Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần thượng tôn pháp luật bị đe dọa - Do đâu?

Đinh Tuấn Anh| 19/11/2012 06:22

(HNM) - Đến hôm nay, những bức xúc trong dư luận quanh chuyện phạt người đi xe máy không "chính chủ" theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-11-2012) đã phần nào lắng xuống, người dân đã thở phào nhẹ nhõm sau khi có những giải thích của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, qua sự kiện này cho thấy rõ hơn một điểm yếu rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, đặc biệt là việc gần đây có nhiều chính sách chưa sát thực tế dẫn đến người dân và người thực thi hiểu sai, thực thi kém hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược gây những bức xúc trong xã hội.

Trở lại năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII, khái niệm "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" lần đầu tiên được Đảng ta chính thức sử dụng. Nhà nước pháp quyền tức là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi tổ chức, hoạt động phải dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của mình. Pháp luật chính là phương tiện để Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội, là phương tiện thực hiện và bảo đảm để bảo vệ chủ quyền đất nước, an ninh trật tự xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi công dân.

Thế nhưng, khi pháp luật xây dựng chưa đáp ứng được các yêu cầu của xã hội thì hệ quả sẽ ra sao? Điều này không khó để đưa ra đáp án. Thực tế, chưa bao giờ phản ứng của dư luận nhân dân trước một chính sách pháp luật lại rõ ràng và quyết liệt như sự kiện "xe chính chủ" vừa rồi. Dù rất nhiều người đã biết, quy định về việc phải sang tên đổi chủ khi sở hữu phương tiện đã có từ năm 1995 và được tiếp tục bổ sung trong các Nghị định 33, Nghị định 34 năm 2010, rồi Thông tư 36 của Bộ Công an. Nhưng tại sao bây giờ áp dụng lại khiến người dân "ngã ngửa" và phản ứng mạnh như vậy?

Phải khẳng định, với tình hình giao thông cũng như những phức tạp phát sinh trong công tác quản lý phương tiện, quản lý xã hội hiện nay thì việc siết chặt lại là cần thiết.

Điều này vừa tăng tính trách nhiệm của chính người chủ phương tiện, phù hợp về quy tắc trao đổi dân sự về tài sản, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, đặc biệt trong việc phòng ngừa đấu tranh với tội phạm liên quan. Ở các nước phát triển, nếu xe vi phạm cảnh sát chỉ cần dán biên lai, hoặc dùng hình ảnh camera giám sát người chủ xe phải tự giác đến nộp phạt. Chỉ điều ấy thôi cũng đủ cho thấy việc đăng ký "chính chủ" cần thiết như thế nào.

Nhưng làm thế nào để chính sách được người dân tiếp nhận lại là một điều không thể làm theo chủ quan, duy ý chí? Một quy định pháp luật đã có ngót nghét hai chục năm và được quy định trong nhiều văn bản, nhưng lại bị "bỏ quên", để rồi đột ngột được cơ quan chức năng cho "sống dậy" cùng với những chế tài khắt khe hơn đã khiến cho người dân sửng sốt. Điều này trước hết phải đặt ra trách nhiệm của khâu tuyên truyền, chỉ đến sát ngày triển khai mới thấy báo chí nhắc đến khiến người dân chưa có nhiều thông tin về quy định. Song cốt lõi của vấn đề là ở việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật chưa tốt. Những phản ứng của người dân cho thấy một xu hướng phản biện, tham gia vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã mạnh mẽ hơn, tích cực hơn. Chỉ tiếc là việc góp ý ấy mới chỉ được thực hiện khi văn bản đã ban hành. Cách đây chưa lâu, dư luận cũng đã liên tiếp xôn xao về một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu sát thực hoặc chưa tạo được đồng thuận như quy định về CMND mới có tên cha mẹ do Bộ Công an ban hành, quy định về kiểm soát trứng gia cầm, quy định chỉ được bán thịt được giết mổ không quá 8 giờ của Bộ NN& PTNT, quy định xử phạt người nghe điện thoại ở cây xăng… Trong đó đã có những văn bản được cơ quan chức năng thu hồi vì không thể áp dụng trên thực tế. Giá như những văn bản ấy từ khi soạn thảo đã được thông tin công khai để người dân tham khảo, góp ý có lẽ mọi chuyện đã tốt hơn. Với trường hợp quy định về "xe chính chủ", ngay sau khi dư luận lên tiếng, nhiều cán bộ của ngành công an cũng đã giải đáp trên báo chí. Nhưng tiếc là ngay chính quan điểm của những người có trách nhiệm cũng không thống nhất, thậm chí còn khiến người dân hoang mang hơn, đẩy những tranh cãi trong xã hội thêm gay gắt. Chẳng hạn, có một giải thích cho rằng cảnh sát giao thông Hà Nội đã "hiểu sai" quy định? Nếu quả thực như vậy thì cần phải xem lại luật, quy định mà đến cơ quan thực thi cũng hiểu sai thì làm sao đòi hỏi người dân hiểu đúng, làm sao mà thuyết phục người dân đồng thuận?

