Định dạng cho một đội bóng, hay một nền bóng đá không chỉ là thành tích hay những chiếc cúp, mà nó còn là tính cách trong tinh thần và lối chơi.
Khái niệm “chiến đấu” - Tinh thần Việt
Các đội tuyển Việt Nam (ĐTQG và U23 QG) đã đạt được một phẩm chất mà hầu như trong chúng ta ai cũng dự báo khi ông Calisto được lựa chọn làm HLV trưởng, đó là đội bóng có tinh thần chiến đấu là ưu điểm.
Bản sắc còn là phong cách chơi bóng của ĐT U23 cũng có những điểm tương đồng với ĐTQG. |
Ông Calisto gọi nó rất ngắn gọn là chiến đấu (fighting). Trong cả các buổi tập, tính chiến đấu ấy cũng được huấn luyện và xây dựng, khi ông bắt buộc các cầu thủ phải tập như đá thật, có đủ những động tác hành vi của thứ bóng đá chiến đấu chứ không chỉ là tì đè.
Thực ra không phải tới bây giờ chúng ta mới có một đội bóng đề cao tính chiến đấu tới mức như một tiêu chuẩn để chọn lọc cầu thủ. Không có HLV nào bỏ qua yếu tố tinh thần và cũng chưa có ông thầy ngoại nào ở Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ qua lại xem nó là thứ yếu. Ngay các đội bóng ở đẳng cấp CLB cũng không là ngoại lệ. Sông Lam Nghệ An của 1 thập kỷ về trước đã là một CLB như thế.
Vấn đề là ông Calisto có nghệ thuật làm tinh thần cho các cầu thủ (thể hiện qua 8 năm làm việc ở Việt Nam), đã đẩy tính chiến đấu lên tới mức cao nhất.
Người Việt Nam xem ĐTVN không đòi hỏi các cầu thủ phải chơi bóng đá như trên tivi (bóng đá Anh, Tây Ban Nha). Đôi khi, trước các đối thủ đẳng cấp hơn, họ chỉ cần các cầu thủ phải chạy, phải đuổi theo trái bóng, phải xốc tinh thần lên để tranh chấp bóng, để đua tốc độ, hay nói đúc kết hơn là xả thân. Tinh thần bù chuyên môn, như thế cũng thỏa mãn được và có vẻ như nó tiếp nối được hình ảnh của các thế hệ đội tuyển trong quá khứ (đăc biệt là những năm còn chiến tranh) luôn chơi bóng với cả trái tim.
Có một mặt trái của thứ bóng đá đơn thuần dựa vào tinh thần là nếu nó không ở trạng thái tốt nhất trong những thời điểm quyết định của một trận đấu hay một giải đấu thì đội bóng ấy gần như sẽ là kẻ thất bại. Hoặc tinh thần được đẩy lên đến mức quá cao, nó cũng có thể khiến đội bóng rơi vào trạng thái căng cứng.
Hoặc nếu chỉ có đâm, lao, tắc sai luật thì đấy là thứ bóng đá chém đinh chặt sắt và khó lòng đạt được thành công. Sông Lam Nghệ An 1 thập kỷ được coi là số 1 của chiến đấu, đã 2 lần đăng quang còn là nhờ họ có những trung vệ hàng đầu như Hữu Thắng, tiền vệ làm bóng tài năng (và cũng không thiếu tật) Phan Thanh Tuấn và tiền đạo chơi thuần túy kỹ thuật, giàu tốc độ là Văn Sỹ Hùng.
Còn nhớ, sau VFF Cup 2008, HLV Calisto đã thông qua báo chí để bày tỏ sự ngưỡng mộ về phẩm chất chơi bóng “bằng đầu” của các cầu thủ Thái Lan, như một cách để “huấn thị” cho các học trò của ông về cách thi đấu không phải lúc nào cũng hùng hục chạy, cả trận hăm hở tắc bóng. Có những thời điểm và có những trận đấu cần phải biết giữ quả bóng trong chân, chuyền qua chuyền lại để kiểm soát tốc độ trận đấu.
Từ trường phái Latin tới lối chơi Việt
Bóng đá không chỉ là cuộc chơi của sức lực, có cả yếu tố trí tuệ. Sức mạnh, đẳng cấp, chiều cao của một đội bóng vì thế cũng có thể hiểu, là nó không được tính từ mặt sân tới đầu của các cầu thủ, mà từ đỉnh đầu lên tới bầu trời. Thế giới chưa bao giờ thừa nhận các đội bóng to khỏe mặc nhiên là các đội bóng có ưu thế chiến thắng (những người Scandinavia chưa bao giờ vô địch thế giới).
Trong suốt 2 năm dẫn dắt các ĐTVN, ông Calisto vẫn không quên là các cầu thủ VN thấp và nhỏ hơn các đối thủ (kể cả khi so với trong khu vực) và cũng chưa bao giờ quên tính toán về chiều cao của mỗi đội bóng ông dẫn dắt. Có 2 lần ông công khai nói về điều này. Năm 2008, ông nói với phóng viên nhật báo O Globo (nhân dịp Olympic Brazil đá giao hữu với ĐTVN), rằng “các cầu thủ Việt Nam có hạn chế về thể hình, và đó cũng là đặc điểm chung của người Việt Nam do ít ăn thịt bò”. Năm 2009, khi lên danh sách chừng 30 cầu thủ cho đội hình U23 VN chuẩn bị cho SEA Games, ông nói với các phóng viên Việt Nam rằng đây có lẽ là đội hình thấp nhất khi nhắc tới những cái tên như Danh Ngọc, Thành Lương, Đình Tùng... (những người chỉ cao hơn 1m6).
