa phương và Công an Phường 2 (quận Tân Bình) đề nghị giải quyết, bởi khu vực ngoài sân bay thuộc trách nhiệm của các địa phương liên quan", ông Tiến nêu rõ.
Khi phóng viên đề cập đến việc nhiều tài xế xe ôm cũng như một số hãng taxi không được cấp phép vẫn trà trộn vào sân bay đón và chèo kéo khách, ông Nguyễn Đức Tiến thừa nhận có tình trạng trên, dù lực lượng an ninh sân bay cắm chốt và thường xuyên ra quân xử lý vi phạm nhưng vẫn không thể dẹp hết. Xe ôm tự phát, taxi "dù" có nhiều chiêu trò như: Đóng giả người nhà vào đưa đón; lợi dụng lúc cao điểm đưa đón khách để trà trộn vào sân bay. Thậm chí, nhiều tài xế xe ôm còn cho khách đi bộ ra khỏi khu vực sân bay mới chở đi theo yêu cầu.
Theo thống kê của Trung tâm An ninh hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng an ninh sân bay đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp tài xế xe taxi "dù" và xe ôm chèo kéo khách trong khu vực này.
Đâu là giải pháp?
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, bảo đảm công tác an ninh, trật tự tại khu vực sân bay thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý cần phối hợp chặt chẽ, chủ động đề xuất các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ tình hình. Còn theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, đã có quy chế phối hợp giữa lực lượng an ninh sân bay với chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố. Theo đó, các đơn vị đã ra quân xử lý những trường hợp đưa đón và chèo kéo khách làm mất an ninh, trật tự quanh khu vực sân bay và thực tế, thời gian gần đây, khu vực trong, trước và quanh sân bay, tình hình có chuyển biến nhưng chưa triệt để.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho rằng, vấn đề quy hoạch, tổ chức và sắp xếp lại các đơn vị vận tải tham gia đưa đón khách tại sân bay là mấu chốt. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, thời gian tới cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh và ngành Hàng không cần quy hoạch lại cách thức hoạt động của các đơn vị vận tải hành khách. Cụ thể, đối với lực lượng xe ôm cần có sự giám sát chặt chẽ, thậm chí, phải thành lập nghiệp đoàn để quản lý tốt hơn, từ đó hoạt động quy củ hơn. Cùng với các phương tiện truyền thống, việc quy hoạch cho các dịch vụ xe công nghệ tại khu vực sân bay để cung ứng, giải quyết nhu cầu đi lại một cách thuận lợi cho người dân cũng cần được triển khai. Mục đích cuối cùng là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các đơn vị vận tải; đồng thời, bảo đảm hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, qua đó giữ gìn an ninh, trật tự khu vực sân bay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.