Khi Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy vai trò nhà nước pháp quyền, tức là mọi tổ chức, công dân đều phải thực thi nghiêm chỉnh những điều luật pháp đã quy định. Tất nhiên ngược lại, để người dân tuân thủ pháp luật cũng đòi hỏi pháp luật phải được xây dựng trên tinh thần phục vụ nhân dân, vì lợi ích của người dân, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, ban hành đúng quy trình, đúng thẩm quyền, bảo đảm tính khả thi… Nhưng theo đánh giá cách đây chưa lâu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thực trạng kém chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành có thể gói gọn trong "chín không": Không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực! Thực tế nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến rất nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn. Sự thay đổi quá thường xuyên dẫn đến hệ thống văn bản dưới luật mất tính ổn định, làm giảm hiệu lực của văn bản luật, gây khó khăn cho thực hiện và tác động xấu đến sự ổn định xã hội. Còn nhớ một dạo, người dân một số quận của Hà Nội không được đăng ký hơn một chiếc xe máy khiến cho người ta nháo nhào phải nhờ vả, thuê mướn đăng ký, chẳng ai quan tâm đến chuyện cần phải "chính chủ" hay không, và bây giờ không ít người sẽ phải nộp phí để "trả lại tên" với chính chiếc xe của mình.

Dân "nhờn" luật. Một phần do ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của chính người dân chưa tốt, nhưng phần mang tính quyết định chính là do chất lượng quy phạm yếu. Một hệ thống pháp luật có chất lượng thì phải bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội thời điểm ban hành và có tính dự báo trong tương lai. Chất lượng luật là cơ sở quyết định cho việc áp dụng pháp luật đạt được kết quả cao trong thực tiễn. Nếu chất lượng thấp, tính khả thi kém thì luật không phát huy được tác dụng hoặc không thể thực hiện được. Mà muốn khả thi cũng cần phải tính đến các điều kiện về tổ chức thực hiện, con người có cho phép thực hiện được không, dư luận xã hội sẽ tiếp nhận như thế nào… Bài học điển hình còn đó chính là quy định cấm hút thuốc nơi công cộng có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Những tưởng khi "lệnh" được ban hành thì tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng sẽ được cải thiện, tuy nhiên đến thời điểm này số trường hợp bị xử lý mới chỉ tính được trên đầu ngón tay. Một văn bản khác là Quyết định số 102/2007/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định về việc trông, giữ, quản lý tang vật, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Văn bản này đã được thi hành, nhưng nó được xem là một điển hình của việc xây dựng pháp luật thiếu sự khảo sát thực tế, gây thiệt hại cho người dân. Văn bản này quy định tất cả phương tiện bị tạm giữ phải đưa về các điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ. Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông mỗi ngày quá lớn, số vụ vi phạm trật tự ATGT và lượng xe bị tạm giữ không hề nhỏ, khiến những điểm tạm giữ xe theo quy định không đáp ứng được. Cực chẳng đã, cơ quan chức năng phải đem xe của người dân bị tạm giữ gửi ở các bãi tư nhân, dãi dầu nắng mưa bị hỏng hóc, gây thiệt hại cho người dân. Ngay chính trong Nghị định 34/2010 là văn bản có quy định về "xe chính chủ" cũng còn có những quy định không sát thực tế như quy định xử phạt vi phạm luật giao thông đối với người đi bộ; quy định xử phạt những người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do cấp tỉnh quy định để phân biệt với những người tham gia giao thông khác; quy định xử phạt với những lái xe vận chuyển container không có bằng FC. Ở lĩnh vực văn hóa, chuyện quy định diễn viên, ca sĩ được ăn mặc hở đến đâu được điều chỉnh và bàn thảo nhiều đến mức bây giờ người dân có lẽ chẳng còn quan tâm nữa, còn trên sân khấu "hở", "lố" vẫn cứ tồn tại như một thách thức với cơ quan quản lý.

