Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình thương bị đánh cắp

Vũ Ngọc - Tuấn Nguyên| 10/11/2015 06:11

(HNM) - Xưa, chỉ có những ai bần cùng mới phải ngả nón xin tiền thiên hạ. Ấy vậy mà trong xã hội ngày nay, ăn xin lại trở thành nghề


Trẻ con... "đạo cụ" xin tiền

Có mặt tại cổng Chùa Hà (quận Cầu Giấy) vào 9 giờ sáng, ngày đầu tháng Chín âm lịch, chúng tôi gặp cảnh hàng chục phụ nữ trẻ bế trên tay những đứa bé khoảng 1 đến 2 tuổi rao bán những đồ lặt vặt như dây buộc tóc, bấm móng tay, lược, kẹo cao su… Đầu đội mũ vải, vai khoác chiếc túi cũ kỹ, những người này thường xuất hiện với vẻ ngoài nhếch nhác, khuôn mặt luôn tỏ ra buồn rầu, khổ sở. Quan sát khoảng 5 phút, một phụ nữ bế bé trai chừng 2 tuổi tiến đến chỗ tôi và khẩn khoản mời: "Mua giúp em đi chị. Thương mẹ con em với!". Thời tiết hôm đó khá lạnh, nhưng đứa bé chỉ được mặc một chiếc áo phông mỏng. Khi thấy chúng tôi không mặn mà, với giọng yếu ớt, chị ta vẫn cố nài theo: "Hàng ế ẩm nên em hết sạch tiền mua sữa cho con rồi, mong các chị làm phúc". Dứt lời, người này bế đứa trẻ ra trước kèm theo điệp khúc "Thương mẹ con em với!" được lặp đi lặp lại như đã lập trình.

Hình ảnh về những người ăn xin rởm được người dân ghi lại.



Người dân sống gần chùa cho biết, vào các ngày rằm, mùng một hoặc ngày lễ tết, những phụ nữ này thường tới đây hành nghề từ sáng sớm tới tối mịt. Còn những ngày khác, họ chủ yếu tìm đến nơi đông người như ngã ba, ngã tư, bệnh viện, bến xe, điểm xe buýt, chợ, quán ăn… Theo quan sát của chúng tôi, khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng này thường lảng vảng xung quanh khu vực cổng chùa hoặc đứng thành từng nhóm 2, 3 người. Tranh thủ lúc người đi lễ đông, họ lẻn vào bên trong chùa để hành nghề. Tuy nhiên, các đối tượng không vào cùng một lúc mà thường chia thành từng đôi, hễ đôi này ra thì đôi kia vào như đã được thỏa thuận từ trước. Thấy cảnh mẹ trẻ, con thơ, nhiều người dân mủi lòng ghé lại cho tiền và rất nhiều hoa quả. Ngược lại, nếu ai xua tay từ chối mua hàng, những người này sẵn sàng bám theo để nài nỉ, chèo kéo. Có nhiều người chấp nhận rút ví mua đại một thứ gì đó để tránh bị làm phiền, nhưng cũng không ít người nổi cáu vì bị đeo bám quá dai dẳng…

Hỏi về những người phụ nữ này, ông Tấn - người có gần 10 năm bán hàng ở cổng chùa, cho biết: "Bán hàng chỉ là cái cớ vì khách mua hàng thì ít mà cho tiền thì nhiều. Nhìn vậy thôi chứ họ kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày là chuyện thường, có đứa còn xây được nhà lầu ở quê đấy. Cứ đến khoảng 5, 6 giờ chiều, họ bắt đầu tản dần, đứa đi bộ, đứa bắt xe buýt, thậm chí có người còn được chồng cưỡi xe xịn đến đón". "Nhìn bọn trẻ con sàn sàn tuổi nhau, chắc các mẹ này rủ nhau đẻ cùng một lúc?", tôi hỏi. Vừa pha cốc trà đá cho khách, ông Tấn vừa lắc đầu: "Hình như họ đều đi thuê, đi mượn cả đấy. Thỉnh thoảng có vài đứa ra quán của tôi ngồi đếm tiền, sau đó pha một gói thuốc gì đó cho đứa bé uống. Tôi không biết đó là thuốc gì, nhưng rất ít khi tôi thấy mấy đứa nhỏ quấy khóc, có bé lại ngủ li bì cả buổi. Làm gì thì làm nhưng nếu mang trẻ con ra để kiếm chác thì đúng là ác quá!".

