Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần sáng tạo và khát vọng Thăng Long

Miên Hạo| 13/02/2021 10:26

(HNM) - Tên gọi của Kinh thành từ thuở đức Lý Thái Tổ định đô: Thăng Long - Rồng bay lên - đã kết tinh giá trị tinh thần Việt và được bồi đắp qua nghìn năm lịch sử bằng tinh thần sáng tạo của lớp lớp người Thăng Long - Hà Nội. Sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là bước khởi đầu cho một hành trình mới tiếp nối khát vọng Thăng Long, từ đó định hình những giá trị mới trong kỷ nguyên hội nhập.

Ảnh: Trần Anh

Nền tảng sáng tạo và kinh thành nghìn năm

Tinh thần sáng tạo qua nghìn năm lịch sử đã tạo nên những giá trị riêng có cho Thăng Long - Hà Nội. Cũng có thể nói rằng, khát vọng sáng tạo chính là khát vọng Thăng Long. Dấu ấn sáng tạo đọng lại trên những dặm dài lịch sử, từ thuở Đức An Dương Vương đắp Loa Thành, Đức Lý Thái Tổ khai sáng Thăng Long cho đến hôm nay, chính là những tài sản quý giá, là nền tảng khơi dậy sức vươn mạnh mẽ của người Thăng Long - Hà Nội.

Trong lớp lớp văn hóa, lịch sử sâu dày của đất kinh thành, còn đó những công trình kỳ vĩ khẳng định năng lực sáng tạo độc đáo của dân tộc Việt, mà trước hết là thành Cổ Loa - Loa Thành (nay vẫn còn dấu tích ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh). Nhiều thư tịch cổ đã ghi lại những câu chuyện về quá trình tạo tác ngôi thành hình xoắn ốc có một không hai này. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, một trong những sáng tạo tuyệt vời của người xưa là ý tưởng và kỹ thuật xây dựng, từ việc đắp nối các gò đất tự nhiên thành những vòng thành khép kín, đến việc rải gốm dưới chân các lũy đất tạo một kết cấu đặc biệt để có thể còn mãi cùng thời gian. Loa Thành không chỉ là một công trình phòng thủ đồ sộ mà còn là nơi hội tụ tinh thần sáng tạo của dân tộc trong buổi đầu xây nền tự chủ.

Đến khi Đức Lý Thái Tổ khai sáng Kinh thành Thăng Long, đất Kinh kỳ thật sự trở thành nơi “lắng hồn sông núi”, kết tinh những giá trị tinh hoa của người Việt. Những khảo cứu từ Hoàng thành Thăng Long đã cho thấy một quá trình tiếp biến văn hóa đầy sáng tạo. Đây là nơi những học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại được biểu đạt một cách độc đáo từ việc tạo dựng cảnh quan, quy hoạch cung điện đến nghệ thuật kiến trúc và trang trí cung đình (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới). Bên cạnh Hoàng thành là một Kẻ Chợ và những phố phường qua biến thiên của thời cuộc, tạo nên nét đặc thù không đâu có được. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và thời đại, giữa “phố xưa, nhà cổ, mái ngói thâm nâu” với những công trình mang phong cách kiến trúc phương Tây.

Từ cung đình đến làng quê, bất cứ nơi đâu trên đất này, cũng có thể tìm thấy những dấu ấn sáng tạo. Đó là những nét chạm khắc thuần phác mà tinh tế, những bức tượng ẩn chứa nét đẹp tâm hồn được tạo tác từ bàn tay khéo léo của người nông dân có ở hàng trăm đình, chùa trên khắp xứ Đoài và vùng Sơn Nam Thượng. Đó là những cấu trúc độc đáo của làng quê trong sự hài hòa cùng thiên nhiên, nơi chứa đựng những sáng tạo tuyệt vời trong mỗi sản phẩm thủ công truyền thống. Đó là những điệu múa, điệu hát, trò chơi dân gian được sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất; được lưu giữ, trao truyền như một nét văn hóa đặc sắc…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức nhận định: “Tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội đã để lại cho Thủ đô hôm nay một kho tàng đồ sộ với gần 6 nghìn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và gần 1,8 nghìn di sản văn hóa phi vật thể. Khối di sản đa dạng và độc đáo này là minh chứng cho tinh thần sáng tạo, tinh thần Thăng Long”. Nói vậy để thấy, không phải đến khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố mới ôm ấp khát vọng này, mà tinh thần ấy đã có nền tảng từ dặm dài lịch sử.

Định vị thương hiệu bằng sáng tạo văn hóa

Có thể khẳng định, việc Thủ đô lựa chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo - sáng tạo văn hóa để ứng cử làm thành viên Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO là hoàn toàn phù hợp. Việc ứng cử thành công để trở thành thành viên của mạng lưới này là bước khởi đầu cho một chặng đường mới “Định vị thương hiệu bằng sáng tạo văn hóa” của Thủ đô Hà Nội. Nói cách khác, Hà Nội xác định lấy văn hóa và sáng tạo văn hóa làm trung tâm cho sự phát triển bền vững.

Thời gian qua, nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế đã được triển khai, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa phố Phùng Hưng; dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống) và đặc biệt là việc khởi công Dự án Thành phố thông minh, một yếu tố cấu thành của Thành phố sáng tạo tại huyện Đông Anh… Có thể thấy, việc định vị thương hiệu đã có, nhưng để thúc đẩy nguồn lực sáng tạo cho sự phát triển của Thủ đô vẫn là câu chuyện phía trước.

Thực hiện cam kết với UNESCO khi chính thức trở thành Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn, Hà Nội cần cụ thể hóa tầm nhìn bằng các kế hoạch dài hạn trên cơ sở kết nối, lồng ghép yếu tố sáng tạo vào mọi hoạt động của thành phố; đồng thời nâng tầm hoạt động thiết kế sáng tạo cũng như nâng cao nhận thức và sự gắn kết của cộng đồng để hiện thực hóa các sáng kiến; xây dựng hình ảnh, thương hiệu Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong kỷ nguyên hội nhập và kinh tế tri thức.

Theo đó, Hà Nội cần tập trung nguồn lực thực hiện các dự án: Thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đồng thời củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo cũng như hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng; xây dựng các không gian sáng tạo, tạo dựng nền tảng bền vững cho hoạt động sáng tạo; triển khai chuỗi chương trình truyền hình, gây dựng một sân chơi hữu ích cho cộng đồng nói chung và giới trẻ Hà Nội nói riêng trong các lĩnh vực sáng tạo và thiết kế sáng tạo…

Trong khi đó, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe cho rằng, văn hóa và sáng tạo cũng là một trụ cột trong quy hoạch của thành phố. Các không gian sáng tạo như bảo tàng, thư viện, các khu vực nghệ thuật công cộng... cần được quan tâm. Các kiến trúc sư, nghệ sĩ, thợ thủ công... đều có thể góp sức trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo của Hà Nội. Còn theo Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, Hà Nội đã giương cao ngọn cờ của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ. Danh hiệu Thành phố sáng tạo chính là sự tái khẳng định cam kết lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo chính là phát huy tinh thần Thăng Long nghìn năm lịch sử, sáng tạo không có điểm dừng. Mỗi người dân Thủ đô cần phát huy năng lực sáng tạo trong tất cả các công việc của mình - dù nhỏ bé nhất, góp phần thúc đẩy thương hiệu Thành phố sáng tạo một cách hiệu quả và toàn diện nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần sáng tạo và khát vọng Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.