Trở lại vụ việc "xe chính chủ". Khi dư luận đang sửng sốt nhất về chuyện "xe chính chủ" thì một vị lãnh đạo Bộ Công an lại đưa ra lời giải thích: "Trong trường hợp bị CSGT thổi còi thì người điều khiển phải trình bày. Nếu trình bày có lý thì anh em sẽ không phạt...". Có thể người cán bộ này đang cố gắng "xoa dịu" dư luận. Thế nhưng, bản chất chính là văn pháp luật chưa đạt đến độ "cụ thể", "chính xác", "một nghĩa" nên chính "nhà chức trách" có thể giải thích thế này hay thế khác theo cách hiểu của mình. Điều này xuất phát từ việc văn bản luật được soạn thảo chưa đúng nguyên tắc pháp luật là phải có tính chính xác, rõ ràng, một nghĩa, tức phải tránh tối đa một quy phạm có thể hiểu theo nhiều nghĩa, có thể bị suy diễn… Nói cụ thể hơn, một văn bản quy phạm như Nghị định 71 vốn dự tính sẽ được thực thi hàng ngày, sát sườn với người dân mà ngay cả cơ quan thực thi còn hiểu khác nhau, chứng tỏ nó chưa được soạn thảo kỹ lưỡng và chắc chắn khó có thể làm tốt nhất chức năng của mình. Việc quy định không chặt như vậy cũng sẽ dẫn đến tình trạng người thực thi có thể phạt tùy hứng. Đây chính là kẽ hở để thói lạm quyền, tiêu cực có cơ hội phát sinh. Sự thực là đang còn nhiều, rất nhiều những văn bản thiếu tính khả thi như đã nói ở trên. Việc xây dựng pháp luật quá định tính và ngẫu hứng đang là một trực trạng đáng lo ngại.

Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chân chính: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân"; "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Việc xây dựng hệ thống pháp luật cũng vậy, phải đưa ra được phương án tốt nhất với phương pháp điều chỉnh phù hợp nhất, có lợi nhất cho người dân và xã hội. Thế nhưng, thực trạng hiện nay là những quy định do chưa nghiên cứu kỹ, thiếu tính thực tế đã vội vã ban hành. Tác hại của những quy định pháp luật không đi được vào đời sống này rất lớn, mà điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng "nhờn luật" của người dân. Xây dựng pháp luật một cách tùy tiện, định tính và duy ý chí cũng sẽ vừa tốn thời gian công sức của xã hội, gây nên những bức xúc không đáng có, đồng thời cũng đặt những quyết sách, những văn bản pháp luật vào tình thế mất hiệu lực, tinh thần thượng tôn pháp luật có nguy cơ bị đe dọa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần thượng tôn pháp luật bị đe dọa - Do đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.