Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần xây để chống

Người Lái Đò| 11/05/2014 06:32

(HNM) - "Giai điệu tự hào" - chương trình phát sóng định kỳ hàng tháng như một "món ăn" tinh thần mới và lạ trong xu hướng các chương trình gameshow đang bão hòa hiện nay.



Chương trình không chỉ là sự chuyển giao bản quyền từ format "Tài sản quốc gia" của Đài Truyền hình quốc gia Nga, mà còn phản ánh nhu cầu tất yếu của đời sống thẩm mỹ và tinh thần người Việt Nam: "Ôn cố tri tân".

Tuy nhiên phía sau một chương trình là cả một câu chuyện lớn về tinh thần "xây để chống" - khơi dậy, bồi đắp những điều tốt đẹp để chống lại sự vô cảm, lối sống vị vật chất.

"Giai điệu tự hào" ra đời nhằm khơi lại sức mạnh tinh thần đã đồng hành cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, việc tuyển chọn những ca khúc cách mạng trong các chủ đề của chương trình, không chỉ dừng lại ở góc độ âm nhạc và nghệ thuật, cũng như sự hiện diện của Hội đồng bình luận hai thế hệ trong chương trình; không chỉ đơn thuần là sự trao đổi, bàn luận về âm nhạc, mà còn là sự đối thoại về văn hóa, tư tưởng và xã hội giữa hai thế hệ đối với các vấn đề kinh tế, chính trị - xã hội tại thời điểm mà các ca khúc cách mạng ra đời.

Có thể nói, đó cũng là một chương trình mang tinh thần thắp lửa và giữ lửa yêu nước. Chúng ta dễ gặp trên các trang mạng xã hội những "status" (dòng ghi trạng thái cảm xúc) liên tưởng đến cuộc trường chinh của cha anh họ từ sự khơi gợi cảm xúc của "Giai điệu tự hào".

Cũng dễ thấy, lần đầu tiên trên truyền hình, những vấn đề chính trị, tư tưởng và văn hóa thông qua âm nhạc được đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn, cởi mở, dù rằng có không ít những ý kiến trái chiều xảy ra. Bên cạnh những ý kiến đóng góp chính xác và hữu ích, cũng có những ý kiến thiếu tinh thần xây dựng. Điều đó không lạ. Nó cho thấy những nỗ lực vun đắp cho tinh thần văn hóa của dân tộc đòi hỏi sự liên tục, dù là từ những chương trình trên truyền hình.

Câu chuyện giai điệu tự hào chỉ là một ví dụ, một phép thử xã hội. "Xây để chống" vẫn phải là một tinh thần chủ đạo của văn hóa Việt trong thời đại hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần xây để chống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.