Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình thương tiếp thêm sức mạnh

Hoàng Cường| 07/09/2010 07:17

(HNM) - Các em bị liệt tứ chi, các chị tắm rửa, vệ sinh cho các em. Các em lên cơn động kinh, co giật, các chị đứng bên canh chừng, phòng các em cắn vào lưỡi. Trái nắng trở trời, các em quậy phá, các chị nhẹ nhàng khuyên bảo, uốn nắn. Các em đi viện, các chị tất tả theo cùng, quên cả việc nhà... Các chị là những y tá, hộ lý ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Hà Nội, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Tình nguyện chăm sóc trẻ bị bỏ rơi.


Chị Nguyễn Thị Ngư, sinh năm 1960 là hộ lý ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Hà Nội. Những ai biết chị, người thì khen ngợi, người thì khuyên chị đi tìm một công việc mới, nhưng với chị, mỗi khi nhìn thấy những em nhỏ bị liệt, rồi lên cơn động kinh ngây ngô đến tội nghiệp, chị không sao rời bỏ chúng được. Tình thương đã tiếp thêm sức mạnh để chị gắn bó với nghề. Đến nay, với 32 năm làm hộ lý, chị không nhớ đã chăm sóc cho bao nhiêu số phận bất hạnh, nhưng với chị, được thấy các em nhỏ khỏe mạnh lên là chị vui rồi.

Năm 2001, chồng chị không may bị tai nạn giao thông, liệt nửa người. Mọi sinh hoạt của anh đều do chị phục vụ. Chị cứ đi lại như con thoi, hết đến trung tâm chăm sóc những người tàn tật nặng, lại ngược về nhà chăm chồng bị liệt. Vất vả là vậy, ấy thế nhưng có ai khuyên chị xin về nghỉ sớm, chị cứ lắc đầu nguây nguẩy: "Mình gắn bó với các em quen rồi nên chẳng nỡ lòng rời xa chúng. Mình muốn được chăm sóc các em, bù đắp một phần nào để các em vơi đi nỗi bất hạnh trong cuộc sống".

Hiện nước ta có 317 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó 138 cơ sở thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý, 100 cơ sở thuộc các tổ chức xã hội, 18 cơ sở do tư nhân thành lập và trực tiếp quản lý... Có 3.708 cán bộ, nhân viên đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó nữ chiếm 63%... Hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 26.961 người, trong đó có 5.492 trẻ mồ côi, 3.560 người khuyết tật, 4.192 người tâm thần mãn tính...

Mỗi y tá, hộ lý ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Hà Nội có hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung là hết lòng vì những người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, người lang thang. Chị Nguyễn Thị Thoa gắn bó với trung tâm đã 10 năm, tâm sự: "Tôi rất thương những người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ khuyết tật phải vào đây bởi họ có hoàn cảnh hết sức eo le. Có những em vừa khuyết tật, vừa bị thần kinh, bình thường rất ngoan nhưng khi lên cơn động kinh thì sẵn sàng ném chai lọ, giày, dép vào chúng tôi. Những lúc như vậy tôi không giận mà thấy thương chúng hơn. Làm việc ở đây ngoài tinh thần trách nhiệm cao cần phải có một chữ tâm thì mới trụ lại lâu được". Chị Thoa không lập gia đình, mọi tình cảm thương yêu chị đều dành cho những số phận bất hạnh ở trung tâm. Nhìn cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt âu yếm của chị khi chăm sóc những em nhỏ khuyết tật nặng mới thấy chị là một "người mẹ", một người bảo mẫu thật sự.


Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Hà Nội hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 162 người già cô đơn, người lang thang, trẻ khuyết tật, trong đó có 45 trẻ khuyết tật nặng, mọi ăn uống, sinh hoạt đều phải có hộ lý phục vụ... Mỗi hộ lý chăm sóc 10-20 đối tượng.  Chị Ngư cho biết: "Các đối tượng vào đây đều bị bệnh tật nên rất hay đau ốm. Một người sốt thì kéo thêm vài người sốt theo. Thời tiết thay đổi, bệnh tật hoành hành, nhiều em bị động kinh thường la hét, đập phá. Thuốc không có tác dụng, chúng tôi chỉ biết ôm các em vào lòng, lấy tình cảm của người mẹ dỗ dành chúng". Vất vả là thế nhưng đồng lương lại quá ít ỏi, chị Ngư có biên chế nên lương còn khá, chứ như chị Thoa dù đã công tác được 10 năm nhưng chỉ là hợp đồng nên mỗi tháng được 880.000 đồng. Tình thương những mảnh đời bất hạnh đã giúp các chị y tá, hộ lý quên đi những lo toan, vất vả hằng ngày. Khi những người già, người khuyết tật... vui chơi là lúc các chị bận bịu nhất, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo... công việc luôn tất bật từ sáng cho đến tốt mịt. Một ngày các chị chỉ dành cho gia đình riêng của mình hai tiếng đồng hồ vào buổi trưa.

Nhờ sự chăm sóc nhiệt tình, tận tụy của các y tá, hộ lý, nhiều trẻ khuyết tật trước khi vào sống ở trung tâm ngây ngô không phân biệt được gì, sau một thời gian được rèn luyện, đã có nhận thức về cuộc sống. Em Nguyễn Thị Phúc, liệt tứ chi, bị người thân bỏ rơi ở Bệnh viện Đa khoa Hà đông. Ngày mới vào trung tâm, Phúc bị suy dinh dưỡng nặng và hay bị động kinh, xé chăn màn, quần áo, tự giật tóc mình. Được các y tá, hộ lý chăm sóc, sức khỏe của Phúc có nhiều tiến bộ, những đợt động kinh bớt dần đi. Em Vũ Thị Rinh, cũng bị liệt tứ chi, đầu óc lại không được như người bình thường nên rất hay kêu gào, quậy phá. Các y tá, hộ lý phải nhẹ nhàng khuyên bảo, uốn nắn, dần dần Rinh có ý thức hơn, không còn quậy phá, đập đồ đạc như trước nữa.

Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 Hà Nội có 37 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 16 người làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ khuyết tật. Trong số này chỉ có 3 y tá, 6 hộ lý. Vì thế để chăm sóc các đối tượng, các y tá, hộ lý phải "căng mình" làm việc hết sức vất vả. Nói như anh Lê Công Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm, "nếu không có tấm lòng yêu thương, không có tấm lòng vị tha và cống hiến cuộc đời mình cho xã hội thì có lẽ những người y tá, hộ lý này sẽ bỏ trung tâm, bỏ những người già cô đơn, những đứa trẻ khuyết tật bất hạnh để đi tìm một cuộc sống mới...".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình thương tiếp thêm sức mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.