Một ĐTVN có bản sắc sẽ “sản xuất” ra được nhiều niềm vui chiến thắng. Ảnh: Quốc Khánh |
Nhưng cũng trong quãng thời gian này, chúng ta lại được chứng kiến một ĐTVN chơi thứ bóng phù hợp nhất, đúng như cái mà chúng ta đã chờ đợi và đòi hỏi từ bao năm qua, rằng có hay không một lối chơi Việt.
Nói cụ thể hơn, đó là lối chơi dựa chủ yếu vào các pha xử lý ít chạm, ở đoạn ngắn và bằng những đường chuyền tầm thấp, giống như các đội bóng thuộc trường phái Latin trên thế giới thể hiện. Cách chơi này giảm đi những pha đua tốc độ ở đoạn dài, bớt đi các pha bóng tranh chấp ở tầm cao, đồng thời nó tạo đất cho sự nhanh nhẹn, khéo léo và tính đồng đội được thi triển.
Xem các ĐTVN chơi bóng theo phong cách đó, có lẽ mỗi người chúng ta đều thấy gần gũi, không phải vì nó giống với cái cách mà chúng ta hay đá “gôn tôm” mỗi sáng sớm dậy tập thể dục ở dưới lòng đường hay buổi chiều ở sân kho, sân phường, sân trường, sân khu nhà chung cư sau khi đi học, đi làm về. Như đã nói, nó phù hợp với tố chất của cầu thủ Việt Nam, để họ được thoải mái chơi bóng và tự tin hướng tới mục tiêu chiến thắng.
Đó đã là bản sắc?
Nếu như HLV Calisto không tiếp tục dẫn dắt các đội tuyển, liệu lối chơi Việt và tinh thần Việt ấy có được duy trì? Tìm kiếm một HLV có đẳng cấp cao hơn và cũng chia sẻ những triết lý mà chúng ta đã thừa nhận là phù hợp với bóng đá Việt là điều không phải không thể, nhưng khó. Không phải vì ông Calisto là người nằm trong số những người xuất sắc nhất thế giới. Sự khác biệt trong cách làm luôn tồn tại giữa các HLV khác nhau.
Một điều rất cũ nhưng không “mất giá”, là đội tuyển phải được xây dựng trên nền tảng của các CLB. Không thể đòi hỏi các CLB cùng xây dựng một lối chơi. Và không thể có viễn cảnh 14 đội bóng cùng chiến đấu như những người lính.
Nhưng bao giờ cũng thế, các cầu thủ luôn biết chiến đấu khi cần thiết, luôn tự hào khi đứng trong đội ngũ các tuyển thủ là những cầu thủ được đào tạo và dạy dỗ một cách tử tế từ khi còn là một cầu thủ trẻ. Đôi khi chúng ta vẫn hiểu và vẫn đang làm một việc là lấy tiền để làm mồi cho ngọn lửa tinh thần bốc lên. Đúng, 5 hay 10 tỉ đồng tiền thưởng cho một chiếc cúp sẽ khiến bất cứ ai lấy đá bóng làm nghề phải xao động. Nhưng như người ta vẫn nói, cái gì đã mua được bằng tiền, thì có thể bị bán để kiếm nhiều tiền hơn.
Một thế hệ cầu thủ biết chơi bóng hiệu quả nhất, thông minh nhất là những người ngay từ lúc chập chững vào nghề đã được huấn luyện những kỹ năng và tư duy chiến thuật cơ bản.
Đó là cách duy nhất để chúng ta có một đội tuyển có đầy đủ những tính cách Việt, phẩm chất Việt cùng những tư duy bóng đá hiện đại ngay cả trong mọi hoàn cảnh.
Đội tuyển Hà Lan dù dưới bàn tay của “đại tướng” Rinus Michel trước kia hay ngày nay là Dick Advocaat, Van Basten rồi Bert Van Marwijk thì nó vẫn “bay” với thứ bóng đá tấn công tổng lực và khai thác triệt để sức mạnh của những cầu thủ chạy cánh. Đội tuyển Argentina, dù đang được dẫn dắt bởi một Maradona làm thầy chỉ tài năng bằng 1% khi ông làm trò, vẫn có ít nhiều những sự tinh quái bên cạnh chất tango quyến rũ. ĐT Anh hiện tại có “thuyền trưởng” là Don Capello nhiều mưu mẹo đến từ đất nước của bóng đá phòng ngự (Italia) vẫn chơi rất quân tử: Dám tấn công và cho đối thủ cơ hội tấn công trở lại.
Những truyền thống ấy được đúc kết qua nhiều thế hệ, qua hàng chục năm và vẫn đậm nét như thế cũng là xuất phát từ yếu tố nền tảng chứ không thể là công sức của một cá nhân huấn luyện viên nào. Xét về bản chất, các HLV giỏi là người tìm ra điểm mạnh điểm yếu của các cầu thủ và phát huy nó một cách hiệu quả nhất.
Thế nên, chuyện của BĐVN, bản sắc và sức mạnh của các đội tuyển ở thời điểm này có thể là chuyện đi ở của ông Calisto, nhưng cho cả một quá trình phát triển sau này, nó nhất quyết là chuyện của cả một nền bóng đá!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.