1.001 kiểu ăn xin

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng tải rất nhiều hình ảnh về một cô gái mang thai nghèo khổ. Với khuôn mặt đờ đẫn, nước da nhợt nhạt thường tìm đến những nơi đông người để… ngất. Khi những người đi đường ghé lại hỏi han, chị ta cho biết mình phải nhịn đói nhiều ngày, không chịu được nên ngất. Vừa nói vừa lau nước mắt, chị này bảo mình bị cưỡng hiếp, hiện thai đã được 8 tháng, bố đứa bé đang ở địa chỉ nọ, địa chỉ kia... Do lo lắng và sợ bố mẹ mắng nên chị đã bỏ nhà đi được một thời gian. Năm nay 18 tuổi, chị cứ đi lang thang, không có chỗ ngủ, không có tiền ăn nhưng cũng không dám về quê…

Chứng kiến hoàn cảnh bi đát của cô gái trẻ, rất nhiều người đi đường đã mủi lòng. Họ cho tiền, mua bánh mì, sữa, hoa quả, thậm chí có người còn đưa chị ta đi ăn, sau đó chở ra bến để bắt xe về quê. Nhưng cứ hễ thấy ai ngỏ ý đưa vào viện khám thai và sẵn sàng chi trả mọi chi phí, người phụ nữ này vùng vằng và tìm cách từ chối. Chỉ khi những hình ảnh về cô gái này lan tràn trên các trang mạng xã hội, người dân mới biết họ bị lừa.

Chủ facebook An Huu Tuan Le cho hay: "Cô gái này diễn trò này nhiều lần rồi. Một ngày diễn nhiều lần ở nhiều địa điểm khác nhau cơ. Nghe nói thu nhập mỗi ngày lên đến cả triệu đồng". Cũng theo cư dân mạng, cô gái này tên thật là Yến, sinh năm 1997, trú tại Đội 4, thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chứ không phải ở các miền quê xa. Địa điểm "hành nghề" của đối tượng này cũng rất đa dạng, thường là những nơi đông người qua lại như: Linh Đàm, Mễ Trì, hầm Kim Liên, Cầu Giấy, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Phạm Hùng…

Tìm về thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, nhóm phóng viên được biết thời gian gần đây Yến thường rất ít khi về nhà. Hoàn cảnh gia đình chị ta cũng rất éo le, bố mẹ Yến đã lớn tuổi và đều có triệu chứng của bệnh tâm thần. Từ nhỏ đã bị cho là chậm phát triển hơn bạn bè đồng lứa, đến khoảng 14 tuổi, Yến bắt đầu bỏ nhà đi lang thang, có khi vài tháng mới về nhà một lần. Bà Nguyễn Thị P., Đội 4, thôn Quỳnh Đô cho biết: "Tiếp xúc thì tôi thấy Yến cư xử bình thường, thậm chí có lúc rất khôn. Vậy mà không hiểu sao nó cứ bỏ nhà đi lang thang suốt ngày, chắc do thích chơi bời, quen tiêu tiền nhưng lại lười lao động. Yến bị công an bắt liên tục. Cách đây khoảng 1 tháng, bị bắt ở Xuân Đỉnh, mẹ nó phải thuê taxi đến tận nơi đón về. Mấy bữa trước tôi có đến nhà Yến nhưng vừa nhìn thấy tôi, nó đã nhảy tót lên giường đắp chăn kín mít". Anh Vũ Văn A. nhà ở Đội 3 cùng thôn cho biết thêm: "Yến đanh đá và tiêu tiền cũng rất bạo. Dạo trước tôi hay gặp Yến ở quán điện tử, nhiều lần còn thấy nó vừa chơi vừa phì phèo hút thuốc lá". Khi được hỏi về chuyện chị ta mang bầu, đa số người dân đều tỏ ra khá ngạc nhiên. Cũng có một vài người nửa đùa, nửa thật: "Nó mang thai mấy năm mà vẫn chưa chịu đẻ".

Cũng trong thời gian qua, dưới gầm cầu vượt trên cao, đoạn qua Linh Đàm thường xuất hiện một nam thanh niên bị hoại tử chân. Theo người dân phản ánh, một chân của anh ta đỏ ửng, sưng rất to, xung quanh đoạn từ đầu gối đến cổ chân đặc một màu đen. Đặt một chiếc túi nilong trước mặt, người này thường ngồi cúi mặt hàng giờ để xin tiền những người qua đường. Thế nhưng, cũng như Yến, mánh khóe của anh ta cũng bị mọi người lật tẩy. Được biết, người này bị nghiện ma túy rất nặng, trước đó đã từng xuất hiện ở một số nơi đông người để xin tiền như: Chùa Bộc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Ngoài các trường hợp kể trên, trên địa bàn Hà Nội còn xuất hiện rất nhiều kiểu ăn xin trá hình khác như: Cặp mẹ con nghèo khổ giả bị lạc đường trên các tuyến đường cao tốc, giả nhà sư, giả bị tật nguyền, giả bị mắc các bệnh hiểm nghèo… Mánh khóe của các đối tượng rất đa dạng và ngày càng tinh vi, tuy nhiên chiêu bài đánh vào lòng thương hại của người dân vẫn được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Là người từng dừng xe để cho tiền người đàn ông bị hoại tử chân, chị Lê Thị Thùy (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) thất vọng nói: "Thật giả lẫn lộn, đáng buồn khi tình thương, lòng tốt của con người lại đang bị đem ra để kiếm chác, trục lợi".

Vẫn biết "lá lành đùm lá rách" là truyền thống tốt đẹp của người Việt, song mỗi người dân hãy thật tỉnh táo và cảnh giác để tình thương, sự tử tế của mình không bị những kẻ xấu lợi dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình thương bị đánh cắp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.