Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh thần người thợ điện tỏa sáng sau bão lũ

Thanh Mai| 01/08/2016 16:07

(HNMO) - Khắc phục sự cố điện đã khó khăn vất vả, song khắc phục sự cố lưới điện do bão lũ gây ra càng khó khăn, vất vả bội phần.

Công nhân Công ty ĐIện lực Nam Định (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) khắc phục các sự cố về điện do cơn bão số 1 gây ra. Ảnh Ngọc Hà TTXVN


Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, cơn bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) được hình thành và lớn mạnh từ một vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ ngày 26-7 với dự báo cấp 8, mạnh lên cấp 9, gây mưa to ở nhiều khu vực Bắc Bộ. Tâm mưa được xác định là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang... với tổng lượng mưa cả đợt 200-300 mm, có nơi 400 mm. Trung tâm Dự báo KTTVTƯ đưa ra hai khả năng, trong đó khả năng cao nhất là bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng với cường độ 60-75 km/h, tương đương cấp 8, gió giật cấp 9-10. Phương án 2 ít xảy ra là bão đổ bộ đồng bằng Bắc Bộ cũng với cấp 8. Trong cả hai khả năng, bão đều suy yếu nhanh và tan ở vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên, đến đêm 27-7, bão đã đổ bộ vào đất liền với tâm bão là các tỉnh từ Thái Bình đến Ninh Bình. Bão mạnh hơn dự kiến, lên cấp 9, gió giật cấp 10-13. Quả là thiên tai khó lường. Ngành Điện cũng đã với cái sự “khó lường” thiên tai và đỏng đảnh của thời tiết. Chính vì vậy, công tác phòng chống lụt bão bao giờ cũng được “gói gém” xong trước tháng 7 hàng năm.

Khi Dự báo về bão số 1 được công bố, ngay trong ngày 26-7-2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Công điện thượng khẩn số 3061 /EVN-AT, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão, đồng thời khẩn trương triển khai phương án phòng chống để đối phó với cơn bão số 1, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân; chuẩn bị nhân lực và phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý; ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu úng, phối hợp với BCH PCTT và TKCN các tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới; các Công ty thuỷ điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du; các Công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy; các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa bão, tổ chức phòng, chống bão lụt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình. Tất cả đều tổ chức trực 24/24 giờ, báo cáo các nội dung liên quan về Ban chỉ huy PCTT và TKCN EVN vào 15 giờ hàng ngày.

Theo thống kê, ước tính thiệt hại thời điểm sáng 28-7, toàn bộ 4 tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình bị mất điện hoàn toàn. Riêng Nam Định, có 85 đường dây trung thế; 3.069 trạm biến áp/ 3.139 máy biến áp bị ảnh hưởng; 2.500 cột bị gãy, đổ; 5.700 vị trí cột bị nghiêng; 102km đường dây bị đứt; hỏng 1.400 xà và 6.000 bộ sứ…; Thái Bình, gãy 26 cột trung thế, đổ nghiêng 269 cột, ngừng cấp điện 25 trạm bơm chống úng đầu mối. Đến nay, Công ty Điện lực Thái Bình đã khôi phục được 25 đường dây trung thế, trong đó, 16 đường dây 35kV, 9 đường dây 10kV …

Tại Thanh Hóa, mất điện tại các khu vực Bỉm Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, theo đó, có 4 đường dây 110kV bị ảnh hưởng, 225 TBA mất điện, tạm ngừng cấp điện hơn 22.100 khách hàng. Khu vực Bắc Ninh có 05 huyện thị bị mất điện một phần. Đến sáng 28-7, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã khôi phục đóng điện 05 đường dây cấp điện trở lại cho khách hàng. Khu vực tỉnh Hòa Bình, mất điện toàn huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Cao Phong, Lạc Sơn mất điện toàn huyện. Nhiều đoạn đường dây 0,4kV cấp điện cho huyện Yên Thủy bị đứt, gãy cột. Hải Phòng, có 62 lộ đường dây bị sự cố nhưng đã đóng điện lại 22 đường dây. Hiện nay, lưới điện 110kV đã vận hành an toàn.

Khu vực Hà Nội, bão đã ảnh hưởng trực tiếp tới 29 trạm biến áp phân phối, 70 vị trí cây đổ vào đường dây, làm nghiêng và đổ hơn 89 vị trí cột điện trung, hạ thế. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là các quận, huyện: Thanh Trì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa…

Thành phố Nam Định, Thái Bình và Hà Nội, sau cơn bão Mariae có thể nói cảnh tượng hoang tàn như những tháng năm khói đạn chiến chinh. Thế nhưng, đến 16 giờ ngày 27-7, tức ngay trong ngày xảy ra bão, EVN Hà Nội đã khắc phục hơn 86% sự cố trên lưới, còn 21 trong tổng số 152 điểm sự cố đang được xử lý. Sau 2 ngày, toàn bộ các trạm bơm phục vụ tiêu úng tại các tỉnh tâm bão đã được cấp điện trở lại để bơm nước cứu lúa, cứu hoa màu và đến ngày 31-7, tức chỉ sau 96 tiếng, Công ty Điện lực Miền Bắc đã khôi phục cấp điện ổn định đến 95% khách hàng tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình.

Chứng kiến cơn bão Mariae, tôi bỗng nhớ trận lũ vào tháng 11-1999 hoành hành ở Huế. Đó là cơn lũ lịch sử làm trấn động cả nước, những giọt nước mắt đều hướng về Miền Trung, trong đó Huế bị ngập chìm trong mất mát nặng nề. Không chỉ lưới điện phân phối mà đường dây 110kV, 220kV cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Những trận thiên tai như vậy, khó mà nói hết được những khó khăn, vất vả của người công nhân điện khi khắc phục lưới điện.

Không ai muốn thiên tai đến, nhưng nhiều khi nhớ, tôi vẫn thầm cảm ơn đời đã cho tôi có những ký ức, cho tôi được có những tháng ngày gian cùng người thợ điện để có một khẳng định như một chân lý: Họ là những người thợ điện đầy tinh thần trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần người thợ điện tỏa sáng sau bão lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.