Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần thượng tôn pháp luật

Cù Xuân Trường| 11/11/2013 05:45

(HNM) - Sau hơn 10 năm chịu oan trong tù, ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở về đoàn tụ cùng gia đình trong vòng tay của người thân, trong niềm vui và cả trong nước mắt.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm làm rõ vụ việc để minh oan cho người vô tội, đền bù thiệt hại và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân.

Chủ tịch nước yêu cầu xử lý nghiêm minh những người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan sai. Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao cũng đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Nỗi oan khiên bước đầu được hóa giải, nhưng câu chuyện của một con người bị tù oan vẫn buốt đau bởi một số "công bộc" được trao quyền nắm giữ cán cân công lý đã chà đạp lên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Giờ đây, ông Nguyễn Thanh Chấn đã có thể đón một bình minh mới dưới mái nhà của mình như "vừa được sinh ra thêm lần nữa", nhưng câu chuyện phía sau nỗi oan khiên ấy vẫn nhức nhối và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" (một ngày bị giam trong tù dài bằng nghìn năm ở bên ngoài), bồi thường thế nào cho nạn nhân? Nếu lấy tiền ngân sách ra bồi thường liệu có phải là mang tiền thuế của dân ra trả cho việc làm sai trái của một số ít cán bộ chấp pháp? Nếu truy đến cùng, buộc những cá nhân có việc làm sai trái phải bồi thường liệu có khả thi khi lương công chức hiện nay quá thấp, lại không có gì ràng buộc? Hàng loạt vấn đề cần được đặt ra nhưng "hậu án oan" không chỉ có bồi thường, hơn nữa dẫu bồi thường bao nhiêu cũng không thể lấp đầy những mất mát về thể chất và tinh thần của một người có tới 10 năm tù oan trong tủi nhục. Việc gì cần làm thì phải làm để bù đắp cho ông Chấn. Song song với đó là vấn đề trách nhiệm và lương tâm. Tòa án lương tâm đang đòi hỏi phải làm rõ những sai phạm trong điều tra, truy tố, xét xử để biến một người vô tội thành có tội, đẩy một người lương thiện vào cảnh tù đầy... Quan trọng hơn, không chỉ xử lý những cá nhân, tập thể gây oan sai mà phải hạn chế được oan sai, để không còn những bản án cho người vô tội và để chấn chỉnh kỷ cương, giữ nghiêm phép nước, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh và nhân văn của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Câu chuyện trở về của ông Nguyễn Thanh Chấn là hy hữu nếu không muốn dùng từ "cổ tích" bởi sau muôn vàn cay đắng là một cái kết nói theo dân gian là "có hậu". Đây không phải là vụ án oan duy nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam và chuyện oan sai không phải là hiện tượng cá biệt bởi thực tế nó vẫn tồn tại ở cả những quốc gia có lịch sử tư pháp lâu đời. Thế giới đã từng ghi nhận những án oan chấn động của Darryl Hunt, Thomas Kennedy, Dewey Bozella (Mỹ), Arthur Allan Thomas (New Zealand), Donald Marshall, Jr (Canada)… và không ít số phận bình thường bỗng chốc "nổi tiếng" một cách đắng cay. "Không có nền tư pháp nào chính xác 100%" - Một vị lãnh đạo Bộ Tư pháp nói vậy. Đó là sự thật! Thế nhưng, nhìn lại lịch sử tố tụng Việt Nam, có thể thấy những vụ án oan, án sai đang xảy ra ở nhiều địa phương, lọt qua nhiều khâu điều tra xét xử... Đây thật sự là vấn đề rất đáng quan ngại, phải có giải pháp kịp thời chấn chỉnh, bởi án oan sai không chỉ ảnh hưởng tới mỗi cá nhân trong xã hội mà còn làm xô lệch cán cân công lý, làm khuynh đảo những giá trị đạo đức Việt Nam và nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của người dân đối với hệ thống tư pháp của nước nhà.

Một vị đại biểu Quốc hội nói với báo chí rằng: Phía cơ quan tham gia quá trình điều tra tố tụng đều nói sự quá tải của mình. Số lượng những vụ án và chất lượng của các cơ quan tham gia, đặc biệt việc áp lực khối lượng xét xử được nhân lên, bởi việc xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, mà mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược nhau. Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy, và đằng sau nó có những mặt tiêu cực... Đây là một thực tế. Nhìn vào vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng như những vụ án oan sai khác, có thể thấy, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là ở chỗ không có sự bảo đảm minh bạch, công bằng, độc lập trong suốt quá trình điều tra, xét xử, dẫn tới việc bỏ qua nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" và "suy đoán theo hướng vô tội", tạo điều kiện cho tình trạng ép cung, bức cung nạn nhân, từ đó dẫn đến xét xử oan sai.

Thẳng thắn mà nói, sự tự do của ông Nguyễn Thanh Chấn được đánh đổi bằng lòng tận tụy kiên nhẫn đến vô bờ bến của người vợ, dẫn đến việc hung thủ giết người ra đầu thú trước cơ quan chức năng chứ không phải do tài năng hay sự công tâm của những công bộc trong hệ thống tư pháp. Với vụ án oan này có rất nhiều vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc: Từ trách nhiệm, nhận thức của những người được giao quyền nắm giữ, định đoạt sinh mệnh người khác đến các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; từ việc phải làm rõ những chứng cứ xác định có tội và vô tội đến vai trò của luật sư trong việc tham gia hoạt động tố tụng; từ trình độ của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đến tính trung thực trong những phán quyết... Nếu hệ thống tư pháp không có sự thay đổi, nếu thái độ vô trách nhiệm, vô cảm vẫn "nằm lòng" trong những công bộc được trao quyền "định đoạt sinh mệnh" công dân, nếu sự nghiêm minh của pháp luật không được bảo đảm thì những bi kịch sẽ tiếp tục xảy ra, cán cân công lý tiếp tục bị xô lệch.

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, có tính chuẩn mực chung, phù hợp với tập quán, truyền thống, giá trị đạo đức của dân tộc. Do vậy, pháp luật cần được tôn trọng và những "công bộc" trong hệ thống tư pháp càng phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Thượng tôn pháp luật là thượng tôn lẽ phải, lẽ công bằng, là không có ai ở trên pháp luật và cũng không có ai không được pháp luật bảo vệ. Để tinh thần thượng tôn pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, cần xây dựng một hệ thống tư pháp với quyền lực được phân công rành mạch, phán quyết dựa trên những căn cứ pháp lý, bảo đảm tinh thần duy lý, không thiên vị để bảo đảm pháp luật được thực thi. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy: Để bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, để lấy lại lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp thì những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan sai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, đều phải bị xử lý nghiêm minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần thượng tôn pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.